Chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên
Chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bắt đầu từ ngày 4/1 đến ngày 6/1. Trong đó, sự kiến chính là buổi lễ Kỷ niệm vào sáng ngày 6/1/2016 tại Hội trường Ba Đình và nhiều hoạt động khác như: Cầu truyền hình trực tiếp với các điểm cầu Hà Nội và Tuyên Quang; Gặp mặt đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội về tham dự Lễ Kỷ niệm; Chương trình nghệ thuật “Vinh quang Quốc hội Việt Nam”.
Lễ cắt băng khai mạc triển lãm “70 năm Quốc hội Việt Nam”. (Ảnh: TL) |
Đặc biệt, triển lãm “70 năm Quốc hội Việt Nam” khai mạc vào 4/1 tại Thư viện quốc gia Việt Nam với 1.000 đầu sách, tư liệu được xem là điểm nhấn đáng chú ý của chuỗi sự kiện. Triển lãm trưng bày theo 4 chủ đề: Sự ra đời của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội Việt Nam với sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, Quốc hội Việt Nam với sự nghiệp đổi mới đất nước, Quốc hội Việt Nam qua các kỳ bầu cử.
Chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến cấp quốc gia được tổ chức vào sáng ngày 18/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia... Ngoài Lễ kỷ niệm cấp quốc gia này, UBND TP. Hà Nội còn tổ chức nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền; hoạt động tri ân, đền ơn, đáp nghĩa; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn Quốc kháng chiến như: Biện soạn và phát hành cuốn tài liệu “Thủ đô Hà Nội vang mãi thiên hùng ca Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”, sản xuất bộ phim tư liệu “Hà Nội vùng đứng lên”, chương trình nghệ thuật giao lưu gặp gỡ nhân chứng lịch sử; tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp; gặp mặt cán bộ sỹ quan cấp Tướng quân đội, công an đã nghỉ hưu, nghỉ công tác trên địa bàn; tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim phục vụ các tầng lớp nhân dân Thủ đô, triển lãm ảnh và phim tư liệu…
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4
Diễn ra từ ngày 1/11đến ngày 5/11, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ IV với khẩu hiệu: “Điện ảnh - Hội nhập và Phát triển bền vững” thu hút khoảng 550 bộ phim đăng ký tham dự, trong đó có trên 300 phim dài và trên 200 phim ngắn từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với sự tham dự của khoảng 1.200 đại biểu và khách mời trong nước và quốc tế, trong đó có đạo diễn người Pháp Régis Wargnier và nữ diễn viên nổi tiếng Catherine Deneuve sang tham dự nhân kỷ niệm 25 năm bộ phim “Đông Dương” khởi quay tại Việt Nam.
Liên hoan phim quóc tế Hà Nội lần thứ IV. (Ảnh: TL) |
Trong khuôn khổ Liên hoan phim đã diễn ra các hoạt động: lễ khai mạc, lễ bế mạc, chiếu phim ngoài trời kết hợp biểu diễn thời trang, trại sáng tác tài năng trẻ HANIFF 2016, chợ dự án làm phim, hội thảo với chủ đề: “Hợp tác sản xuất phim trong các nước ASEAN” và tọa đàm: “Điện ảnh Ấn Độ”...
Festival Áo dài Hà Nội 2016
Với chủ đề “Tinh hoa áo dài Việt Nam”, sự kiện diễn ra từ 14/10 đến 16/10 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Trong 3 ngày diễn ra sự kiện đã có nhiều hoạt động ghi dấu ấn như: Lễ khai mạc, chương trình biểu diễn áo dài với chủ đề “Hà Nội và mẹ”, “Hà Nội Life Style”, hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch”, lễ rước tôn vinh các vị tổ nghề - nghệ nhân nghề, diễu hành với chủ đề “Áo dài với xích lô, xe đạp và hoa”.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Festival còn diễn ra các hoạt động như thi vẽ tranh trên áo dài dành cho thiếu nhi với chủ đề “Hà Nội trong mắt em”, thi cắm hoa tạo hình cùng áo dài, thao diễn tay nghề của các nghệ nhân, trình diễn ẩm thực, dạy nấu ăn tại khu ẩm thực và kết thúc là lễ bế mạc vinh danh các cá nhân - tổ chức tham gia Festival Áo dài Hà Nội 2016.
Với những hoạt động ý nghĩa và thiết thực, Festival Áo dài Hà Nội 2016 đã thu hút trên 3 vạn lượt khách đến tham quan.
Vợ danh họa Bùi Xuân Phái, các nghệ sĩ gạo cội và hàng trăm người mẫu đã tham gia biểu diễn áo dài trong những ngày diễn ra sự kiện. (Ảnh: TL) |
Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3
Liên hoan diễn ra từ ngày 12-19/11 tại sân khấu của các nhà hát Trung ương và Hà Nội với sự tham dự của 10 đoàn nghệ thuật quốc tế và đoàn chủ nhà Việt Nam. Liên hoan năm nay có tới 39 vở diễn của 22 quốc gia và 16 đoàn nghệ thuật trong nước đăng ký và gửi vở diễn tham gia.
