Nhỏ Bình thường Lớn

Những trải nghiệm ấn tượng của chuyến đi về miền đất Tổ

Không phải lần đầu về Đền Hùng nhưng chuyến đi về miền đất Tổ vừa qua là những trải nghiệm ấn tượng với chúng tôi sau một năm giãn cách xã hội vì Covid-19.

Đúng như ý nghĩa trở về cội nguồn, hành trình kéo dài hai ngày một đêm đã dẫn chúng tôi đi theo lộ trình Đền Lăng Sương - đồi chè Mỹ Thuận - Đền Hùng - Đền Tam Giang - Ngã ba Bạch Hạc.

Du khách trải nghiệm tại đồi chè Mỹ Thuận. (Ảnh: Bùi Thuận)
Du khách trải nghiệm tại đồi chè Mỹ Thuận. (Ảnh: Bùi Thuận)

Ngược dòng văn hóa

Những năm gần đây, nhiều điểm văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham quan và cúng lễ, trong đó có Đền Lăng Sương, xã Trung Nghĩa (huyện Thanh Thủy) gắn liền với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước.

Nằm bên bờ sông Đà, ngôi đền duy nhất hiện nay thờ cả gia đình Tản Viên Sơn Thánh - một trong những vị thần được nhân dân tôn vinh là “Thượng đẳng tối linh thần” đã có công giúp dân trị thủy, khai hóa đất hoang, dạy dân trồng lúa nước, dẹp giặc ngoại xâm, còn lưu giữ với các cổ vật như Ngọc triện, Ngọc phả, hòn Đá quỳ, giếng Thiên Thanh, hòn đá nén bụng, âu nước tắm, Miếu Hai cô…

Hiện nay, hòn Đá quỳ hay còn gọi là phiến đá xanh vẫn còn in hình hai bàn chân, bàn tay phải, đầu gối phải của Mẫu Đinh Thị Đen quỳ khi lên cơn đau sinh ra Thánh Tản Viên Sơn sau 14 tháng mang thai. Còn Giếng Thiên Thanh là nơi Mẫu lấy nước tắm cho Thánh Tản khi còn nhỏ, tuy chỉ sâu 3m nhưng dù mùa nước hay mùa khô, giếng vẫn trong và đầy nước dù các giếng xung quanh cạn nước. Sự huyền bí, linh thiêng liên quan đến đền Lăng Sương đã thu hút sự quan tâm, hấp dẫn với du khách thập phương tìm về chiêm bái.

Trong hành trình ngược dòng văn hóa, chúng tôi cũng được tận hưởng không khí trong lành tại đồi chè Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) với phong cảnh hữu tình và những hàng chè san sát như bát úp, được phủ bởi lớp màu xanh ngan ngát. Nắng gió, đất đai trung du đã giúp cây chè Phú Thọ sinh sôi cùng với cuộc sống lao động sản xuất vui vẻ tràn đầy tinh thần lạc quan của những người dân hiền lành, chất phác đã tạo nên một điểm đến với các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa độc đáo.

Về Phú Thọ dịp này, chúng tôi cũng ghé thăm chùa Đại Bi và đền Tam Giang - ngôi đền linh thiêng có niên đại hơn một ngàn năm tuổi tọa lạc tại ngã ba Bạch Hạc - nơi hợp lưu của ba dòng sông (sông Hồng - sông Đà - sông Lô) và du khách được thực hành làm lễ xin nước thiêng tại ngã ba sông này.

Tương truyền, ngã ba dòng sông này chính là nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển. Ở nơi Sơn chầu Thuỷ tụ, “giang sơn quy về một mối” của vùng đất Tổ, nước thiêng có đủ vị ngọt - mặn, hương rừng, kẽ đá, mạch đất từ muôn phương góp vào.

Xưa kia theo tục lệ, dân làng ở vùng Bạch Hạc chỉ lấy nước ở ngã ba sông mỗi năm hai lần vào ngày 25/9 (là ngày hội của đền Tam Giang) và mùng 10/3 âm lịch vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo theo nghi lễ truyền thống, người dân sẽ tổ chức bơi chải ra đó. Đội lấy nước phải có đồng nam, đồng nữ và làm lễ tế Thổ công, Hà Bá, xin phép được xin nước về dùng vào việc lớn của làng.

