📞

‘Những mắt không mặt’ – triển lãm thú vị của các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản

An Lê 16:52 | 10/03/2021
TGVN. Từ ngày 12/3 – 20/4 tới, Triển lãm 'Những mắt không mặt' sẽ được Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Không gian nghệ thuật Manzi đồng tổ chức với sự hỗ trợ của Viện Goethe cùng các tổ chức, cá nhân.

"Những mắt không mặt" là triển lãm của nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh và Trương Quế Chi, cùng giám tuyển Đạt Nguyễn, diễn giả khách mời Hiroyuki Hattori và nhà soạn nhạc Hiroyuki Ura.

Trong thời gian diễn ra triển lãm, buổi trò chuyện về chủ đề ký ức và không gian với diễn giả khách mời, giám tuyển Hiroyuki Hattori cùng hai nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh và Trương Quế Chi sẽ diễn ra vào ngày 24/3 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hà Nội).

Tiếp đó, vở diễn mang tên “Cuộc sống và chính nó” của Trương Quế Chi sẽ diễn ra vào ngày 4/4 và 18/4 tại Tầng thượng Manzi Exhibition Space (số 2 Ngõ Hàng Bún, Hà Nội).

Poster của triiển lãm ‘Những mắt không mặt’. (Nguồn: BTC)

Dưới đây là những thông tin về tác giả:

Trải rộng trên các mảng sắp đặt, điêu khắc và hình ảnh động, thực hành đa ngành của Nguyễn Phương Linh suy tư về thời gian, hình thức, sự thật vô hình và hữu hình, thấm đượm cảm giác về sự chuyển dời và phù du.

Cô sinh ra và lớn lên ở Nhà sàn Colletive – nơi được coi như không gian phi lợi nhuận do nghệ sĩ điều hành hoạt động lâu năm nhất tại Hà Nội, đặt ngay tại nhà riêng của cha cô. Năm 2013, Phương Linh điều hành Nhà sàn Collective cùng nhóm bạn bè nghệ sĩ thân thiết.

Cô đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, trong đó có Singapore Biennale, Kuandu Biennale Taipei và Shanghai Biennale tổ chức năm 2016. Năm 2018, Phương Linh giành giải thưởng BACC cho Nghệ thuật đương đại từ Quỹ Hans Nefkens Foundation. Ngay lúc này, cô có tác phẩm góp mặt trong triển lãm nhóm Gió thổi – Đổi giời được Rosa-Luxemburg Stiftung Southeast-Asia tổ chức tại Hà Nội từ 6/3 tới 12/4.

Trương Quế Chi là một nghệ sĩ và giám tuyển hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác và điện ảnh tại Hà Nội. Các tác phẩm của cô bắt đầu bằng việc tìm kiếm một phong cảnh, một dàn cảnh, trong tương quan với không gian-thời gian, trên đường biên giữa các vùng, trải qua “độ cao của dung thứ”. Từ năm 2015, cô tham gia vào ban giám tuyển của Nhà sàn Collective và đảm nhiệm việc giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Đạt Nguyễn là một nghệ sĩ đa phương tiện, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Lạt. Anh là thành viên của Sao La Collective, cũng là người đồng sáng lập quán bar nghệ sỹ Cù Rú tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Gần đây, anh hân hạnh được Nhà sàn Collective mời gọi với vai trò nghệ sỹ giám đốc Nhà sàn Collective. Các tác phẩm của anh đã từng góp mặt trong một số triển lãm như Nguchonobay (2017), Salt of the Jungle (2017), Nổ Cái Bùm (2020)...

Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Trường Cao học Kiến trúc Công nghệ Đại học Waseda năm 2006, Hiroyuki Hattori dành mười năm tiếp theo thực hành giám tuyển tại hai trung tâm nghệ thuật tầm cỡ, chú trọng vào chương trình lưu trú nghệ sĩ của mỗi nơi. Bên cạnh việc tham gia vào quá trình nghiên cứu và sản xuất tác phẩm của các nghệ sĩ lưu trú, Hattori cũng góp mặt trong nhiều dự án khác.

Những năm gần đây, anh giảng dạy quản lý nghệ thuật, giám tuyển, thiết kế dự án cũng như thiết lập không gian công theo hướng tiếp cận thực tế. Anh cũng điều hành và đề xuất các chương trình cho các trường học và viện nghiên cứu nghệ thuật. Anh là giám tuyển của dự án “Cosmo-Eggs” – triển lãm thuộc khuôn viên trưng bày của Nhật Bản tại Triển lãm quốc tế Venice Biennale lần thứ 58 tổ chức năm 2019.

Sinh ra ở Tokyo, Hiroyuki Ura là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn nhạc thể nghiệm. Gần đây anh cũng tích cực hoạt động bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, các sáng tác và trình diễn của anh đã được các hãng đĩa nước ngoài phát hành. Triển lãm tiêu biểu: Triple Loop, Irregular Rhythm Asylum, Tokyo (2020), Not(a) Fantasma, Space Dike, Tokyo (2019), Scores (with Kenichi Kanazawa) Gallery Natsuka, Tokyo / CAS, Osaka, (2018), Ghost Note, Omise, Tokyo (2017).