📞

Những tín hiệu tích cực về điều trị Covid-19 cho phụ nữ có thai

Trung Phan 10:41 | 28/03/2020
TGVN. Nghiên cứu mới cho thấy, diễn biến lâm sàng và kết quả điều trị cho phụ nữ mang thai và tuần đầu sau sinh mắc Covid-19 bước đầu có kết quả khả quan.  
(Ảnh minh họa. Nguồn: Business Insider)

Tạp chí American Journal of Roentgenology (AJR) đã đăng tải bài nghiên cứu về diễn biến lâm sàng và kết quả điều trị cho phụ nữ mang thai và tuần đầu sau sinh nhiễm chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của nhóm tác giả thuộc Bệnh viện Công đoàn, trường Đại học Y khoa Tongji, Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).

Mục đích của nghiên cứu này là mô tả các biểu hiện lâm sàng và đặc điểm CT của 15 phụ nữ mang thai bị nhiễm Covid-19, theo dõi các thay đổi trước, sau khi sinh và cung cấp một số triệu chứng ban đầu để hướng dẫn điều trị cho những bệnh nhân “đặc thù” này.

Để thực hiện nghiên cứu trên, nhóm tác giả đã sàng lọc, tập hợp các dữ liệu lâm sàng và kiểm tra phim chụp CT ngực của 15 thai phụ nhiễm Covid-19 tại bệnh viện Vũ Hán từ ngày 20/1 - 10/2.

Theo nghiên cứu, độ tuổi của 15 bệnh nhân này là từ 23 - 40 tuổi, tuổi thai từ 12 - 38 tuần, tất cả 15 thai phụ này đều có kết quả xét nghiệm Real-Time PCR (Polymerase Chain Reaction) (RT-PCR) dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 3 bệnh nhân có bệnh nền gồm 1 bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh (thalassemia) và tiểu đường thai kỳ, 1 bệnh nhân bị thay van hai lá và van ba lá trước đó 10 năm, 1 bệnh nhân có rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn.

Hình ảnh chụp CT ngực của tất cả bệnh nhân có hình kính mờ, hầu hết các tổn thương được nhìn thấy ở thùy dưới của cả hai phổi với đặc điểm của viêm phổi nhẹ. Nhằm giảm nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi, trước khi chụp CT ngực, những bệnh nhân này đã được hướng dẫn về việc nín thở và được phủ một tấm chăn chì (chống tia xạ) lên bụng dưới cùng xương chậu của họ.

Bài viết cũng thống kê bệnh nhân theo các các triệu chứng lâm sàng như sốt (từ 37,6 - 39,0°C) từ trước và cả sau khi nhập viện (13 người), ho (9 người), mệt mỏi (4 người), đau cơ (3 người), khó thở (1 người), đau họng (1 người), tiêu chảy (1 người). Thông qua các xét nghiệm, 12 bệnh nhân có kết quả cho thấy giảm số lượng bạch cầu lympho và 10 bệnh nhân có Protein phản ứng C (CRP) tăng. Một bệnh nhân bị sốt sau sinh với nhiệt độ cao nhất là 38,5°C (tình trạng đã cải thiện một ngày sau đó).

Ngoài các ca xuất hiện triệu chứng của Covid-19 trên, 2 bệnh nhân khác không có triệu chứng nên không thể xác định được thời gian khởi phát của bệnh.

Trong quá trình điều trị, tất cả 15 thai phụ đều bị bệnh thể nhẹ (kể cả ba bệnh nhân có sẵn bệnh nền), không có người nào xuất hiện hội chứng suy hô hấp cấp tính. Tất cả các bệnh nhân trước sinh đã được hỗ trợ thở oxy qua ống thông mũi từ lúc nhập viện và đều phục hồi tốt mà không cần thở máy, họ đều được điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm chống bội nhiễm. 11 bệnh nhân được điều trị thuốc kháng virus sau khi sinh.

Tại thời điểm kết thúc nghiên cứu, 11 bệnh nhân đã sinh con (10 người sinh mổ và 1 người sinh thường), 4 bệnh nhân vẫn đang mang thai. Trong đó, 3 bệnh nhân được sinh mổ sau tuần 34 và tuần 36 vì cần điều trị thuốc kháng virus cho người mẹ càng sớm càng tốt.

Quá trình điều trị của tất cả 15 bệnh nhân không có biểu hiện tái phát hoặc tăng nặng các triệu chứng viêm phổi do sinh con hoặc mang thai. Hai bệnh nhân đã được xuất viện với thời gian điều trị bệnh trung bình là 16 ngày. Tất cả trẻ sinh ra bình thường, không bị tử vong hoặc ngạt sơ sinh và không có dấu hiện nhiễm SARS-CoV-2 ở trẻ sơ sinh.

Ngoài các kết quả tích cực trên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc cần đánh giá kỹ hơn việc điều trị bằng thuốc kháng virus cho các thai phụ nhiễm Covid-19 về nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi khi xét đến độc tính và hiệu quả chữa trị của thuốc, liệu có cần điều trị bằng thuốc kháng virus cho các đối tượng này hay không?

(theo American Journal of Roentgenology)