Những người bán hàng rong ở Nhật Bản đã và đang góp phần bảo tồn nét văn hóa đang bị mai một tại đất nước Mặt trời mọc. (Nguồn: Nikkei) |
Edward M. Gomez, nhà sử học nghệ thuật, nhà báo và nhà phê bình nghệ thuật chuyên về Nhật Bản đã mô tả hàng rong góp phần bảo tồn một nét văn hóa đang mai một dần trong đời sống tấp nập tại các thành phố lớn.
Thông qua những bản in khắc gỗ, ông Gomez nhận định, những người bán hàng rong trên đường phố ở Nhật Bản xuất hiện từ thời Edo (1603-1868).
Trong cuốn bách khoa toàn thư “Morisada manko” (những bức phác họa của Morisada), họ được gọi là botefuri, tức là những gánh hàng rong với chiếc đòn gánh đặt trên vai, hai chiếc rổ phía trước và sau đựng rau, đậu phụ, cá để bán.
Từ năm 1837, nhà văn học dân gian Kitagawa Morisada đã mô tả botefuri như những nhân vật quan trọng trong thế giới bán lẻ Nhật Bản vào thời điểm đó.
Ở Nhật Bản, đặc biệt là ở Tokyo, những người bán hàng rong hiện nay không nhiều, trái ngược với một số thời điểm trong quá khứ.
Khoảng 50.000 cửa hàng tiện lợi và rất nhiều máy bán hàng tự động trên khắp xứ sở sakura đã khiến cho sự hiện diện của những người bán hàng rong bán bánh kẹo, rau thơm hoặc thực phẩm tươi sống dần mất đi.
Ngày nay, trên các đường phố ở Tokyo, những người bán hàng rong xuất hiện với hình thức rất khác, đó là các xe tải chở đồ ăn. Những chiếc xe này gọn gàng và được trang trí bắt mắt, mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi và trải nghiệm ăn uống cũng như giải trí khác biệt.
Ông Gomez miêu tả, đồ ăn trên những chiếc xe tải này không chỉ đơn thuần mang lại cho người mua những món ăn đường phố bình dị mà đặc sắc như cà phê, bánh rán, cà ri, bánh crepe hoặc đồ ăn Trung Quốc, mà đó còn là bầu không khí lễ hội, điều mà cuộc sống đô thị dường như đang bỏ qua.
Các mặt hàng khác như trái cây và rau củ cũng được bày bán trên những quầy hàng rong tại Tokyo.
Những mặt hàng này được giao từ các trang trại ở các quận lân cận như Chiba và Saitama và được bày bán ở gần một số phố mua sắm chính.
Những sản phẩm này được chào mời với "giá hời", đồng thời những quầy hàng còn phát những bài hát đang thịnh hành như “Fly Me to the Moon”, “My Way”, hay “Never on Sunday”, tạo nên bầu không khí sôi động trên các con phố ở Nhật Bản.
Ngoài ra, vào mỗi mùa Thu - Đông, những gánh hàng rong bán khoai lang nước đã mang đến mùi thơm truyền thống khó cưỡng. Khoai lang nướng cũng được bán trên các xe tải tại nhiều thị trấn và thành phố của Nhật Bản.
Để phù hợp với cuộc sống hiện đại, hình thức của các “gánh hàng rong” hiện nay ở Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều so với những người được gọi là “botefuri” trước kia.
Song, một nét văn hóa những người bán hàng rong vẫn lưu giữ đó là lan tỏa linh hồn của đất nước hoa anh đào giữa lòng một trong những đô thị nhộn nhịp nhất thế giới.