Năm nay 51 tuổi, Daniel Suelo, đến từ Moab, bang Utah (Mỹ) từng tốt nghiệp Đại học Colorado khoa nhân loại học. Có công việc ổn định, Suelo có một khoản tiền gửi ngân hàng và cũng là thành viên rất tích cực trong cộng đồng nơi ông sinh sống.
Thế nhưng, vào một ngày năm 2001, Suelo quyết định ngừng sử dụng tiền, giống như từ bỏ một thói quen xấu vậy. Ông chuyển đến sa mạc ở Utah và dựng nhà trong các hang động, hàng ngày tìm quả dại và xác chết động vật làm thức ăn. Thay vì nhận hàng hóa, thực phẩm hay bất kỳ nguồn tài trợ nào từ chính phủ, ông chỉ tìm đến những thứ đã quá hạn bị bỏ trong thùng rác, hoặc nhận những bữa “thết đãi” từ bạn bè hoặc lòng tốt từ người lạ. Không chỉ ngừng sử dụng tiền trong 11 năm qua, Suelo còn vứt bỏ cả bằng lái xe, hộ chiếu, và đổi tên trên giấy tờ của mình Shellabarger thành Suelo, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Trái đất”.
“Triết lí sống của tôi là chỉ sử dụng những gì được người ta cho một cách thoải mái, những gì ở thời hiện tại”, Suelo nói. Trên blog cá nhân mà ông vẫn duy trì nhờ internet của công cộng, Suelo viết: “Khi có tiền, tôi luôn cảm thấy thiếu thốn. Tiền bạc làm cho người ta thiếu thốn. Tiền tượng trưng cho quá khứ (những khoản nợ), cho tương lai (các khoản tín dụng sau này), mà không bao giờ là biểu trưng cho hiện tại”.
Hành động của Suelo đã trở thành cảm hứng cho hàng nghìn người Mỹ, nhất là trong thời điểm khủng hoảng kinh tế vừa qua. Mark Sundeen, một người bạn của Suelo, đã viết về ông trong cuốn sách “Người từ bỏ tiền bạc” và cho rằng ông đã sống như một tấm gương biết lắng nghe theo trái tim, đức tin của mình. Bản thân Sundeen thừa nhận, ban đầu khi biết tin, ông nghĩ rằng bạn mình bị “điên” hoặc gặp phải cú sốc về tinh thần nào đó. Thế nhưng, sau cú sốc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông bắt đầu nghĩ lại. Ông thấy rằng Daniel đã đúng khi nói rằng tiền bạc chỉ là ảo ảnh và không có thật. “Bởi vì nếu hôm nay nhà của bạn có giá 500.000 USD, ngày mai chỉ còn 300.000 và điều gì xảy ra khi nó sẽ xuống 200.000, số tiền ban đầu biến mất đi đâu?”, Sundeen nói.
Trong khi đông đảo người Mỹ đang phải vật lộn với phá sản, thất nghiệp, nợ nần,… Suelo chẳng phải lo lắng gì. Vì ông đã tìm ra cách tốt nhất để có thể trả nợ là chẳng bao giờ có khả năng trả nợ! Với cuộc sống “không tiền”, Suelo cũng có không ít khó khăn. Ông từng bị ngộ độc khi ăn một cây xương rồng và bị nôn mửa, hôn mê. Ông tưởng mình đã chết và đã “trăng trối” lại trên blog, nhưng sau đó đã khỏe trở lại. Ông cho rằng khó khăn thách thức cũng có mặt tốt và cả cơ thể con người và hệ miễn dịch cần có nó. Ông cũng cho biết ông đang làm những việc tương tự những gì loài người đã làm trong hàng triệu năm trước, còn nếu phải chết, đó cũng chỉ là điều bình thường, là sự lựa chọn của tự nhiên.
Daniel Suelo không phải là trường hợp duy nhất nỗ lực chứng minh con người có thể sống hoàn toàn thoải mái mà không cần đến tiền. Trước đó, bà Heidemarie Schwermer, người Đức, 70 tuổi, đã từ bỏ tiền bạc, của cải và trong vòng 16 năm liền không dùng đến tiền. Bà đến ở nhà người quen, bạn bè hay bất kỳ ai và làm việc để đổi lấy chỗ ở, bữa ăn, các vật dụng cần thiết. Một trường hợp thú vị khác là triệu phú Karl Rabeder người Áo. Cảm thấy càng có tiền càng làm cho mình khốn khổ, Rabeder đã quyết định cho đi số tài sản trị giá 5 triệu USD và chuyển đến sống trong một ngôi nhà gỗ nhỏ giản dị trên núi. Rabeder cho biết từ sau khi từ bỏ tài sản, ông cảm thấy nhẹ nhõm và tự do.
Rõ ràng, dù với những cách thức khác nhau, nhưng các trường hợp “nói không với tiền” kể trên đã chứng minh được rằng ý nghĩa thực sự của từ hạnh phúc có thể không nằm trong sự sung túc hay tiền bạc, và càng khó tìm trong cuộc sống với nhiều nỗi lo toan của con người trong thời hiện đại.
Mai Anh