TIN LIÊN QUAN | |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Lễ chuyển giao Cơ quan thường trực Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình | |
Việt Nam đang thực hiện gìn giữ hòa bình ở CH Trung Phi, Nam Sudan |
Để trở thành thành viên chính thức của lực lượng mũ nồi xanh, các sĩ quan phải trải qua quá trình kiểm tra khắt khe về năng lực, trình độ ngoại ngữ… cũng như các khóa huấn luyện trong và ngoài nước về những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ gìn giữ hòa bình (GGHB).
Sẵn sàng với nhiệm vụ mới
Những ngày đầu ở Nam Sudan, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga - nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ - đã tự hỏi “người dân ở đây sống bằng gì?” khi nhìn những ngôi nhà vách đất mà cũng không biết có thể gọi là cái nhà hay không, ruộng đồng không có, chỉ thấy những mảnh đất cằn. Chị Nga cho biết, trước khi lên đường sang Nam Sudan, điều chị băn khoăn nhất là làm sao để bắt nhịp với cuộc sống và công việc mới ở vùng đất có văn hóa, phong tục hoàn toàn lạ lẫm. Thế nhưng, chứng kiến cuộc sống nghèo khổ và phải đối mặt với những bất ổn về an ninh của người dân nơi đây, chị không còn cảm thấy xa lạ mà đó là mong muốn được sẻ chia cùng quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của người lính mũ nồi xanh. Chị cũng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa lớn lao của con đường mà mình đã chọn và thêm tự tin sẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại.
Chị Nga trong chuyến bay của LHQ từ Uganda sang Nam Sudan, sau một tuần làm các thủ tục theo yêu cầu của LHQ trước khi nhận nhiệm vụ. |
Đối với Thiếu tá Nga, con đường đến với lực lượng mũ nồi xanh là một bất ngờ. Sau khi Bộ Quốc phòng có chủ trương cử nữ sĩ quan tới các phái bộ GGHB LHQ, Ban Chỉ huy Trung tâm GGHB Việt Nam (nay là Cục GGHB Việt Nam) nhận thấy Thiếu tá Nga có nhiều tố chất của một người làm đối ngoại và thế là chị được lựa chọn. Thời gian đầu, gia đình không ủng hộ chị đi Nam Sudan. Tuy nhiên, bằng quyết tâm và tình yêu với công việc GGHB, chị đã thuyết phục được mọi người. Quyết tâm của chị cũng được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao. Đại tá Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam - trong những lần chia sẻ về công việc của Cục luôn nhắc nhở và mong muốn các sĩ quan được lựa chọn sau này, đặc biệt là các sĩ quan nữ, “có quyết tâm cao và sẵn sàng thực hiện quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ như đồng chí Nga”.
Sau ba năm chính thức tham gia lực lượng GGHB của LHQ, Việt Nam đã cử 20 lượt cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ tại các Phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. |
Chị Nga chia sẻ, chị chuẩn bị tâm lý cho hai con trai khi chị vắng nhà, kể cho các con những câu chuyện về người lính mũ nồi xanh, về các bạn nhỏ có hoàn cảnh không may mắn… Chị động viên các con “nếu nhớ mẹ thì hãy cố gắng học tập và yêu thương nhau, nghe lời bố và ông bà. Mẹ sẽ gọi điện và vẫn nhìn thấy các con hàng ngày”. Khi biết chị Tết này không về được, hai con không nói gì, quay mặt đi và rơm rớm nước mắt. Cả buổi chiều hôm chị lên đường, con trai bé 10 tuổi đóng cửa phòng nằm khóc vì sắp phải xa mẹ. Cậu cả 12 tuổi ốm, sốt đã mấy ngày, nhưng tối hôm đó vẫn cố gắng ra sân bay tiễn mẹ.
Hiện tại, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là sĩ quan thứ ba và nữ duy nhất của Việt Nam đang làm việc tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan (UNMISS). Trước khi lên đường làm nhiệm vụ “sứ giả hòa bình”, trong suốt hơn một năm, chị đã tham gia các chuyến tập huấn ở nhiều nước như Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Sri Lanka, Uganda với những khóa học dành cho sĩ quan tham mưu, giám sát các hoạt động quân sự; quan sát viên quân sự. Ngoài ra, chị còn được học về kỹ năng sinh tồn, thực hành lái xe hai cầu, phương pháp tự sơ cứu cho mình và người khác, hay cách đàm phán khi giải cứu con tin.
