Một bãi chợ trên thượng nguồn sông Đà |
Người bán hàng đặc biệt
Lúc nào cũng cặm cụi, lầm lũi, cam chịu, ít nói, hiếm cười, chị gói mình trong bộ trang phục của người Thái: Áo bó sát người với hàng khuyết hình con bướm, váy nhung đen và chiếc khăn Piêu quấn trên đầu. Chị tên là Thạnh, người Thái đen, Thuận Châu, Sơn La. Chị hoà vào đội quân buôn ngược sông Đà với vốn liếng là những chiếc khăn Piêu, vài chiếc giỏ đựng cơm đan bằng tre nứa, mấy cái "lờm" bắt cá suối, những lọn tóc phục vụ các cô gái sắp sửa lấy chồng. Cô dâu, người Thái, trước khi về nhà chồng, bao giờ cũng làm lễ "tẳng cẩu"( lễ búi tóc). Còn những cô gái người Mông thì mua tóc về tết thành đuôi ngựa, cặp lên trên đầu. Đây cũng là cách thể hiện một cô gái Mông đã có chồng. Họ hầu như không đội nón mũ, chiếc đuôi ngựa trên đầu được coi là một vật bảo vệ phần đầu khi đi mưa đi nắng. Vừa nói chuyện với tôi, tay chị vẫn không ngớt thùa những đường chỉ đỏ quanh chiếc khăn Piêu. Mải nói chuyện, sơ ý, kim đâm vào tay, chị lại cười một nụ cười cam chịu. Chị nói, con gái Thái đã nhận khăn Piêu của người con trai rồi là suốt đời thuộc về người đó, nó là một vật đính ước. Bây giờ cũng không nhiều người biết làm nữa, nên khăn Piêu bán cũng được. Tôi hỏi chị, đi bán hàng thế này có nhớ chồng, nhớ con không? Như chạm vào nỗi tủi phận của thân gái dặm trường, chị bắt đầu kể: Chỉ nhớ 3 đứa con thôi, cháu bé nhất mới 14 tháng tuổi mà chị đã phải bỏ nó ở nhà để đi chợ, còn chồng thì suốt ngày say rượu và chửi mắng vợ mỗi khi gặp nhau. Chị nói: " Bây giờ Thạnh đang khổ lắm, nhà chẳng có gì, bố mẹ bắt lấy chồng từ năm 17 tuổi...". Người chồng đó, chị không hề có một chút tình cảm nào. Trước đó, chị yêu người con trai khác, tên là Cường. Hai người yêu nhau nhiều như cây rừng, mà bố mẹ không cho cưới vì Cường đi học xa mà nhà anh lại ít ngô. Đời người con gái bản ngắn lắm, đành phải nghe bố mẹ lấy người khác thôi. Bây giờ, chị phải ngày ngày kết khăn Piêu thuê và bán những món tóc se duyên cho nhiều đôi nên chồng vợ...
Cửu vạn đường sông
Đi theo những con tàu hàng đầy ắp là những tấm lưng trần của đội quân cửu vạn. Đây là những cây cầu sống, để chuyển những món hàng từ dưới sông lên chợ. Đặt bịch bao hàng vác từ sông lên chợ Chim Vàn xuống, thở hổn hển, gạt những dòng mồ hôi đang tứa ra khắp người, Thắng, quê ở Lạc Thuỷ- Hoà Bình, đã làm cửu vạn được 7 năm, nói với tôi: " Dốc chợ này là cao nhất đấy, bọn em hôm nào tới đây đều phải mang hàng lên từ chiều hôm trước". Thấy tôi có ý định giúp, Thắng nói: "Anh làm hộ bọn em thì chọn bao hàng nhẹ nhất mà cõng, nhớ là khi lên dốc chân phải đi bước nào chắc bước ấy, nếu không là ngã lăn xuống sông đấy. Cõng bao tải dù đông hay hè anh phải cởi áo ra mới không bị tuột. Còn khi cõng hòm tôn lại phải mặc áo vào...". Trong lúc nghỉ giải lao, một cửu vạn tên là Trường cho biết, làm nghề này nhanh giải nghệ lắm, sức bền mấy cũng chỉ làm được hơn 10 năm. Những người ngày trước cùng lứa làm cửu với anh bây giờ đã nghỉ hết, anh là người trụ lại lâu nhất, đã 12 năm, và cũng đang tính đi vài chuyến nữa rồi phải nghỉ, "với nghề này khi sức đã yếu, cố cũng không được nữa''. Còn Ái, một cửu vạn trong đoàn cảnh báo tôi: "Anh cẩn thận khi đi qua cầu đấy, không lại như em đây". Hắn cười và tôi phát hiện 1 răng cửa bị mất. Ái nói: "Đây là hậu quả của một lần xuống cầu trượt chân bị ngã. Nhưng vẫn còn may, chân, tay không sao, chỉ mất có một cái răng". Với dân cửu vạn đường sông, vác hàng lên tuy mệt nhưng không sợ bằng vác xuống, vì phải cõng nặng mà xuống dốc thì, rất dễ ngã, nhất là khi "chạy chợ", phải khẩn trương. Nếu bốc hàng chậm mà không đến kịp chợ thì coi như bị chủ hàng trừ tiền công...
