📞

Những người mắc kẹt giữa châu Âu

15:57 | 05/04/2016
Cuộc sống của người tị nạn Afghanistan đang cho thấy những lỗ hổng trong chính sách nhập cư vào châu Âu.
Người tị nạn Afghanistan phải sống tạm bợ ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP)

Thụy Điển có lẽ là một nơi lý tưởng với Munire – cô gái 19 tuổi người Afghanistan – và hai em gái của cô. Trước khi đến châu Âu, ba chị em mồ côi đã sống rất khó khăn tại Iran, nơi họ không được pháp luật bảo vệ và không được đến trường. Hiện tại, ba người đang sống với cha mẹ nuôi người Thụy Điển, trong lúc chờ đợi quyết định sẽ được ở lại hay bị trục xuất về nước.

Siết chặt chính sách nhập cư

Cuộc khủng hoảng người tị nạn đã gây nên bất đồng giữa các quốc gia châu Âu. Một bên chào đón những người nhập cư như Đức hay Thụy Điển, trong khi các nước như Ba Lan hay Hungary lại dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn dòng người tị nạn tràn vào lãnh thổ của mình. Có thể nói, hệ thống chính sách nhập cư được châu Âu thiết kế một cách bài bản và tương đối hiệu quả, đang lung lay dữ dội. Những người Afghanistan, vốn là nhóm tị nạn đông thứ hai tại châu Âu trong năm 2015 với số lượng gần 200.000 người, đang đứng trước nguy cơ bị đưa ngược về quê nhà.

Năm ngoái, tỷ lệ người Syria, Eritrea, Iraq được Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận tị nạn lần lượt là 97%, 87%, 85%. Trong khi đó, tỷ lệ được chấp thuận của người Afghanistan chỉ là 69%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người Afghanistan sẽ không đủ điều kiện để được tái định cư tại châu Âu, trong bối cảnh EU đã ban hành quy định từ chối chấp thuận tị nạn đối với công dân đến từ các nước có tỷ lệ dưới 75%. Cuối tháng Hai năm nay, khi Hy Lạp và Macedonia siết chặt đường biên giới, những người Afghanistan nằm trong số những nhóm người đầu tiên bị từ chối nhập cảnh, khiến họ phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất ngay cửa ngõ châu Âu.

Một số nước vốn “hào phóng” với người tị nạn như Thụy Điển cũng bắt đầu thắt chặt chính sách, đưa ra các quy định chặt chẽ hơn trong việc đoàn tụ gia đình hay cấp thị thực. Một vài nước khác lại chủ động kêu gọi người Afghanistan đừng liều mình đến châu Âu. Chính phủ Đức đã cho đặt tại thủ đô Kabul nhiều tấm biển ghi rằng: “Rời bỏ Afghanistan – bạn có chắc chắn không? Hãy suy nghĩ kỹ về việc này”.

Không thể quay trở lại

Thỏa thuận về người tị nạn mới đây giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ áp dụng đối với người Syria. Theo đó, hai bên sẽ thực hiện chính sách “một đổi một”, tức là đối với mỗi người Syria bị trục xuất từ Hy Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ, EU sẽ tiếp nhận một người tị nạn hợp pháp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Những người Afghanistan đang mắc kẹt tại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là một quyết định mang tính phân biệt đối xử của châu Âu. Bên cạnh đó, trong khi những người Syria có quyền làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, người Afghanistan lại không được phép. Ngày 23/3, Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết 30 người Afghanistan đã không được Chính quyền Ankara xét hồ sơ xin tị nạn, đồng thời bị trục xuất về quê nhà.

Một lý do giải thích cho việc người Afghanistan không nhận được nhiều hỗ trợ như người Syria là bởi không phải toàn bộ đất nước Afghanistan đang trong tình trạng chiến tranh. Năm ngoái, Thụy Điển thông báo 7 trong số 34 tỉnh của Afghanistan, trong đó có thủ đô Kabul, không hội đủ tiêu chí để được xét là đang trong tình trạng xung đột vũ trang, vì vậy người dân vẫn có thể sống yên ổn. Tuy nhiên, nhiều tổ chức nhân quyền không đồng ý với quan điểm trên của Thụy Điển. Họ cho rằng tình hình trên khắp Afghanistan đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, và xung đột vũ trang chỉ là một trong nhiều lý do khiến người dân đất nước này phải rời đi lánh nạn. Các nhóm dân tộc thiểu số thường xuyên là đối tượng bị sát hại bởi phiến quân ly khai Taliban. “Chúng tôi là người Shiite, vốn được xem là công dân hạng hai ở Afghanistan”, theo ông Mohsin Nijad – một thợ cơ khí đã rời Afghanistan từ khi còn nhỏ và hiện sống tại Athens.

Hiện nay, đối mặt với một số lượng lớn người tị nạn tìm cách tràn vào châu Âu, EU đã đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn. Phân loại người nhập cư theo quốc tịch là một trong số các biện pháp đó. Tuy phải sống với những quy định ngày càng khắt khe ở châu Âu, nhưng nhiều người tị nạn như chị em Munire không còn cách nào khác. Tan vỡ giấc mộng về một thiên đường châu Âu, nhưng họ cũng không thể quay trở lại quê nhà Afghanistan. Vì vậy, chuyên gia Elizabeth Collett (Viện Chính sách nhập cư Brussels) nhận xét, người tị nạn là những người mắc kẹt giữa châu Âu.

(theo The Economist)