Thầy Lê Ngọc Sơn đang giảng bài cho các học trò. |
Dạy học cũng là cách GGHB
Chiếc xe buýt của Phái bộ GGHB LHQ tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) dừng lại trước con ngõ nhỏ ở thủ đô Bangui, một người lính mũ nồi xanh bước xuống, lũ trẻ chạy ào đến, đứa nhảy lên ôm cổ, đứa nắm tay, đứa xách cặp cho người lính ấy. Anh là Trung tá Lê Ngọc Sơn - sĩ quan tham mưu tác chiến tại Trung tâm Tác chiến Quân sự thuộc Phái bộ, người thầy mà lũ trẻ mong ngóng mỗi buổi chiều.
Lớp học của thầy Sơn có bốn trò Trung Phi, với mấy cái ghế kê ở góc vườn, không điện, không phấn bảng, không sách giáo khoa, thiếu giấy viết nhưng thừa muỗi - thứ rất nguy hiểm với mầm bệnh sốt rét nơi đây. Thế nhưng, nhờ sự tận tâm của người thầy mặc quân phục rằn ri, lớp học ấy đã duy trì được gần 10 tháng, cũng là chừng ấy thời gian Trung tá Lê Ngọc Sơn công tác tại MINUSCA.
Hàng ngày, Trung tá Sơn có nhiệm vụ cập nhật thông tin quân sự trên toàn lãnh thổ Trung Phi. Từ khoảng 60 báo cáo nhận được, anh tổng hợp thành một báo cáo ngày dài hơn 40 trang, cùng bản đồ tác chiến và bản đồ bố trí lực lượng gồm quân số, vị trí, tổ chức… cho hơn 11 nghìn quân LHQ đang đóng ở quốc gia này. Báo cáo và các bản đồ được gửi đến Trụ sở LHQ tại New York (Mỹ) và các đầu mối trong Phái bộ nhằm hỗ trợ chỉ huy đưa ra quyết định, mệnh lệnh và chương trình hành động. Ngoài giờ làm, Trung tá Sơn cùng đồng nghiệp còn giúp đỡ người dân địa phương vác củi, trồng rau… Riêng anh có thêm việc dạy học cho những đứa trẻ mà điều kiện học hành thiếu thốn do đất nước xảy ra nội chiến liên miên, với suy nghĩ đây cũng là cách góp phần mang lại hòa bình.
Trung tá Lê Ngọc Sơn: “Tôi rất mong sẽ có nhiều chiến sĩ mũ nồi xanh đến từ các quốc gia khác sẵn sàng dạy các con học, bù đắp phần nào những thiếu thốn cho các con”. |
Trân trọng việc làm này của Trung tá Lê Ngọc Sơn, các đồng nghiệp tại Trung tâm Tác chiến Quân sự gọi anh một cách thân mật là teacher (thầy giáo). Họ cho rằng Trung tá Sơn rất hợp với vị trí quan sát viên quân sự (nhiệm vụ của lực lượng này là tiếp xúc với người dân và các phe phái để đàm phán GGHB), bởi vì khi nhìn thấy chiến sĩ mũ nồi xanh dạy trẻ em học, các phiến quân có lẽ sẽ tự động bỏ súng và nghe theo sự hòa giải của người lính ấy. Mới đây, Trung tướng Balla Keita, Tư lệnh Lực lượng quân sự tại Phái bộ MINUSCA đã dành lời khen ngợi và động viên Trung tá Sơn, đồng thời giao cho các phòng, ban phối hợp tổ chức lớp học ở quy mô lớn hơn.
Buổi học của thầy Sơn thường bắt đầu từ cuối chiều cho đến khi bóng đêm bao trùm và không còn nhìn nổi mặt chữ. Trung tá Sơn cho biết những ngày đầu, anh dạy các kiến thức đơn giản nhất từ cộng trừ hai số có một chữ số, rồi nâng dần lên để xác định trình độ của từng học trò. Khi đó, Choula (15 tuổi, mới học lớp 7) và Benita (13 tuổi, học lớp 8) không thể cộng - trừ - nhân - chia hai số nguyên trái dấu, không hiểu cách thực hiện phép toán có cả nhân - chia và cộng - trừ. Do trình độ của các học trò khác nhau, lại bất đồng ngôn ngữ (thầy nói tiếng Anh, trò nói tiếng Pháp và Sango), nên ngoài việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giảng giải, thầy Sơn phải có thêm khả năng… vẽ. Sau mỗi buổi dạy, thầy cũng thấm mệt, đặc biệt là mỏi hàm vì nói nhiều.
Thầy trò cùng chơi trong giờ nghỉ. |
Chia sẻ về những kỷ niệm xúc động với học trò, thầy Sơn kể có lần, trò bé nhất 7 tuổi Angelina tìm được tờ giấy còn vài chỗ trống trong đống giấy cũ thì hớn hở khoe thầy. Cô bé cố tách tờ giấy ra vì nghĩ là có hai tờ dính vào nhau. Hôm sau, thầy tặng thêm cho các trò vở, bút. Lần khác, trò lớn nhất Choula xé một mẩu giấy và nắn nót ghi bằng tiếng Pháp dòng chữ: “Chúng con yêu thầy rất nhiều vì thầy đã dành thời gian dạy chúng con học toán!”. Mẩu giấy ấy được Trung tá Lê Ngọc Sơn giữ gìn như kỷ vật.
