Một giáo viên đo nhiệt độ của một học sinh bằng một nhiệt kế kỹ thuật số tia laser hồng ngoại, Lagos trong ngày 22/9. Ảnh: Reuters/Akintunde Akinleye |
Nigeria là một quốc gia có dân số đông nhất châu Phi với hơn 160 triệu người và chỉ có 20 người nhiễm virus Ebola, trong đó có 8 người tử vong. Căn bệnh bắt nguồn từ một nhà ngoại giao Liberia, Patrics Sawyer, đến thành phố Lagos vào tháng 7 và đã tử vong 5 ngày sau khi bị chẩn đoán nhiễm bệnh. Nhân viên sân bay đã không được chuẩn bị và chính phủ đã không thành lập bất kỳ một bệnh viện nào làm nơi cách ly, do đó virus này có thể đã lây nhiễm sang nhiều người, bao gồm cả các nhân viên y tế đã tiếp xúc với ông. 300 người đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bệnh nhân này, vấn đề lớn đặt ra với Nigeria là phải tìm kiếm và cô lập họ ngay, nếu không sẽ dễ dàng xảy ra “bi kịch tận thế” cho tiểu bang lớn nhất đất nước với 21 triệu dân.
“Đây là một câu chuyện thành công ngoạn mục”, Rui Gama Vaz của WHO nói tại cuộc họp báo ở thủ đô Abuja để tuyên bố Nigeria đã thoát khỏi căn bệnh này, “Nó cho thấy rằng Ebola có thể được khống chế, nhưng chúng ta cũng phải rõ ràng rằng chúng ta mới chỉ chiến thắng trong một trận chiến, cuộc chiến chỉ kết thúc khi Tây Phi cũng được tuyên bố thoát khỏi Ebola”.
Ebola bùng phát mạnh vào tháng Ba năm nay ở Tây Phi, là đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử. Vi rút này dã giết chết 4.546, trong đó có ba nước bị ảnh hưởng nhất ở vùng Tây Phi là Liberia, Guinea và Sierra Leone, Mỹ cũng đã có 2 người nhiễm bệnh và đang trong tình trạng cảnh báo cao độ khi khách du lịch từ những vùng bị đại dịch nhập cảnh. Trong bối cảnh đó, Nigeria với tuyên bố đã ngăn chặn được dịch bệnh trở thành một niềm hy vọng cho toàn thế giới.
Đoàn kết và giữ vững lập trường
“Nigeria đã không thực sự chuẩn bị đối phó với sự bùng nổ dịch bệnh, nhưng sự phản ứng nhanh chóng từ chính phủ liên bang, chính quyền bang và tổ chức quốc tế là cần thiết”, Samuel Matoka, quản lý dịch bệnh Ebola tại Nigeria thuộc Liên hiệp các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) nói. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, đơn vị đã tham gia vào việc quản lý các ổ dịch bệnh cho biết, các quan chức và các tình nguyện viên đã phổ biến được đến 26.000 hộ gia đình sống xung quanh các điểm tiếp xúc của bệnh nhân Ebola.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan kêu gọi người dân Nigeria để “thống nhất về mục đích và phương pháp tiếp cận chống lại Ebola ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống quốc gia. Sự thành công nổi tiếng toàn cầu của Nigeria đối với Ebola là một minh chứng cho những gì người Nigeria có thể làm được nếu họ bỏ qua mọi khác biệt và đồng lòng làm việc cùng nhau”.
Trở lại thời gian đầu lây lan bệnh ở Nigeria, một vấn đề nhạy cảm là người mang mầm bệnh đến đất nước này là một nhà ngoại giao. Sau khi nhiễm bệnh, Sawyer có vẻ không hợp tác để chữa bệnh, và ngay cả chính phủ Liberia cũng không đồng ý để bệnh viện ở Nigeria giữ ông lại. Bệnh nhân này trở nên hung hăng và gây nhiễm cho một y tá điều trị, dẫn đến tử vong. Bác sĩ Benjamin Ohiare làm việc tại một bệnh viện ở Lagos, người đã sống sót sau căn bệnh này cho biết một quan chức chính phủ Liberia thậm chí đã đe dọa qua điện thoại rằng bệnh viện sẽ có thể nhận hậu quả tiêu cực nếu bệnh viện này không thả Sawyer, và rằng việc giữ người tại bệnh viện này không khác gì một vụ bắt cóc. “Bài học ở đây là: giữ vững lập trường của mình”, ông nói.
Thành công của Nigeira trong việc ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này trái ngược với những hành động trước đây của chính phủ đất nước này về các vấn đề an ninh như khủng bố, bắt cóc. Một nhà phân tích chính trị, luật sư Emekanka Onyebuchi nói: “Cách giải quyết Ebola là thực dụng, yêu nước và phi đảng phái”. Và có vẻ Nigeria đã thực hiện đúng điều đó. Sự hợp tác giữa chính quyền trung ương ở Nigeria và chính quyền đối lập dẫn đầu tiểu bang Lagos trong chiến dịch ngăn chặn đại dịch này trái ngược với Hoa Kỳ, nơi mà các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn còn tranh cãi để tìm ra các biện pháp chống lại Ebola làm suy giảm lòng tin của người dân. Alex Okoh, giám đốc dịch vụ y tế Cảng ở Nigeria cho biết, bài học mà Mỹ và các nước khác có thể học hỏi là “đặt các rào cản chính trị sang một bên và tập trung vào các vấn đề hiện tại”.
Phản ứng nhanh và Sử dụng công nghệ
Bệnh viện đã liên lạc với Bộ Y tế ở Lagos và Bộ Liên bang ở Abuja, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng thiết lập và trang bị cho một đơn vị cách ly. Thống đốc bang Lagos, Babatunde Fashola đã vội vàng trở về từ cuộc hành hương đến thánh địa Mecca để xử lý cuộc khủng hoảng này, bác sĩ Ohiare nói.
Trước đây, Nigeria đã từng sử dụng có hiệu quả công nghệ vào việc phòng chống bệnh bại liệt. Họ sử dụng công nghệ định vị GPS để đảm bảo tất cả các trẻ em đều phải được tiêm phòng để chống bệnh này. Và bây giờ, GPS thực sự chứng minh hiệu quả của mình khi đã góp phần ngăn chặn thành công đại dịch Ebola. Một thành viên của IFRC, Matoka cho biết, việc truy tìm liên lạc hay tung tích của các trường hợp bị nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh lây lan vào cộng đồng. GPS sẽ giúp giám sát những người có nguy cơ nhiễm bệnh, “sẽ có hiệu quả khi xác định tất cả các trường hợp bị nghi ngờ và tiếp tục theo dõi họ. Chúng tôi có thể tách những người có các triệu chứng trước khi họ lây sang nhiều người khác ra khỏi cộng đồng”, ông nói. Ngay cả khi virus Ebola tràn vào các trung tâm dầu Port Harcourt ở phía đông nam, chính quyền đã có thể nhanh chóng dập tắt. “Nếu một quốc gia bị cản trở bởi các vấn đề an ninh nghiêm trọng như Nigeria có thể làm được điều này, bất kỳ nước nào trên thế giới cũng có thể giải quyết vấn đề này”, Giám đốc WHO Margaret Chan cho biết.
Các quan chức hy vọng câu chuyện thành công này sẽ làm thay đổi suy nghĩ của các nước phương Tây, nơi mà hiện nay nhiều người đang phải chịu kìm kẹp trong một cơn hoảng loạn về một đại dịch từ châu Phi.
Hoàng Hà (theo Reuters)