Cảnh trong phim "Chendu, I love you" |
Châu Á chỉ có 3 phim tranh giải
Điện ảnh châu Á ra quân tại LHP Venine ần này không được hùng hậu như đội quân tới LHP Cannes mấy tháng trước đây. Tại Cannes có tới 6 trong số 20 phim tranh giải Cành Cọ Vàng đến từ châu Á, còn trong 23 phim tranh giải Sư tử Vàng tại Venice năm nay chỉ có 3 đại diện của điện ảnh phương Đông.
Được nhắc đến nhiều trong các phim châu Á tham gia LHP Venice kỳ này là “The Accident” do Hồng Kông và Trung Quốc hợp tác sản xuất. Đây là một bộ phim hành động, bạo lực của đạo diễn Pou-Soi Cheang, do Johnnie To (Đỗ Kỳ Phong) sản xuất. Phim có sự tham gia của ngôi sao hàng đầu châu Á Loius Koo (Cổ Thiên Lạc) trong vai nam chính, một tên sát thủ chuyên nghiệp chuyên sát hại các nạn nhân của mình bằng cách tạo những tai nạn ngẫu nhiên hoàn hảo.
39 tuổi, Pou-Soi Cheang chứng tỏ mình là một trong những nhà làm phim trẻ hứa hẹn nhất của Hồng Kông, với những bộ phim đề cập đến cuộc sống những người ở dưới đáy xã hội.
Một bộ phim Hoa ngữ khác nằm trong hạng mục tranh giải “Prince of Tears” của đạo diễn Yonfan, một tác phẩm hợp tác giữa Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc. Bộ phim lấy bối cảnh Đài Loan những năm 1950, trong suốt thời kỳ “Khủng bố trắng” với chiến dịch chống Cộng.
Đây là bộ phim nghệ thuật được đánh giá cao. Ngoài LHP Venice, phim cũng được chọn tranh giải chính thức tại LHP Toronto, LHP lớn nhất khu vực Bắc Mỹ sẽ diễn ra sau LHP Venice ít ngày.
Đại diện còn lại của châu Á là đạo diễn Nhật Bản Shinya Tsukamoto. Vị đạo diễn 47 tuổi này không xa lạ với các LHP quốc tế. Ông từng là thành viên BGK LHP Venice năm 2007.
Ông tham gia LHP Venice lần này với bộ phim “Tetsuo: The Bullet Man” thuộc thể loại hành động, viễn tưởng khoa học, trong đó đạo diễn đích thân thủ vai nam chính.
Đây là bộ phim thứ 3 trong series phim “Tetsuo” đã quá nổi tiếng của vị đạo diễn này và là bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của ông. Bộ phim đầu tiên “Tetsuo” sản xuất năm 1989 được xem là 1 trong những bộ phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng đầu tiên và có ảnh hưởng vươn ra khỏi Nhật Bản.
Phim tham gia: Trung tăng, Hàn giảm
Trong số các nhà làm phim châu Á đến Venice lần này, đông đảo nhất là đội quân Trung Quốc. Ngoài 2 bộ phim hợp tác với Đài Loan, Hồng Kông đã lọt vào danh sách tranh giải Sư tử Vàng đã nói đến ở trên, nước này còn có 5 tác phẩm khác tham gia liên hoan.
Được chọn làm phim bế mạc năm nay là “Chendu, I love you”, được báo chí Trung Quốc gọi là “bộ phim khoa học viễn tưởng đầu tiên” của nước này. Phim là sự hoà quyện giữa 3 câu chuyện tình trong hơn nửa thế kỷ: quá khứ, hiện tại và tương lai. Phân đoạn năm 1976 do đạo diễn Fruit Chan thực hiện, phân đoạn năm 2008 do đạo diễn Jin ho Hur của Hàn Quốc làm và phân đoạn có bối cảnh năm 2029 do ngôi sao nhạc rock Jian Cui làm đạo diễn. Phim được trình chiếu ở hạng mục phim không tranh giải.
Trung Quốc còn có tới 4 phim xuất hiện ở hạng mục Orrizonti, mục khuyến khích các khuynh hướng sáng tạo của điện ảnh đương đại (cùng hạng mục với “Chơi vơi”). Trong số này có 2 tác phẩm phim tài liệu.
Đứng thứ nhì về số lượng phim tham dự là Iran, nền điện ảnh rất được chú ý và đạt khá nhiều thành tựu tại các LHP quốc tế. Trong số 23 phim dự tranh giải Sư tử Vàng có 1 phim quốc tịch Đức nhưng đạo diễn lại là người Iran. Đó là “Woman without men”, bộ phim đầu tay của nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng Shirin Neshat, 52 tuổi.
Ngoài ra, Iran còn góp mặt với 2 phim ở hạng mục International Critic’s Week là “Tehran” - một bộ phim theo phong cách điện ảnh tài liệu của đạo diễn Nader Homayoun và “The Pothole” của đạo diễn trẻ 32 tuổi Ali Karim. Một tác phẩm khác đang được kỳ vọng sẽ giành giải phim gây nhạc nhiên là “Green days” của đạo diễn trẻ mới 21 tuổi Hana Makhmalbaf, thành viên trẻ nhất trong 1 đại gia đình hoạt động điện ảnh nổi tiếng của nước này.
