Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự lễ kéo cờ Việt Nam tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 28/7/1995. (Nguồn: TTXVN) |
Động lực cho cả hai
Trước khi Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 7 của ASEAN vào năm 1995, vô số câu hỏi đã được đặt ra về những hậu quả tiềm tàng trong tương lai của việc kết nạp một cựu thù. Trước khi quyết định gia nhập ASEAN, Việt Nam đã cử phái đoàn cao cấp tới Ban thư ký ASEAN ở Jakarta để đánh giá ưu và nhược điểm của việc gia nhập Hiệp hội. Phái đoàn trở về nước với nhận thức đầy đủ rằng Việt Nam sẽ là tài sản của ASEAN về lâu dài.
Ngay sau khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN, qua đó góp phần hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á.
“Tua” nhanh đến hiện tại, Việt Nam đã chứng minh một cách không thể phủ nhận rằng tư cách thành viên ASEAN đã tạo ra động lực mới không chỉ cho chính Việt Nam mà còn cho tổ chức “57 tuổi” này. Ngày nay, Việt Nam là nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN, có tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục và phát triển xã hội.
Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong ASEAN vừa với tư cách là thành viên Hiệp hội và chủ tịch luân phiên trong việc củng cố vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN. Quan trọng nhất, Việt Nam muốn đảm bảo rằng ASEAN tiếp tục có vai trò phù hợp và là một chủ thể khu vực trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Trước thực trạng bất ổn gia tăng, xuất phát từ cạnh tranh giữa các cường quốc, không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam muốn tập trung vào tương lai của ASEAN. Kể từ khi gia nhập Hiệp hội, Việt Nam đã có thể hội nhập về mọi mặt như chính trị - an ninh, kinh tế, xã hội - văn hóa với các thành viên ASEAN còn lại.
Với gần 30 năm là thành viên ASEAN, Việt Nam mong muốn ASEAN sẽ luôn đoàn kết và có thể ứng phó với những thay đổi cả trong bối cảnh khu vực và quốc tế. Như lịch sử đã chứng minh, ASEAN vẫn có khả năng giảm thiểu căng thẳng và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác giữa các nước thành viên cũng như các đối tác đối thoại. Với tư cách là thành viên của “gia đình” ASEAN, mỗi quốc gia đều có tiếng nói, đồng thời có thể thuyết phục các thành viên còn lại trong “gia đình”, từ đó hình thành sự đồng thuận cần thiết, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN.
Ông Kavi Chongkittavorn, Thành viên cao cấp, Viện An ninh và nghiên cứu quốc tế, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan. (Nguồn: VGP) |
Đồng thuận là điều đương nhiên
Các nhà phê bình thường đổ lỗi cho ASEAN vì thiếu phản ứng và biện pháp khắc phục nhanh chóng khi đối phó với khủng hoảng. Là một tổ chức phi quân sự có mục tiêu rõ ràng là thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng, việc ASEAN đạt được đồng thuận trước khi cam kết vì bất kỳ mục tiêu nào là điều đương nhiên.
ASEAN không giống như các cường quốc vốn có thể đưa ra phản ứng hoặc sau đó hủy bỏ quyết định của mình theo ý muốn. Một khi ASEAN đưa ra cam kết, đó sẽ là lập trường vững vàng và không thay đổi. Như vậy, ASEAN là tổ chức rất độc đáo: một Hiệp hội nỗ lực giải quyết vấn đề nhằm duy trì sự ổn định, cải thiện an ninh con người và sinh kế của Cộng đồng ASEAN.
Sáng kiến của Việt Nam rất kịp thời vì khả năng tổng thể ASEAN trong việc ứng phó với những thay đổi địa chính trị hiện nay là một câu hỏi thường xuyên được đề cập. ASEAN có thể tăng cường hơn nữa vai trò trung tâm, sự đoàn kết và phương thức hoạt động của mình thông qua việc tăng cường tham vấn cấp cao, đặc biệt là giữa các nhà lãnh đạo.
Cũng cần có một cơ chế cho phép các nhà lãnh đạo ASEAN gặp mặt trực tiếp khi có nguy cơ một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Những lúc như vậy, điều quan trọng là trong các cuộc họp hay tham vấn, các nhà lãnh đạo ASEAN đều cảm thấy thoải mái, họ nên dành nhiều thời gian bên nhau hơn để cùng trao đổi. Tương lai của ASEAN phụ thuộc vào khả năng phối hợp của các nhà lãnh đạo trong việc chuyển hóa các mối quan tâm chung, quan điểm và nhận thức chung thành các kế hoạch hành động phù hợp và hữu hình.