Trung tá Sơn cho biết Tết này, anh sẽ cùng các trò làm nem, gói bánh chưng với khuôn tự chế bằng… bìa carton, lạt buộc bánh từ loại cỏ mà người dân dùng để buộc rau. Tết Nguyên đán của thầy Việt trò Trung Phi ở Bangui còn có ảnh Bác Hồ, hoa đào 3D, câu đối và mâm ngũ quả. Nhiệm kỳ của Trung tá Lê Ngọc Sơn tại MINUSCA kéo dài một năm. Nghĩ đến cảnh chia tay các học trò, anh xúc động nói: “Tôi mong các con có được cuộc sống thanh bình như bao trẻ em khác trên thế giới, có đủ giấy bút, phấn bảng và lớp học theo đúng nghĩa”.
Trung tá Nguyễn Việt Hưng trong chuyến tuần tra đường bộ - tuyến Juba-Nimule, cùng Lực lượng bảo vệ của Rwanda, ngày 2/11/2017. |
Xứng danh “Bộ đội cụ Hồ”
Trung tá Nguyễn Việt Hưng - Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) - chia sẻ qua các chuyến đi tuần tra, hộ tống trên những con đường đất đá lầy lội, hoang vu và hiểm trở, anh đã chứng kiến cảnh sống không nơi cư trú, không thuốc men… của nhiều người dân Nam Sudan. Mỗi lần, nhìn những gương mặt buồn bã, ánh mắt đăm chiêu của họ, hay sự rụt rè, e ngại của những đứa trẻ, người lính Việt Nam lại nén hơi thở dài. Trung tá Hưng cho biết, lực lượng mũ nồi xanh rất muốn giúp người dân Nam Sudan có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng để làm được điều đó cần thời gian dài khi mà hoạt động của LHQ tại đây gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Trung tá Nguyễn Việt Hưng, Nam Sudan sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào từ các kim loại quý hiếm đến tiềm năng nông sản, thổ sản lớn và đặc biệt là một trong những nước có trữ lượng dầu thô đứng trong “tốp” đầu toàn cầu. Tuy nhiên hiện nay, khoảng 82% người dân nước này có mức sống thấp, thu nhập bình quân dưới 10 USD/tháng, trong khi một suất cơm chỉ với rau luộc cũng từ 2-3 USD/người. Khủng hoảng chính trị và các cuộc xung đột sắc tộc đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đẩy hàng triệu người khác vào cảnh không nhà cửa, trong đó có rất nhiều trẻ em và phụ nữ. Nhiều người vô gia cư sống tha hương trên khắp đất nước, đối mặt với đói rét, bệnh tật, xâm hại tình dục… Đây chính là lý do UNMISS - một trong những Phái bộ được coi là điểm nóng về tình hình an ninh và các vấn đề nhân đạo - đặt ra nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là bảo vệ dân thường, trong đó ưu tiên lớn nhất dành cho phụ nữ và trẻ em.
Trung tá Nguyễn Việt Hưng (thứ ba từ trái sang) và tập thể Phòng Trưởng Sĩ quan Liên lạc Phái bộ UNMISS. |
Hiện Trung tá Nguyễn Việt Hưng là sĩ quan liên lạc (SQLL) làm việc tại Sở chỉ huy Phái bộ UNMISS, đồng thời anh cũng thực hiện nhiệm vụ của Phó Chỉ huy trưởng SQLL khi được yêu cầu. Anh cho biết Chỉ huy Phái bộ, Chỉ huy các Phân khu luôn tin tưởng giao cho các sĩ quan Việt Nam những nhiệm vụ quan trọng. Đồng nghiệp tại Phái bộ cũng bày tỏ sự thán phục trước lực lượng vũ trang có lịch sử hào hùng như Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ của SQLL tại Phái bộ, những người lính mũ nồi xanh trên ngực thêu hai chữ “Viet Nam” cũng tích cực xây dựng các mối quan hệ với các cơ quan của LHQ, tuyên truyền hình ảnh, truyền thống của Quân đội, đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. “Mỗi sĩ quan chúng tôi đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu ‘Bộ đội cụ Hồ’ mang mũ nồi xanh”, Trung tá Hưng nói.