Ấn Độ cũng có tới 4 phim tham dự LHP Venice kỳ này. Trong đó có 1 phim ở hạng mục Orrizonti là “The Man’s Woman and Other Stories” của đao diễn Amit Dutta và 3 phim ở hạng mục không tranh giải.
Điện ảnh Nhật Bản, ngoài tác phẩm tranh giải Sư tử Vàng “Tetsuo-The Bullet Man” có thêm 1 phim tham gia ở hạng mục phim không tranh giải “Yonayona pengin” của đạo diễn Rintaro.
Ngược với sự xuất quân rầm rộ tại LHP Cannes hồi tháng 5, điện ảnh Hàn Quốc đến Venice lần này trong không khí lặng lẽ hơn nhiều, với 1 phim duy nhất “Cafè Noir” của đạo diễn Jung-Sung Il. Dài hơn 3 tiếng đồng hồ (197 phút), câu chuyện mở đầu với sự kiện một anh chàng giáo viên bị bạn gái bỏ rơi đúng vào đêm Giáng Sinh và dần mở ra theo chuyến lang thang của anh này khắp Seoul.
40 tuổi, Jung-Sung Il từng là một nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc và đây là phim truyện đầu tay của anh. Anh từng cộng tác với đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha tại giải thưởng Điện ảnh Hàn Quốc năm 2000 và 2007, đồng thời làm việc với nhà làm phim Đài Loan nổi tiếng Hầu Hiếu Hiền tại LHP Pusan năm 2005.
Phillipines và Việt Nam mỗi nước góp mặt với 1 đại diện tại hạng mục Orrizonti.
Tưởng nhớ đại thụ điện ảnh châu Á
Chủ tịch BGK LHP năm nay là đạo diễn nổi tiếng người Đài Loan Lý An. Ông là tên tuổi quen thuộc với liên hoan phim lâu đời nhất thế giới này, với 2 lần được nhận giải Sư tử Vàng dành cho phim xuất sắc nhất (năm 2005 cùng “Brockback Mountain” và năm 2007 cùng “Lust, Caution”).
Người châu Á còn có thể tự hào hơn nữa khi trong khuôn khổ LHP Venice năm nay một tên tuổi lớn của điện ảnh châu Á và thế giới được vinh danh. Đó là cố đạo diễn kỳ cựu Nhật Bản Akira Kurosawa, người được các nhà điện ảnh phương Tây phát hiện ra và rất ưa thích sau sự đăng quang tại chính LHP Venice năm 1951 với tác phẩm kinh điển “Rashomon”.
Arika Kurosawa (1910 – 1998) là nhà làm phim Nhật Bản (và nhà làm phim châu Á) được biết đến nhiều nhất ở những khu vực còn lại của thế giới. Sự nghiệp của ông đã đánh dấu ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nhà làm phim, từ thế hệ này qua thế hệ khác trong suốt nửa thế kỷ qua.
Bộ phim nổi tiếng nhất của ông có lẽ là “Rashmon”, sản xuất năm 1951, một câu chuyện lấy bối cảnh Nhật Bản ở thế kỷ thứ 12, đề cập đến một vụ giết người qua 4 lời kể khác nhau của 4 người trong sự việc. Các nhân vật ai cũng tường thuật lại câu chuyện theo hướng mà mình muốn, và nhà làm phim không khẳng định lời kể của ai là chính xác. Lối kể chuyện trong phim đã ảnh hưởng đến rất nhiều phim cho đến tận bây giờ, trong đó có đạo diễn Trương Nghệ Mưu, trong phim “Anh hùng”.
Bộ phim “Rashomon” đã tạo danh tiếng quốc tế cho Arika Kurosawa và góp phần mở cánh cửa tiếp cận phương Tây cho nhiều nhà làm phim Nhật Bản, sau đó cũng trở thành những cái tên lớn trong lịch sử điện ảnh như Yasujiro Ozu và Kenji Mizoguchi.
Arika Kurosawa sau này còn dành thêm nhiều giải thưởng danh giá như 2 giải Oscar phim nước ngoài hay nhất cho “Rashomon” và “Dersu Uzala”, giải Sư tử bạc cho “Seven Samurai”, giải Cành cọ Vàng cho phim “Kagemusha”. Ông cũng 2 lần được trao giải thành tựu trọn đời cho những cống hiến cho điện ảnh thế giới, tại LHP Venice năm 1982 và tại lễ trao giải Oscar năm 1990.
Ngày 6/9, tại rạp Palazzo del Cinema sẽ có một chương trình hội thảo mang tên “Akira Kurosawa: Một thế kỷ điện ảnh”. Tháng 3/2010 sẽ tròn 100 năm ngày sinh của Kurosawa và chương trình hội thảo này không ngoài mục đích nhằm kỷ niệm 1 thế kỷ sinh nhật ông.
Theo VnMedia