Bản mình trên sông
Cũng lênh đênh mặt nước như bà con đi chợ. Nhưng "mặt hàng" những cô gái này mang theo chỉ là cái vốn tự có của một người đàn bà. Không cần bảo kê chăn dắt, họ tự làm ăn trên chính thân xác của mình để kiếm sống. Bắc là một người đã có thâm niên nhiều nhất trong đội quân cave. Dưới cái vỏ bọc là một người bán giải khát, cô ta luôn bắt được những ông khách lạc vào quán của mình bằng những chiêu khuyến mại đặc biệt. Nếu vào uống nước, Bắc sẵn sàng để cho khách vừa uống vừa chạm tay vào bất cứ chỗ nào của cơ thể mình. Còn ai bỏ tiền ra mua một lon nước "loại 50.000đ" là được cộng một lần lên thuyền cùng Bắc. Không còn sợ mình bị mang tiếng là cave, Bắc nói: " Ở đây ai cũng biết em hết rồi, nên cũng chẳng có gì mà sợ. Trước kia em "phục vụ" ở nhà nhưng bây giờ ở nhà thì chết đói, nên em mới bỏ xuống bến làm ăn, hoá ra ở đây kiếm cũng được, tuy có hơi vất vả một chút nhưng hết vòng chợ 8 ngày mình lại được nghỉ 1 lần...". Cũng bán thân để nuôi miệng, nhưng không phải kiểu “bóc bánh trả tiền”, Tim sinh năm 1985, chấp nhận “cặp” với một ông chủ tàu có tên là S. Tuy ít tuổi, nhưng Tim cũng đã có thâm niên hơn hai năm sống theo kiểu "già nhân ngãi non vợ chồng" với ông chủ tàu. Mỗi một vòng chợ như vậy, Tim được trả công 500 nghìn cho 8 ngày phục vụ. Có lẽ, tại cái nghề tự bán mình cũng kiếm ăn được, khi bám vào những con tàu đi chợ sông Đà, nên danh sách những cô gái tự bán mình trên bến với các cái tên mĩ miều như Thuỷ, Hương, Mây,... ngày một dài thêm. Họ đều là những người ở bản Chanh, ngay dưới chân cầu Tạ Khoa. Cho đến bây giờ, cái "phi đội cave” này đã tiến thêm một bước, bao hẳn một chuyến tàu nhỏ, bám theo những điểm chợ, để tiện và chủ động trong công việc tự bán mình.
Lăn lộn trong những đoàn tầu đi chợ , tôi phát hiện ra một điều có những ông chủ, buôn tàu bán bè cả tỉ bạc, nhưng cũng có những con người để kiếm được miếng ăn phải đổ cả bát mồ hôi, chịu những nỗi nhớ con dằng dặc hay cả những cô gái sẵn sàng bán mình với giá chỉ 50 nghìn đồng, tất cả đều lênh đênh theo những chuyến tàu buồn vui, xuôi ngược dòng Đà giang hùng vĩ.
Nguyễn Gia Tưởng