Bây giờ, tiếng lành về nước thiêng vang xa, nhiều gia đình có việc lớn, như dựng nhà, xây mồ mả hay cúng lễ... đã tìm tới ngã ba sông xin nước thiêng về làm lễ, mong được phù hộ độ trì. Bởi vậy, du khách cũng đã có được trải nghiệm khá thú vị là lấy nước sông về làm kỷ niệm và hy vọng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Du khách cảm nhận không khí linh thiêng về đêm tại Đền Hùng. (Ảnh: Bùi Thuận)
Du khách cảm nhận không khí linh thiêng về đêm tại Đền Hùng. (Ảnh: Bùi Thuận)

Đền Hùng trong đêm

Thăm Đền Hùng ban ngày là chuyện thường tình, nhưng vào ban đêm thì không phải ai cũng được trải nghiệm. Theo đúng lịch trình của chuyến đi, khoảng 8h30 tối, chúng tôi bắt đầu được bước vào hành trình tại Đền Hùng với các điểm đến là Bảo tàng Hùng Vương, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng. Trên mảnh đất liêng thiêng của các Vua Hùng thời điểm này, không gian tĩnh lặng, gió mát trăng thanh, cây cối lao xao và lòng chợt thấy rất nhẹ nhõm.

Tham gia cùng đoàn chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hợp Hòa đến từ Hà Nội chia sẻ: “Khi trải nghiệm Đền Hùng về đêm, tôi cảm thấy rất thoải mái, thanh bình, dễ chịu”. Chị Lê Thị Sen cũng cho rằng: “Đêm ở Đền Hùng thật đặc biệt. Chúng tôi có những chiếc đèn lồng dẫn lối, đi hơn 400 bậc đá để lên các đền trong không khí linh thiêng, mát mẻ nhưng không còn cảm thấy mệt mỏi nữa”.

Thật vậy, ở trong một chuyến đi này, du khách vừa được trở về nhà, nơi cội nguồn dân tộc, thắp nén nhang tri ân công đức tổ tiên lại vừa được khám phá, trải nghiệm các giá trị, di sản văn hóa. Theo ánh sáng của những chiếc đèn lồng tre dẫn lối trên từng bậc thềm đá và thắp nén nhang thơm trong sự yên tĩnh trên đỉnh núi thiêng Nghĩa Lĩnh là một trải nghiệm nhiều cảm xúc với mọi người.

Được biết, chuyến du lịch đêm Đền Hùng được tổ chức nhằm xây dựng một sản phẩm du lịch riêng của Phú Thọ, mang tới cho du khách một chương trình trải nghiệm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khi đất trời về đêm. Đây cũng là một sản phẩm du lịch hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa với loại hình du lịch trải nghiệm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Thuỷ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, chuyến du lịch đêm Đền Hùng được tổ chức đáp ứng đúng mục tiêu Đề án 1129 ngày 27/7/2020 về “phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam” của Chính phủ. Địa phương định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo vùng Đất Tổ trên cơ sở phát huy các giá trị di sản văn hoá tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ được tổ chức UNESCO vinh danh, vừa có tính mới, hấp dẫn, vừa kế thừa truyền thống, lan toả chuẩn mực về thực hành tín ngưỡng.

Chuyến du lịch đêm Đền Hùng cũng chính là hoạt động mở màn chuỗi các hoạt động sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2021.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Phú Thọ giảm bớt các hoạt động hội nhưng vẫn tổ chức các sự kiện điểm nhấn phục vụ du khách và nhân dân song song với việc thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn cho du khách và nhân dân như: tổ chức chương trình Hát xoan Làng Cổ, bơi chải trên hồ Công viên Văn Lang, giải bóng truyền vô địch quốc gia tranh cúp Hùng Vương, biểu biễn nghệ thuật, biểu diễn múa rối nước tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; tổ chức Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng nguồn cội đất Tổ Hùng Vương”...

Nói về chuyến du lịch mới tại đất Tổ, ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam khẳng định: “Hầu hết du khách đến Đền Hùng vào ban ngày, nhưng chuyến du lịch tại đây sẽ là một hành trình đặc biệt, cho thấy hiệu quả của việc liên kết giữa các đơn vị lữ hành Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, đồng thời gắn kết được các điểm du lịch văn hóa, các di sản nổi tiếng của hai tỉnh, thành phố để tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa mang tính bền vững, tăng lượng khách lưu trú cho Phú Thọ”.

Không chỉ có dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, sau khi công bố sản phẩm này, các công ty lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ của Hà Nội và Phú Thọ sẽ triển khai sản phẩm vào các ngày mùng Một và ngày Rằm hằng tháng.

TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Người Việt tại Malaysia thành kính hướng về cội nguồn
Đại sứ quán Việt Nam tại Canada tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương theo hình thức trực tuyến
Kiều bào dâng hương tưởng nhớ, tri ân các Vua Hùng
Trải nghiệm mới từ chuyến du lịch caravan
Phóng viên báo chí nước ngoài trải nghiệm hát Xoan, thăm đền Hùng và đồi chè Phú Thọ

HÀ THỦY