Mặt nạ 3D giống như thật |
Mặt nạ 3D giống như thật
Công ty “REAL-f” của Nhật Bản đã tạo ra những chiếc mặt nạ 3DPF được làm từ nhựa tổng hợp và sao chép đầy đủ mọi chi tiết trên khuôn mặt thật của từng người, từ hố mắt, mạch máu, sẹo, mụn.... Theo REAL-f, để có được những bộ mặt nạ rất giống thật này, họ phải chụp hình ảnh khuôn mặt thật từ nhiều góc khác nhau, sau đó in lên khuôn làm sẵn. Bên cạnh phiên bản mặt nạ 3D, REAL-f cũng giới thiệu bản sao chép toàn bộ phần đầu của con người. Tuy nhiên, giá của sản phẩm này không hề rẻ, khoảng gần 4.000 USD cho riêng mặt hoặc 6.000 USD cho toàn phần đầu.
Vật liệu nhẹ nhất thế giới
Một nhóm nghiên cứu ở Viện Công nghệ California (Mỹ) đã tạo ra một vật liệu “nhẹ nhất thế giới”, nhẹ đến nỗi có thể đặt trên một bông hoa bồ công anh. Vật liệu mới được cấu tạo từ các ống rỗng mỏng hơn sợi tóc người 1.000 lần và có tỉ trọng chỉ 0,9mg/cm3. Loại vật liệu mới có nhiều đặc tính mà kim loại thông thường không có: khả năng phục hồi hoàn toàn hình dạng sau khi chịu sức ép gấp đôi khả năng chịu đựng của kim loại truyền thống, có khả năng hấp thu năng lượng cao khác thường… và có thể được sử dụng để sản xuất pin, thiết bị giảm xóc thế hệ mới…
Cà phê không uống mà… hít
AeroShot là loại thiết bị hít cà phê, do giáo sư David Edwards, Đại học Harvard phát minh ra, sẽ cung cấp cho bạn những “liều” caffeine mạnh với mỗi lần hít. Cà phê sẽ tan trong miệng và đi thẳng vào cơ thể. Mỗi ống hít sẽ chứa khoảng 8 “hơi”, tương đương 100mg cà phê, đủ để pha một ly cà phê lớn. Giáo sư David có sản phầm đầu tay là Chocolate hít tên là Le Whif. AeroShot sẽ có mặt tại các cửa hàng đầu năm nay. Hiện vẫn chưa có giá cụ thể, nhưng Le Whif có giá 3 USD/lần hít, nên cà phê hít có lẽ cũng không rẻ.
Robot chữa ngủ ngáy
Một chú robot dễ thương hình gấu Bắc cực có tên Jukusui-kun, có nghĩa là “giấc ngủ sâu”, hứa hẹn sẽ chữa chứng ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ. Chỉ cần đeo ở tay một thiết bị đo nồng độ oxy trong máu, thủ phạm của tật ngủ ngáy, sau đó nằm gối đầu lên trên chú gấu dễ thương. Nếu bạn khó thở, nguyên nhân gây ra ngáy, nồng độ oxy trong máu sẽ giảm, bộ cảm biến sẽ báo cho Jukusui-kun biết, gấu sẽ dùng chân mát xa đầu để bạn thay đổi vị trí và ngừng ngáy.
Điều khiển thiết bị bằng suy nghĩ
Các nhà khoa học tại Trường Y thuộc Đại học Washington (Mỹ) vừa phát triển một kỹ thuật điều khiển máy tính thông qua việc ghi điện vỏ não. Kỹ thuật này gắn điện cực lên hộp sọ của những người tình nguyện bị chứng động kinh để kết nối họ với máy tính. Những người này sau đó di chuyển được con trỏ trên màn hình máy tính bằng cách “nói” những từ trong đầu. Nghiên cứu có thể giúp ích cho những người bị mất khả năng nói hoặc cho phép người tàn tật điều khiển xe lăn, cánh tay robot…
Quay phim bằng… mắt
Nhà làm phim người Canada Rob Spence, bị mất một mắt, đã thiết kế và lắp đặt một chiếc camera vừa vặn với hốc mắt của mình được gọi là Eyebord (mắt điện tử). Camera được gắn trong 1 quả bóng trong suốt bằng san hô. Việc di chuyển góc nhìn của Spence sẽ khiến góc quay của chiếc camera thay đổi theo, tương tự như một con mắt bình thường, và hình ảnh quay lại được cũng chính là hình ảnh từ góc nhìn của Spence. Điều này đã giúp Spence có những trải nghiệm và thước phim đặc biệt từ 1 góc nhìn hoàn toàn mới.
iPhone vô hình
Hai nhà khoa học ở Viện công nghệ Hasso-Plattner Institute (Đức) đã nghĩ ra cách điều khiển điện thoại có màn hình cảm ứng bằng cách dùng ngón tay lướt, chạm và ấn lên lòng bàn tay. Phương pháp điều khiển này sử dụng một camera gắn trên giá đỡ để theo dõi chuyển động của ngón tay. Một phần mềm đặc biệt sẽ nhận diện, giải mã chuyển động này và biến thành câu lệnh để truyền lên một chiếc iPhone thực qua sóng Wi-Fi và “dịch” nó sang tín hiệu bấm hay trượt trên chiếc điện thoại.
Lon bia robot
Ron Tajima, một người đam mê chế tạo robot ở Nhật, đã phát minh ra một loại robot có thể giấu mình trong lon bia. Robot có tên là CanBot này rất nguy hiểm bởi nó vừa không có bia bên trong lại vừa có thể “mọc” ra ba chân, đi lại và tấn công con người.
Mai Anh