📞

Niger đi về đâu sau đảo chính quân sự

TS. Vũ Đăng Minh 09:00 | 16/08/2023
Khủng hoảng chính trị, quân sự đang hiện diện ở Niger và có nguy cơ lôi kéo Tây Phi và có thể cả châu Phi vào vòng xoáy.
Niger từng được nhìn nhận là quốc gia ổn định ở một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới. (Nguồn: FAO)

Bất ngờ, không bất ngờ, do đâu

Nói đảo chính bất ngờ bởi phương Tây xem Niger là quốc gia ổn định ở một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới. Niamay là đồng minh của phương Tây, tiền đồn chống khủng bố và là bức “tường lửa” ngăn chặn ảnh hưởng của Nga ở châu Phi. Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Niger “quan trọng như một trụ cột cho sự ổn định ở Sahel (khu vực kéo dài từ Đại Tây Dương đến Biển Đỏ)”, là “đối tác chống khủng bố đáng tin cậy”.

Chính quyền Niamay được phương Tây “chống lưng”. 40% ngân sách Niger do phương Tây viện trợ. Khoảng 3.500-4.000 quân nước ngoài và các căn cứ quân sự ở Niger. Trong đó, có 1.000-1.500 quân Pháp, khoảng 1.000 quân Mỹ và lực lượng của Đức, Italy. Mỹ, Pháp và một số nước phương Tây viện trợ vũ khí, huấn luyện, đào tạo cho quân đội Niger. Bất ngờ là có cả tướng lĩnh do Mỹ đào tạo tham gia đảo chính.

Nhưng cũng không hoàn toàn bất ngờ bởi đảo chính quân sự là chuyện thường ở châu Phi. Từ năm 2020 đến nay đã xảy ra 7 cuộc đảo chính ở Sudan, Mali, Guinea, Burkina Faso, Chad... Tính từ khi được trao trả độc lập đến tháng 7/2023, ở Niger đã xảy ra 5 cuộc đảo chính. Chính phương Tây đã tạo ra “thói quen” đảo chính. Trong những năm 1960, Paris đứng sau hơn chục cuộc đảo chính, dựng lên chính phủ thân Pháp hoặc khi lợi ích bị đe dọa.

Nguyên nhân đảo chính ở Niger là sự đan xen giữa yếu tố bên trong và bên ngoài, khách quan và chủ quan. Niger là vùng đất nóng, khô hạn, sa mạc hóa; tỷ lệ thất nghiệp cao, 41% người dân đói nghèo, xếp thứ 189/191 về chỉ số phát triển con người. An ninh bất ổn, liên tục xảy ra khủng bố do các nhóm Hồi giáo cực đoan (từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2022 có 13 vụ), làm hàng ngàn người chết.

Theo chỉ huy lực lượng đảo chính, Niger nhiều tài nguyên, nhưng chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum quản lý yếu kém, phụ thuộc nước ngoài, làm kinh tế suy thoái, an ninh bất ổn, chính trị bế tắc, chia rẽ sắc tộc, gây bức xúc trong người dân và binh sĩ.

Bên cạnh đó là tác động từ bên ngoài. Liên minh châu Phi (AU) và nhóm Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) chia rẽ, bất đồng quan điểm về một số vấn đề. Một số thành viên thân phương Tây, chi phối, sẵn sàng can thiệp nội bộ nước khác. Một số có thiện cảm với Nga, phản đối can thiệp. Chính quyền do giới quân sự đứng đầu sau đảo chính ở Mali và Burkina Faso bị ngưng tư cách thành viên ECOWAS.

Pháp, Mỹ và một số nước phương Tây can dự, hiện diện quân sự, chi phối chính phủ, tranh giành ảnh hưởng, lợi ích chiến lược, trục lợi tài nguyên. Chuyên gia Florence Boyer thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Pháp thừa nhận, “sự thất vọng này (của người dân Niger) quy về nước Pháp vì Paris ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bazoum”. Nhân tố bên trong là nguyên nhân trực tiếp, nhân tố bên ngoài có vai trò quan trọng, thúc đẩy đảo chính quân sự ở Niger.

