📞

Những người lính bước tiếp cuộc chiến năm xưa

08:55 | 27/07/2017
Những cô cậu thanh niên xung phong năm nào, xông pha mặt trận khói lửa bảo vệ nền độc lập, nay trở về lại tiếp tục cuộc chiến với những nỗi đau hằn sâu trên cơ thể mỗi ngày. 

This browser does not support the video element.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) là nơi nuôi dưỡng và điều trị thương bệnh binh tập trung có số lượng thương binh đông nhất cả nước và thương tật nặng hạng ¼ (tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100%). (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Những thương bệnh binh tại Trung tâm đã từng xung kích trên các mặt trận chống Mỹ, Pháp và cả cuộc chiến bảo vệ biên giới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Hầu hết, thương, bệnh binh tại đây đều mang trên cơ thể di chứng về cột sống, nửa dưới của cơ thể hoặc toàn thân bị teo và không còn cảm giác, không thể tự sinh hoạt cá nhân và làm bất cứ việc gì. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chiếc xe lăn trở thành vật bất ly thân đối với mỗi người. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Hiện nay, trung tâm có 4 bệnh nhân phải tiêm thuốc hàng ngày để chống lại cơn đau vẫn như một thói quen “trỗi dậy” trong cơ thể họ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Từng đóng quân tại Lập Thạch (Vĩnh Phúc), tham gia tòng quân khi mới chỉ 17 tuổi, thương binh Vũ Đức Sản hiện nay liệt nửa dưới cơ thể và phần xương cột sống bị tổn thương nặng, di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Nỗi đau về mặc cảm khiến ông Sản không nghĩ đến việc lập gia đình. Tuy nhiên, khi có sự động viên của bạn bè, người thân xung quanh, 10 năm sau ông đã kết duyên với một cô giáo sống gần Trung tâm và họ có với nhau một người con gái, nay cũng đã trở thành giáo viên trung học. Họ cùng nhau sống tại trung tâm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ông Đỗ Đăng Khuây, 66 tuổi, trong một lần chiến đấu đã bị mất hai cánh tay và mắt bên phải. Tuy nhiên, “hàng ngày tôi vẫn đạp xe đạp ra chợ, thích ăn gì thì mua cái đấy, rồi về tự nấu, không muốn làm phiền ai, chỉ khi thật sự mệt, không thể làm gì thì mới cần đến sự trợ giúp của hộ lý” ông Khuây vừa đạp xe vừa nói với lại với chúng tôi. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Cô thanh niên mảnh mai, thuộc đội sửa chữa súng đạn năm xưa Nguyễn Thị Thoa thỉnh thoảng ngồi nhớ về những tháng ngày ở bên đồng đội, chịu những cảnh mưa bom, lửa đạn, những cơn sốt rét xuyên rừng . (Ảnh: Nguyễn Hồng)

"Ngày ấy, ai cũng muốn được đi xung phong, tinh thần tuổi trẻ ngày ấy hừng hực khí thế chiến đấu lắm", cô trầm ngâm nhớ về năm ấy. Cô gái "mình hạc xương mai' cũng hắng hái xung phong gia nhập đội ngũ sửa chữa súng cho bộ đội ta chiến đấu anh dũng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cầm cuốn sổ lưu bút trên tay, bà Hường nhớ về những đồng đội quân ngũ. Họ đã từng trao nhau những câu thơ, những dòng lưu bút đầy kỷ niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Thế nhưng hiện nay, họ không còn biết đến thông tin của nhau. Ai đã từ trận mạc năm xưa trở về, ai cũng trở thành thương binh như bà, ai đã phải nằm xuống nơi chiến trường khốc liệt đó để giành lấy nền độc lập cho dân tộc. Không ai trong số họ còn biết về nhau, họ ra sao, đã từng sống như thế nào. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Bà Nguyễn Thị Bích, vẫn hàng tuần đi lại giữa quê nhà Vĩnh Phúc với trung tâm Bắc Ninh để có thể vừa chăm sóc, giúp đỡ người chồng của mình, lại vừa có thể chăm sóc cho con cháu ở nhà. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Một bộ bài, vài chiếc kẹo là cách mà những người lính đã sử dụng để tìm kiếm một niềm vui cho mình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ngày hôm nay, khi cả nước hướng về những người lính đã ngã xuống nơi trận mạc, những người thương binh ngày ngày đang chiến đấu với tàn tích chiến tranh ăn sâu vào cơ thể họ, những người mẹ, người anh, người em mất đi người thân thương nhất để giành lấy nền độc lập cho dân tộc. Chiến thắng ấy, sự cống hiến ấy mãi là tài sản quý giá cho thế hệ không chỉ hôm nay mà sẽ mãi mãi đến mai sau. (Ảnh: Nguyễn Hồng)