Cuộc đua Mỹ-Trung nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á đang ngày càng nóng lên. (Nguồn: LSE IDEAS) |
Giới phân tích nhận định, khu vực rộng lớn và đa dạng với nhiều thị trường mới nổi này đang trở thành chiến trường địa-chính trị và kinh tế chủ đạo giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời có thể mang lại cơ hội hợp tác giữa hai cường quốc.
Chuyến thăm ý nghĩa
Dấu hiệu mới nhất về tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á là chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Trung Quốc từ ngày 25-26/7. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài kể từ Thế vận hội mùa Đông tháng 2/2022.
Tại Bắc Kinh, Tổng thống Widodo đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông Tập Cận Bình khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương Trung Quốc-Indonesia.
Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Widodo thu hút sự chú ý của dư luận. Kể từ khi ông Widodo nhậm chức vào năm 2014, quan hệ Trung Quốc-Indonesia ngày càng sâu sắc, tập trung vào thương mại và kinh tế.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia trong 9 năm liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng khối lượng thương mại lên tới 58,4% trong năm 2021 (so với năm 2020). Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia năm 2021 đạt 3,2 tỷ USD.
Theo TS. Luo Yongkun, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Á và châu Đại Dương thuộc Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc ở Bắc Kinh, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Widodo cho thấy nỗ lực của Jakarta trong việc tăng cường quan hệ với các nền kinh tế chủ chốt như Bắc Kinh nhằm có thêm sự hỗ trợ trong bối cảnh môi trường địa-chính trị ngày càng phức tạp.
Cũng theo chuyên gia này, Indonesia là đối tác quan trọng của Trung Quốc trong việc mở rộng ngoại giao với toàn khu vực. Quan hệ Trung Quốc-Indonesia ngày càng sâu sắc sẽ dẫn đến sự hợp tác giữa Trung Quốc với tất cả các nước thành viên ASEAN.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 26/7. (Nguồn: SCMP) |
Nền tảng chính sách
Indonesia nói riêng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung là những nền tảng quan trọng trong chính sách ngoại giao khu vực của Trung Quốc.
Nằm trên tuyến đường thủy chiến lược nối Đông Á với Trung Đông và châu Phi, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và lớn thứ 5 thế giới. Dân số gần 700 triệu người và các chính sách hướng ngoại đang mang đến cho khu vực này tiềm năng phát triển vượt bậc.
Năm 2022, Đông Nam Á trở nên nổi bật hơn khi là nơi diễn ra 3 sự kiện quốc tế lớn, bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia và Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Thái Lan.
Thế giới đang theo dõi xem ASEAN sẽ đảm nhiệm ra sao vai trò cầu nối tiềm năng trong các cuộc đối thoại ngoại giao cấp cao, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng địa-chính trị đang gia tăng và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Theo TS. Luo Yongkun, trong lúc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, các nước Đông Nam Á không muốn dính líu vào bất kỳ cuộc xung đột nào do lo ngại nguy cơ các cơ chế hợp tác quốc tế đa phương thất bại.
Chuyên gia Luo Yongkun cho rằng, các nước châu Á, bao gồm cả ASEAN và Trung Quốc, đều chú trọng việc phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, cuộc đua Mỹ-Trung nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á đang ngày càng nóng lên.
Cuộc đua can dự
Ông Choi Shing Kwok, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định mặc dù hầu hết các quốc gia châu Á đều không muốn chọn bên và luôn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng môi trường hòa bình và trật tự ở Đông Nam Á trong 30 năm qua đã thay đổi.
Theo đó, các nước trong khu vực chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan liên quan đến việc chọn bên. Mặt khác, khi Mỹ và Trung Quốc đua nhau can dự Đông Nam Á thông qua hợp tác kinh tế và ngoại giao, hai nước cũng có cơ hội hợp tác ở khu vực này.
Ông Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể chung tay giải quyết những thách thức chính trị phức tạp, chẳng hạn như cùng tìm giải pháp cho Myanmar, qua đó giúp xây dựng lòng tin và đặt nền tảng cho hợp tác Mỹ-Trung.
Trong những tháng gần đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách khẳng định lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Tháng 7/2021, ông Kurt Campbell, Điều phối viên Mỹ về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh quốc gia, khẳng định Mỹ cần tăng cường can dự Đông Nam Á để nâng cao hiệu quả của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Kể từ nửa cuối năm 2021, các quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đã thực hiện một loạt chuyến thăm Đông Nam Á.
Tháng 5/2022, Mỹ đã tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN đầu tiên tại Washington D.C. Tại đây, Tổng thống Biden khẳng định quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đã bước vào một kỷ nguyên mới.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN từ ngày 12-13/5 tại thủ đô Washington D.C, Mỹ. |
Trong khi Mỹ tăng cường các nỗ lực ngoại giao, các tiếp xúc cấp cao giữa Trung Quốc và ASEAN cũng không ngừng tăng lên.
Giữa tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành một cuộc vận động ngoại giao chớp nhoáng kéo dài 2 tuần ở Đông Nam Á nhằm thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa ra một giải pháp thay thế cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Có thể nói, chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Joko Widodo cho thấy quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng giữa Trung Quốc và Indonesia. Và đằng sau đó là vị trí chiến lược ngày càng nổi bật của Đông Nam Á và sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc tạo dựng ảnh hưởng ở khu vực này.