Nhân tố bên trong là nguyên nhân trực tiếp, nhân tố bên ngoài có vai trò quan trọng, thúc đẩy đảo chính quân sự ở Niger. (Nguồn: AP)

Đảo chính, nỗi lo không của riêng ai

Cộng đồng quốc tế lo ngại, phản đối các cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền được bầu. Nhưng tùy theo quan hệ và lợi ích quốc gia liên quan mà cách phản ứng khác nhau.

Niger có đường biên giới chung với 7 nước Tây Phi, nên AU, ECOWAS lo ngại đảo chính kích thích phản ứng dây chuyền, gây bất ổn khu vực, ảnh hưởng đến vai trò của tổ chức. Lực lượng Hồi giáo cực đoan như IS, al-Qaeda có thể tận dụng thời cơ để đẩy mạnh hoạt động khủng bố.

ECOWAS ra tối hậu thư yêu cầu lực lượng đảo chính khôi phục trật tự hiến pháp; tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng dự phòng can thiệp quân sự. Trong 30 năm qua, ECOWAS đã 7 lần hành động tương tự với 6 quốc gia thành viên.

Nhưng huy động, triển khai và phối hợp lực lượng từ quân đội các thành viên không đơn giản, cần có thời gian chuẩn bị. Mali, Burkina Faso, Guinea, Chad, Algeria phản đối can thiệp quân sự. Quốc hội một số nước thành viên hăng hái cũng không ủng hộ đưa quân vào Niger. Trước mắt AU, ECOWAS lấy đối thoại, đàm phán là ưu tiên kết hợp với răn đe, trừng phạt.

Đảo chính ở Niger là đòn mạnh giáng vào chính sách của phương Tây đối với châu Phi. Pháp và một số nước có thể mất lợi ích kinh tế béo bở, nguồn cung cấp uranium, vàng… Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu khí xuyên Sahara, thay thế nguồn cung từ Nga có thể đổ vỡ. Quan trọng nhất là lực lượng quân sự của Pháp, Mỹ và một số nước khác có thể phải rời khỏi Niger; mất công cụ quan trọng để chi phối khu vực, tạo “khoảng trống” cho Nga, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi. Như vậy, Niger có phần tương tự Ukraine, là một cuộc chiến địa chiến lược.

Phương Tây đang vướng mắc tại Ukraine. Bài học tổn thất, sa lầy ở Afghanistan vẫn còn đó. Không muốn từ bỏ, nhưng mở thêm mặt trận ở Niger là chuyện đau đầu. Tối ưu là đưa Niger trở lại vòng ảnh hưởng mà không phải trực tiếp động binh, đẩy khu vực vào tình trạng mất kiểm soát. Phương Tây ủng hộ ECOWAS, vừa kêu gọi đàm phán, vừa trừng phạt, cắt viện trợ, gây sức ép.

Nếu ECOWAS can thiệp quân sự, Mỹ, Pháp và một số nước sẽ phối hợp hành động theo hình thức chiến tranh ủy nhiệm.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi vừa qua, Moscow tuyên bố xóa nợ, viện trợ nhân đạo, cung cấp lương thực và củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt. Nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có các nước do chính quyền quân sự điều hành càng tỏ ra thân thiện với Nga hơn, xa rời phương Tây. Dấy lên ý kiến cho rằng Moscow đứng sau Tập đoàn tư nhân Wagner thúc đẩy đảo chính. Nhưng chính ECOWAS thừa nhận không có cơ sở để quy kết Nga.

Moscow tuyên bố ủng hộ đàm phán khôi phục trật tự hiến pháp; cảnh báo can thiệp quân sự sẽ làm xung đột lan rộng, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Với quan hệ sẵn có, Nga có thể tác động để quân đội Niger chấp nhận đàm phán. Khi đó, vị thế và ảnh hưởng của Moscow càng tăng.

Ông Yevgeny Prigozhi, người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner gọi cuộc đảo chính là chiến thắng trước chủ nghĩa thực dân mới. Wagner có quan hệ hợp tác với một số chính phủ ở châu Phi, trong đó có các nước láng giềng với Niger. Chỉ huy quân đội Niger kêu gọi Wagner hỗ trợ nếu bên ngoài can thiệp quân sự. Khả năng tác chiến của lực lượng Wagner đã được kiểm chứng. Nên việc Wagner tham gia, tác động đến kết cục ở Niger vẫn là một ẩn số.