Với 16 tiết mục của 8 đoàn quốc tế và 8 đoàn của Việt Nam, các nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã mang tới Liên hoan những vở diễn có sự sáng tạo mới lạ, có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trình diễn và các yếu tố nghệ thuật khác như: âm nhạc, phục trang, đạo cụ, mỹ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng... ở các loại hình nghệ thuật: Múa rối, Xiếc, Kịch nói, Kịch hình thể, Kịch không lời, Kinh kịch... Liên hoan đã thể hiện rõ nét truyền thống bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia, vùng miền.
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 29 huy chương vàng, 27 huy chương bạc cho nghệ sỹ biểu diễn xuất sắc, có nhiều sáng tạo trong các vai diễn. Ngoài ra, 3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc cũng được trao cho 3 vở diễn chất lượng cao.
Tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành di sản nhân loại
Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thành phố Addis Ababa - Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ đề cử của Việt Nam là 1 trong 18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận (trong khi 19 hồ sơ khác diễn ra tranh luận quyết liệt).
Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. (Ảnh: TL) |
Việc UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Sự kiện lần này cũng đưa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp.
Chuỗi chương trình nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Bắt đầu từ cuối tháng 8/2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trương đưa các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tiêu biểu, có chất lượng cao của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ biểu diễn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).
Việc đưa các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao vào Nhà hát Lớn sẽ giúp khán giả yêu nghệ thuật chân chính có nhiều cơ hội được thưởng thức các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, thăm quan Di tích lịch sử cấp quốc gia đã có hơn 100 năm tuổi.
Ba chương trình mở đầu do 3 nhà hát biểu diễn gồm: Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với “Bản giao hưởng mùa thu I” (ngày 30/8); Nhà hát kịch Việt Nam với vở kịch “Biệt đội báo đen” (31/8) và Nhà hát Chèo Việt Nam với chương trình âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực (1/9).
Liên hoan âm nhạc Á - Âu lần thứ II
Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu" lần thứ II và Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á- Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 34 với chủ đề “Âm nhạc - Hội tụ và lan tỏa” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 12 đến 18/10 tại Hà Nội và TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Một chương trình nghệ thuật diễn ra trong khuôn khổ Festival Âm nhạc mới Á-Âu. (Ảnh: TL) |
Festival Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ hai bao gồm chuỗi chương trình hòa nhạc từ giao hưởng, thính phòng, dân gian, dân tộc, nhạc kịch, vũ kịch, hợp xướng đến ca khúc nhạc đại chúng. Liên hoan cũng giới thiệu nhiều tác phẩm mới của các nhạc sĩ tiêu biểu cho các trường phái âm nhạc đương đại trên thế giới.
Festival gồm 11 buổi hòa nhạc chính, trong đó có hơn 100 tiết mục chọn lọc, một số chương trình và các hoạt động khác. Tham dự Festival lần này có hơn 200 nhạc sĩ và nghệ sĩ đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khuôn khổ của Festival còn có hai cuộc tọa đàm: “Cây đàn bầu Việt Nam” và “Trao đổi Âm nhạc mới Á - Âu” với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ âm nhạc, các nhà soạn nhạc, các nhà nghiên cứu, đào tạo âm nhạc quốc tế và Việt Nam.
Cũng trong năm nay, rất nhiều ban nhạc nổi tiếng của thế giới như: Scorpions, Boney M, Michael Learns to Rock... Đặc biệt, nghệ sĩ vĩ cầm xuất sắc nhất Hungary Katica Illényi, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ dương cầm bậc thầy người Ba Lan Maciej Grzybowski... đã có những buổi biểu diễn ấn tượng trong Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2016.
Hội sách Hà Nội 2016
Hội Sách Hà Nội 2016 diễn ra từ 6 đến 10/10 tại Hoàng Thành Thăng Long với chủ đề “Sách và Hội nhập” nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016). Đây đồng thời là sự kiện ghi dấu chặng đường hơn 20 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và năm đầu tiên thành lập Cộng đồng ASEAN.
Trưng bày tại Hội sách Hà Nội 2016. (Nguồn: TTXVN) |
Sự kiện lần này hội tụ 170 gian hàng của hơn 46 nhà xuất bản, công ty sách trong nước và 20 thương hiệu xuất bản nước ngoài gồm nhiều thể loại. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, các đơn vị phát hành nổi tiếng như: Cambridge, Oxford (Anh), Copperath (Đức), Glanat (Pháp), Susseaeta (Tây Ban Nha), Graph-Art (Hungary), Japan UNI Agency, Frobel- kan (Nhật Bản), Zikrrul (Indonesia), Kyowon (Hàn Quốc)… đặc biệt là có sự tham gia của Hiệp hội Xuất bản ASEAN và một số hiệp hội xuất bản các nước thành viên.
Điểm nhấn thú vị của sự kiện này là phần trưng bày theo 2 chuyên đề “Hà Nội với các nước Asean” và “Biển, đảo Việt Nam”. Trong khuôn khổ Hội Sách Hà Nội 2016 có nhiều hoạt động ý nghĩa như: trao giải cuộc thi “Đại sứ Văn hoá đọc Thủ đô 2016”; chiếu phim tài liệu nghệ thuật giới thiệu các di sản văn hoá phi vật thể của Hà Nội và phát một số chương trình toạ đàm ngoại cảnh tiếng Anh theo chủ đề “Hà Nội trong mắt người nước ngoài”…