Khó khăn không nản
Theo Đại úy Phạm Văn Hảo - SQLL Phái bộ UNMISS - các hoạt động của SQLL luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là vấn đề ưu tiên hàng đầu của LHQ đối với các sĩ quan GGHB. Họ được khuyến cáo thực hiện đúng quy tắc an toàn và làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Đại úy Phạm Văn Hảo (thứ hai từ phải) trong chuyến tuần tra tại Mankien, cách căn cứ Bentiu 95km về hướng Đông Bắc. |
Đại úy Phạm Văn Hảo đang làm việc tại căn cứ LHQ ở Bentiu. Bên cạnh nhiệm vụ của một SQLL, anh còn được giao nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại địa bàn này trong năm nay. Đại úy Hảo cho biết, Bentiu cách thủ đô Juba hơn 900km về phía Bắc, là địa bàn khó khăn về nguồn thực phẩm, đặc biệt là các loại rau xanh. Tại Bentiu chỉ có loại rau tươi duy nhất là bí đỏ, ngoài ra có hành tím, gừng khô. Để có thêm rau trong bữa ăn hàng ngày, anh trồng thêm các loại rau, nhưng 30 ngày mới được thu hoạch vì đất cằn lại thiếu nước.
Trong khi đó ở thủ đô Juba, thực phẩm có sẵn hơn (chủ yếu được nhập từ các nước láng giềng và Trung Quốc) nhưng lại quá đắt đỏ. Vì vậy, nhân chuyến công tác Juba, Đại úy Phạm Văn Hảo đã mang theo 15 cân thịt lợn, bò, dê để “tiếp tế” cho Trung tá Nguyễn Việt Hưng. Cũng chính chuyến bay này đã cho tôi cảm nhận về tình đồng đội giữa những sĩ quan GGHB Việt Nam. Nhìn đồng hồ đã quá gần hai tiếng nhưng chưa thấy máy bay hạ cánh, Trung tá Hưng rất lo lắng cho người em, người đồng nghiệp.
Chia sẻ về trở ngại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Việt Hưng cho biết, mùa mưa kéo dài 4 tháng là thời điểm khó khăn nhất đối với các SQLL ở Nam Sudan vì khi ấy, đường lầy lội, trơn trượt và rất nhiều “ổ khủng long” ngập nước. Trong khi đó, 90% các hoạt động mang tính cơ động như tuần tra, hộ tống, vận chuyển … của lực lượng mũ nồi xanh LHQ tại nước này được thực hiện bằng đường bộ. Có lần, anh Hưng cùng đồng nghiệp đi tuần tra đến một ngôi làng cách thủ đô Juba 70km, cả đoàn khởi hành lúc 7 giờ sáng mà 5 giờ chiều mới tới điểm bàn giao do đường xấu đến mức “tay lái giữ thẳng mà xe cứ đi ngang”. Nhiều đoạn đường, xe chỉ đi được tốc độ tối đa 10km/h. Đại úy Hảo và các đồng nghiệp UNMISS thì từng phải thay nhau ở ngoài trời cả tháng để tìm cách đưa ô tô ra khỏi chỗ lầy. Các cuộc tuần tra, hộ tống ở Bentiu - nơi chỉ có đường đất - cũng không thể đi xa hơn 20km vào mùa mưa. Nghe các anh kể, tôi đã hiểu thêm tại sao một trong những tiêu chuẩn đối với SQLL là khả năng lái xe, ngoài trình độ ngoại ngữ, chuyên môn quân sự, khả năng hoạt động độc lập và sinh tồn...
Phải trải qua nhiều khó khăn và đối mặt với những nguy cơ về an ninh là vậy, nhưng gian nan không lùi bước, hai chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh GGHB tại Nam Sudan. Những nỗ lực của các anh đã được LHQ ghi nhận và quyết định trao tặng Huy chương và Giấy chứng nhận “Vì sự nghiệp hòa bình và ổn định”, vào ngày 9/1 vừa qua. Đây cũng là minh chứng cho những đóng góp của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, góp phần xây dựng nền hòa bình và ổn định toàn cầu.
SQLL được coi là những chuyên gia đàm phán. Khi có dấu hiệu bùng phát hay leo thang chiến sự giữa các bên đối lập, SQLL sẽ tiến hành các hoạt động đàm phán nhằm thuyết phục họ tìm kiếm các giải pháp hòa bình, thúc đẩy việc trao đổi tù binh, bảo đảm quyền đi lại cho người dân hoặc hỗ trợ người di cư, người vô gia cư quay trở về và tái hòa nhập cộng đồng. Các hoạt động tuần tra, hộ tống đều không thể thiếu SQLL. Họ đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa Phái bộ và các phe nhóm vũ trang nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. |
Phái bộ LHQ ở Mali bị tấn công liên tiếp Trong ngày 20/9 tại miền Bắc Mali đã xảy ra nhiều vụ tấn công nhằm vào Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ... |
Việt Nam tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Sáng 18/8, tại Hà Nội, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm hai năm Việt Nam ... |
Hội thảo về Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Ngày 3/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức “Việc tham gia của các nước ASEAN trong ... |