Niềm vui của người dân và nghệ nhân Xòe Thái khi di sản được UNESCO vinh danh. (Ảnh: Trần Huấn) |
Có thể thấy, việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Di sản của Việt Nam cũng thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nâng cao niềm tự hào của cộng đồng
Mới đây, ngay sau khi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức một chương trình chào mừng để chung vui cùng các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, việc ghi danh cũng là cơ hội để Xòe Thái ở vùng Tây Bắc được mọi người trên khắp Việt Nam và quốc tế biết đến; nâng cao sự tôn trọng đối với sự sáng tạo của nhân loại trong việc thể hiện niềm khát vọng chung của con người về một cuộc sống bình an, vui vẻ, hạnh phúc.
Đại diện cho các địa phương có cộng đồng thực hành Xòe Thái, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ về niềm tự hào khi chứng kiến giây phút hai tiếng Việt Nam được xướng lên cùng các nghi thức đánh dấu Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO ghi danh.
Ông Đỗ Đức Duy khẳng định: “Sự kiện quan trọng này thêm một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cả nước nói chung, của nhân dân các dân tộc bốn tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu nói riêng”.
Với nghệ nhân đã ở tuổi 89 như ông Lò Văn Biến (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) thì niềm cảm xúc ấy còn lớn lao hơn rất nhiều. Sau bao nhiêu năm miệt mài giữ gìn di sản quý của cộng đồng, nghệ nhân cho biết sẽ tiếp tục bảo vệ Xòe Thái, quảng bá, truyền dạy cho lớp trẻ niềm đam mê, tình yêu di sản, để những giai điệu xòe “mãi mãi bay bổng và lan tỏa, xứng danh là Di sản văn hóa đại diện nhân loại”.
Giá trị mới của di sản
Thời gian qua, Xòe Thái luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về những thách thức bảo vệ di sản này trong bối cảnh đương đại và dòng chảy hiện đại hóa. Bởi vậy, ngay cả khi đã được UNESCO vinh danh, những điệu xòe vẫn càng phải được phát huy để thực sự có sức sống mới, công chúng mới và giá trị mới.
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể tràn đầy sức sống. Nghệ thuật này cần được nghiên cứu, vừa bảo tồn vừa tái sáng tạo để tạo ra những giá trị gia tăng mới.
Bà Lê Thị Minh Lý trăn trở: “Phải làm sao để Xòe Thái hội nhập được với đời sống đương đại, được giới trẻ và công chúng thưởng thức như một sản phẩm văn hóa mới nhưng không bị xói mòn những giá trị cốt lõi tạo thành bản sắc Xòe Thái”.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng cho rằng, để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, công việc cần làm là triển khai các hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa, nhận diện giá trị, hiện trạng của di sản, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ, vinh danh nghệ nhân, nâng cao nhận thức của cộng đồng chủ thể nói riêng và xã hội nói chung về giá trị của di sản….
Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể tràn đầy sức sống. |
Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đáp ứng đầy đủ tiêu chí để ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó cộng đồng người Thái cùng nhau gánh vác trách nhiệm và có vai trò khác nhau trong việc tổ chức thực hành di sản.
Thực tế, những năm qua, các biện pháp bảo vệ được cộng đồng người Thái tiến hành một cách sâu rộng tại bốn tỉnh như thành lập các đội văn nghệ và đóng góp cho công tác nghiên cứu và xuất bản sách về di sản, các nghệ nhân truyền đạt tri thức cho người học và nỗ lực khôi phục một số điệu xòe. Những người đại diện cộng đồng cũng tham gia vào quá trình xây dựng hồ sơ ghi danh và nhận diện, đề xuất các biện pháp bảo vệ.
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, tỉnh sẽ chủ động cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022, thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đề xuất Bộ VHTT&DL tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái.
Từ đây, các chương trình hành động của địa phương sẽ được triển khai bằng những giải pháp cụ thể với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động, biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội của mỗi địa phương.
| Nghệ thuật Xòe Thái - Sức sống của đồng bào vùng Tây Bắc Không chỉ mang đậm bản sắc của người Thái, Xòe Thái đã lan tỏa rộng rãi, trở thành nghệ thuật diễn xướng chung của đồng ... |
| Xòe Thái được đệ trình công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tại kỳ họp thứ 16 Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ... |