Quân đội Niger tuyên bố cứng rắn, sẵn sàng lấy Tổng thống Bazoum làm “con tin”, khởi tố ông về tội phản quốc để biện minh và phản đòn trước sức ép từ bên ngoài. Hàng nghìn người dân Niger ủng hộ lực lượng đảo chính, dương cờ Nga, biểu tình đòi nước ngoài rút quân. Nhưng bên trong Niger cũng xuất hiện phong trào phản đối đảo chính. Thêm lực lượng can dự, can thiệp từ bên ngoài, thì tương quan sức mạnh các bên sẽ nhiều biến động. Niger có thể xảy ra các “kịch bản” khác nhau.

Kết cục bỏ ngỏ ở Niger là lời cảnh báo đối với châu Phi và cộng đồng quốc tế. (Nguồn: AP)

Niger về đâu?

Khủng hoảng chính trị, quân sự đang hiện diện ở Niger và có nguy cơ lôi kéo Tây Phi và có thể cả châu Phi vào vòng xoáy. Cùng với các cuộc gặp gỡ thăm dò đối thoại, đàm phán thì đã có người chết và vụ nổ trong căn cứ quân sự nước ngoài ở thủ đô Niamay. Đàm phán và xung đột đều có khả năng. Nhiều biến số nên khó nói chắc điều gì sẽ xảy ra. Bước đầu có thể đưa ra vài tình huống, “kịch bản”.

Một là, quân đội Niger và ECOWAS cùng lực lượng chống đảo chính bên trong đàm phán, thỏa hiệp một hình thức chính quyền quá độ, tiến tới bầu cử lập chính phủ mới, dưới sự giám sát của quốc tế và khu vực.

Do áp lực quốc tế mạnh mẽ, tương quan lực lượng chưa bảo đảm bên nào chắc thắng và qua trung gian hòa giải, nên cả hai bên chấp nhận đàm phán, thỏa hiệp. Đây là “kịch bản” tốt nhất có thể, tránh được xung đột, thảm họa nhân đạo, nhưng quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài. Đàm phán có thể chỉ là giải pháp tình thế. Xung đột lại bùng phát nếu các mâu thuẫn cơ bản không được giải quyết.

Hai là, can thiệp quân sự từ bên ngoài, nếu trừng phạt, gây sức ép, đàm phán không đạt kết quả.

Tình huống này có thể diễn ra theo các “kịch bản” khác nhau. Lực lượng can thiệp quân sự trực tiếp là quân đội của một số nước thuộc ECOWAS, phối hợp với lực lượng chống đối bên trong. NATO hỗ trợ ECOWAS, sử dụng lực lượng quân sự tại chỗ của Pháp, Mỹ, Đức, Italy, công khai hoặc bí mật phối hợp tiến hành cuộc chiến ủy nhiệm. Cũng có thể một nước phương Tây (chẳng hạn Pháp) can thiệp với tư cách riêng, với lý do lực lượng của họ ở Niger bị tấn công.

Quân đội Niger có thể được Mali, Burkina Faso, Algeria và lực lượng Wagner hỗ trợ với hình thức khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Cuộc chiến có nguy cơ vượt khỏi phạm vi Niger, lan ra khu vực.

Với ưu thế có phần nhỉnh hơn, lực lượng can thiệp quân sự giành thắng lợi sau một thời gian. Nhưng không loại trừ trường hợp quân đội Niger chuyển sang hoạt động du kích, kéo dài cuộc chiến tranh, buộc lực lượng can thiệp sa lầy. Lực lượng chống đối bên trong được ECOWAS và phương Tây xây dựng, hỗ trợ, đẩy Niger vào nội chiến kéo dài.

Ba là, xung đột, chiến tranh, nội chiến kéo dài, gây nhiều tổn thất, thảm họa nhân đạo, không bên nào giành thắng lợi áp đảo. Áp lực quốc tế mạnh mẽ, buộc các bên ngừng chiến, quay lại đàm phán.

Diễn biến và kết cục của Niger vẫn bỏ ngỏ. Nó có thể là nhân tố kích thích các hành động tương tự hoặc là lời cảnh báo đối với châu Phi và cộng đồng quốc tế.