Nổi tiếng từ đầu năm 2014, nhưng Flappy Bird đã ghi dấu ấn ở vị trí thứ sáu trong top mười từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2014. |
“ALS Ice Bucket Challenge” - Thử thách nước đá
Đứng thứ năm trong bảng xếp hạng mười từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2014, Thử thách nước đá chỉ đơn giản là lời thách đố “Hãy dội xô nước đá lạnh lên đầu” do Pete Frates, cầu thủ bóng chày của đội trường đại học Boston. Là người mắc phải căn bệnh ALS (xơ cứng teo cơ một bên), Pete Frates muốn kêu gọi nâng cao nhận thức về căn bệnh khiến tế bào thần kinh vận động của con người bị tê liệt..
Vượt quá sự mong đợi của Pete Frates, Thử thách nước đá lan tỏa mạnh mẽ nhờ cộng đồng mạng và giới truyền thông, khiến nhiều người nổi tiếng tham gia với số tiền quyên góp ngày càng tăng dần. Không chỉ ngôi sao hay vận động viên, các chính khách, lãnh đạo một số quốc gia cũng được lôi kéo vào chiến dịch này.
"Flappy Bird" – Chú chim vỗ cánh
Nổi tiếng từ đầu năm 2014, nhưng Flappy Bird đã ghi dấu ấn ở vị trí thứ sáu trong top mười từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2014 cùng với tên tuổi một nhà sáng tạo phần mềm trẻ tuổi của Việt Nam. Là trò chơi điện tử trên nền Android và iOS do Nguyễn Hà Đông phát triển vào tháng 5/2013, đến tháng 1/2014, Flappy Bird đứng đầu bảng thể loạt miễn phí trên iTunes App Store của Mỹ và Trung Quốc và sau đó là trên UK App Store khi nó được mệnh danh là trò "Angry Birds mới".
Đến cuối tháng 1/2014, Flappy Bird là ứng dụng được tải về nhiều nhất trên App Store cũng như trên Google Play. Trò chơi này đã đạt đỉnh cao với hơn 50 triệu lượt tải về và khoảng 50.000 USD mỗi ngày thu được từ quảng cáo.
Conchita Wurst – “nữ ca sĩ có râu”
Rất nhiều người đã thắc mắc Conchita Wurst là ai mà đứng vị trí thứ bảy trong top mười từ khóa trên Google năm 2014?
Tên thật của Conchita Wurst là Tom Neuwirth. Đại diện cho nước Áo trình diễn tại Eurovision Song Contest 2014 ở Copenhagen, Đan Mạch, "nữ ca sỹ có râu" 25 tuổi đã tạo nên bất ngờ lớn khi đánh bại các đối thủ để chiến thắng cuộc thi với bài hát do chính mình sáng tác có tên Rise Like A Phoenix (Bay lên như một con phượng hoàng).
Không phải là lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình, tại cuộc thi ca hát Starmania 2007, Conchita Wurst mang vẻ ngoài của một chàng trai. Năm 2012, ConchitaWurst thử giọng cho Big Chance ở Áo để tìm kiếm cơ hội đến với Eurovision nhưng không được lựa chọn.
Việc Áo chọn Conchita Wurst dự Eurovision 2014 đã làm dấy lên làn sóng phản đối tại nhiều quốc gia Đông Âu vốn khắt khe với người đồng tính, lưỡng tính như Nga, Belarus hay Ukraine. Một số nhà hoạt động ở Belarus còn đề nghị không phát sóng vòng chung kết Eurovision ở Đan Mạch. Tuy vậy, Conchita Wurst vẫn trở thành người Áo đầu tiên giành chiến thắng tại Eurovision kể từ năm 1966.
Sắc đẹp được quan tâm đặc biệt ở châu Á
Tiểu phẩu thẫm mỹ với các giải pháp như tiêm “chất làm đầy acid Hyaluronic” và “Botox” chính là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Yahoo! Search tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay.
Kết quả của Yahoo! Search Trends cũng cho thấy sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực này thông qua cách làm đẹp của họ. Nếu các quốc gia Đông Nam Á tập trung vào việc “làm đẹp da mặt” hay “ăn kiêng”, thì người dân Hong Kong thích các bài tập “Yoga” và “hút mỡ” là giải pháp làm đẹp dẫn đầu danh sách tìm kiếm tại Hàn Quốc.
"Normcore" – ăn mặc đơn giản nhất
Năm 2014 đánh dấu sự lên ngôi của rất nhiều xu hướng ăn mặc như crop top, giày sneaker thời trang... Tuy nhiên, từ khóa về xu hướng thời trang được tìm kiếm nhiều nhất trên Google lại là "Normcore”.
Normcore là từ chỉ cách ăn mặc giản dị nhất với những món đồ cơ bản, bình thường nhất, có thể đã ra đời từ hàng chục năm trước như áo phông đen trơn, quần dài đen trơn và áo khoác không có bất cứ họa tiết gì . Nói cách khác, Normcore là phong cách ăn mặc... không có gì đặc biệt. Dễ thấy là cách ăn mặc này xuất hiện hàng ngày, hàng giờ và ở bất cứ đâu, nhưng người ta vẫn tò mò và muốn tìm thêm thông tin chi tiết.
“Culture”, “vape” và “photobomb”
Cứ vào dịp cuối năm, các nhà xuất bản từ điển lớn nhất thế giới lại bắt đầu công bố “từ khóa của năm”. Năm nay, từ điển tiếng Anh Merriam-Webster (Mỹ) chọn từ “Culture” (văn hóa). Theo lý giải của nhà xuất bản Merriam-Webster, từ “culture” được sử dụng nhiều trong năm nay chủ yếu bởi các phương tiện truyền thông đại chúng thường nhắc đến những cụm từ như “văn hóa sao”, “văn hóa công ty”, “văn hóa tình dục”…
Trong khi nhà xuất bản từ điển uy tín Tiếng Anh Oxford đã lựa chọn từ “vape” (hút thuốc lá điện tử) là từ khóa của năm 2014 vì đã có nhiều tranh cãi về những tác hại của nó, thì “photobomb” được xem “Từ mới của năm 2014” theo thống kê của nhà xuất bản từ điển tiếng Anh Collins (Mỹ). “Photobomb” được hiểu “nôm na” là một nhân vật mà người chụp ban đầu không hề có chủ định đưa vào bức ảnh, nhưng đã bất ngờ hiện diện ngoài mong muốn của người chụp.
HÀ ANH (tổng hợp)