📞

Những ngày “xây nhà” ở Bandar Seri Begawan

09:00 | 07/04/2019
Hành trình mở Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei năm 1995 khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN là những tháng ngày thú vị, đáng nhớ đối với Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh.

Sau khi Việt Nam quyết định gia nhập ASEAN, theo kế hoạch, ASEAN sẽ tổ chức lễ kết nạp Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 vào ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) ở Brunei - nước Chủ tịch ASEAN năm ấy.

Đi tìm một địa chỉ

Để chuẩn bị cho việc gia nhập ASEAN, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Brunei, tháng 5/1995, Việt Nam đã quyết định lập Đại sứ quán thường trú tại Bandar Seri Begawan, thủ đô của Brunei.

Thời điểm ấy, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã cử ông Nguyễn Thạc Dĩnh – Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á – Nam Thái Bình Dương, làm Tham tán Công sứ, Đại biện lâm thời tại Brunei.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (giữa) và thành viên Đoàn Việt Nam dự lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN, ngày 28/7/1995 chụp ảnh tại Đại sứ quán. (Ảnh tác giả cung cấp)

Vào một ngày đầu tháng Sáu, từ Singapore, đoàn tiền trạm gồm ba người là ông Dĩnh và hai nhân viên ngoại giao chính thức đặt chân đến sân bay quốc tế Brunei.

Ông Dĩnh nhớ lại, đi mở sứ quán sẽ chẳng dễ dàng nếu như ông không có sẵn kiến thức của một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm. Thuận lợi đầu tiên mà ông Dĩnh nhắc tới là sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị liên quan trong Bộ Ngoại giao, từ việc cấp kinh phí nhanh cho tới việc liên hệ với Bộ Ngoại giao Brunei giúp đoàn tiền trạm thuê xe, nhà ở, đáp ứng các đề nghị của Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở vật chất Đại sứ quán.

Trước đó, ông Dĩnh cũng đã có kinh nghiệm khi là một trong 7 thành viên đoàn tiền trạm của Bộ Ngoại giao sang Kuala Lumpur lập Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

Ông Dĩnh kể lại, khi vừa tới Brunei, đoàn được Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành hữu quan của Brunei hỗ trợ rất nhiệt tình. Sau 3 ngày, bạn đã thu xếp cho ông đến chào Vụ trưởng Lễ tân để trao bản sao thư của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ trưởng Ngoại giao Brunei cử ông Dĩnh làm Đại biện lâm thời.

Trong thời gian đó, ông đã tranh thủ chào Đại sứ các nước ASEAN tại Brunei để làm quen, trao đổi tình hình. Các đại sứ đều hoan nghênh Việt Nam lập Đại sứ quán tại Brunei và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình lập Đại sứ quán và hoạt động tại Brunei.

Được tạo mọi điều kiện thuận lợi nên chỉ trong vòng một tuần, đoàn đã thuê được nhà vừa làm trụ sở vừa làm nhà ở cho cán bộ nhân viên với giá rẻ. Ô tô và các đồ dùng thiết yếu cho Đại sứ quán cũng sớm được sắm sửa.

Ông Dĩnh chia sẻ, thách thức lớn nhất lúc ấy vẫn là nhân lực khi đoàn tiền trạm quá “mỏng” và chỉ mình ông biết tiếng Anh. Hai nhân viên còn lại lần đầu “chân ướt chân ráo” đi nhiệm kỳ. Vì vậy, ông Dĩnh phải làm hầu hết các công việc liên quan đến đối ngoại, 2 nhân viên còn lại lo các việc từ nấu nướng, làm vườn, dọn dẹp Đại sứ quán... Vì phí nhân công tại Brunei khá cao nên để tiết kiệm chi phí, đoàn không thuê người địa phương và đều nỗ lực làm tất cả những gì có thể.

Kỷ niệm đáng nhớ

Nhớ lại ngày 9/6/1995, khi lá Cờ đỏ Sao vàng tại Đại sứ quán chính thức tung bay trên bầu trời Brunei, ông Dĩnh vẫn không khỏi bồi hồi.

Những khoảnh khắc đáng nhớ khi chứng kiến lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, được tổ chức trọng thể vào ngày 28/7/1995 tại Thủ đô Bandar Seri Begawan. Đoàn Việt Nam khi ấy do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm dẫn đầu, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng nhóm quan chức ASEAN của Việt Nam Vũ Khoan, Vụ trưởng ASEAN Đỗ Ngọc Sơn và Đại sứ nước ta tại các nước ASEAN. Được đón các khách quý “xông nhà” là niềm vui, hạnh phúc, xóa đi những vất vả trong nhiều ngày tháng của ông Dĩnh và các nhân viên trong sứ quán.

Nhiều năm qua đi, mảnh đất Brunei với nhà ngoại giao đầu đã hai màu tóc vẫn là một miền thương nhớ, là những cuộc điện thoại tranh thủ chỉ vài phút về nhà để nghe tiếng vợ, con cho bớt nhớ, là nỗi nhớ quê, là những buổi thong dong trong công viên, những bữa cơm của ba người đàn ông xa đất nước…

Tại buổi quốc yến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chào mừng Quốc Vương Brunei cuối tháng Ba vừa qua, ông Dĩnh đã có dịp gặp lại các đồng nghiệp, bạn bè cũ trong Bộ Ngoại giao ta cũng như Brunei.

Lắng nghe kỹ bài diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và diễn văn đáp từ của Quốc Vương, ông Dĩnh cảm thấy vui mừng khi chuyến thăm đã thành công tốt đẹp và là dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác gắn bó giữa hai nước, đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới với Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei Darussalam. Nhìn về tương lai, ông Dĩnh tin tưởng chắc chắn rằng mối quan hệ này sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn nữa.