Mảnh đất hội tụ nhiều giá trị khác biệt
Làm việc với tỉnh Ninh Thuận ngày 17/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ninh Thuận là mảnh đất hội tụ nhiều giá trị khác biệt. Quả đúng như vậy. Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí thuận lợi nằm trên giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung Bộ.
Ninh Thuận thu hút 15 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 14.000 tỷ đồng - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam chia sẻ trong buổi họp báo. (Nguồn: Báo Ninh Thuận) |
Diện tích tự nhiên 3.358 km2, dân số 595.850 người; Ninh Thuận có 7 đơn vị hành chính (1 thành phố, 6 huyện); trong đó dân tộc thiểu số chiếm 23%, chủ yếu là dân tộc Chăm, Raglai và một số dân tộc thiểu số khác với nhiều nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, bốc hơi mạnh, độ mặn nước biển cao; tốc độ gió lớn nhất cả nước (trung bình 7,5m/s); ngoài ra, số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước với cường độ bức xạ khá lớn. Ninh Thuận là địa bàn có điều kiện lý tưởng để phát triển năng lượng sạch (năng lượng gió và mặt trời) và công nghiệp sản xuất muối…
Bên cạnh đó, khí hậu khô hạn đã tạo cho Ninh Thuận có thể phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù có năng suất, chất lượng cao, sản xuất được quanh năm. Ngoài cây nho với sản lượng hàng năm ổn định từ 60.000 - 65.000 tấn dùng cho chế biến rượu nho, nho khô... các sản phẩm khác như mía, táo, tỏi, ớt, thịt gia súc (bò, dê, cừu)... với sản lượng lớn, có thể mở rộng quy mô, diện tích, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Ninh Thuận cũng là tỉnh nằm trong vùng du lịch trọng điểm của cả nước, có bờ biển dài 105 km với nhiều bãi tắm đẹp và nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy, môi trường nước biển trong sạch, thời tiết nắng ấm quanh năm. Vì vậy, tỉnh có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch biển.
Toàn cảnh thành phố Phan Rang. (Nguồn: Báo Ninh Thuận) |
Song song với đó, cơ sở hạ tầng giao thông và thủy lợi tại Ninh Thuận được đầu tư cơ bản đồng bộ, đã hình thành một số tuyến đường giao thông quan trọng, tạo kết nối góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như tuyến đường ven biển, đường vành đai, đường đôi vào hai đầu thành phố...
Nhiều dự án động lực quy mô lớn được Ninh Thuận đẩy nhanh tiến độ như Cảng Cà Ná có thể tiếp nhận tàu 100.000 tấn, các dự án du lịch. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận có 49 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 3.035 MW với quy mô nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, phát điện trên 4,7 tỷ kWh đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hiện tại, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và đồng ý bổ sung các khu du lịch Bình Tiên - Vĩnh Hy, Cà Ná - Mũi Dinh vào các Khu du lịch quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng tổng hợp Cà Ná, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW... sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội; góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế, thu hút nhiều dự án đầu tư vào Ninh Thuận.
Hợp tác, cùng phát triển với Ấn Độ
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Ấn Độ và Ấn Độ là đối tác lớn thứ 7 của Việt Nam, đây được xem về mối quan hệ hợp tác toàn diện với rất nhiều cơ hội kinh doanh mở ra cho doanh nghiệp của cả 2 nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng. |
Năm 2022, tỉnh xác định tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là “Ninh Thuận là điểm đến của Việt Nam trong tương lai”. Vì vậy, định hướng phát triển chính của Ninh Thuận dựa trên 6 nhóm ngành trụ cột là: năng lượng tái tạo; du lịch; nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; xây dựng và kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo.
Đoàn Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận. |
Bên cạnh đó, Ninh Thuận chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ tập trung vào phát triển hai nhà máy điện hạt nhân sang phát triển năng lượng tái tạo; trong đó tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời và dự án động lực thay thế nhà máy điện hạt nhân phù hợp với định hướng Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tính đột phá như năng lượng, du lịch; các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng sạch, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, kinh tế đô thị… Và Ấn Độ là một trong những nhà đầu tư tiềm năng mà Ninh Thuận muốn hướng đến.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 2 dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Ấn Độ, với tổng vốn đầu tư 2.265 tỷ đồng, thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đó là Dự án Nhà máy điện mặt trời Adani Phước Minh do Liên doanh Công ty Adani Green Energy (VIETNAM) Pte.Ltd (thuộc Tập đoàn Adani) và Công ty Cổ phần TSV làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng và Dự án Nhà máy điện gió Phước Minh do Liên doanh Công ty cổ phần TSV (Việt Nam) và Công ty Adani Renewables Pte. Ltd (thuộc Tập đoàn Adani, Ấn Độ) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 965 tỷ đồng.
Nhà máy điện mặt trời Adani Phước Minh do Tập đoàn Adani - Ấn Độ liên doanh đầu tư. |
Thời gian tới, Ninh Thuận mong muốn được kết nối, hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín của Ấn Độ về các lĩnh vực như: Khu sản xuất chế tạo thiết bị tuabin gió, Khu tái chế tấm pin năng lượng mặt trời, Lĩnh vực đầu tư điện mặt trời nối lưới, Lĩnh vực điện gió ven biển, Lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Lĩnh vực điện gió trên biển. Đồng thời, hoạt động xuất nhập khẩu nông, thủy sản cũng là lĩnh vực mà Ninh Thuận muốn đẩy mạnh hợp tác với nhà đầu tư Ấn Độ.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ninh Thuận đã và đang sẵn sàng hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi, dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Ấn Độ đến đầu tư và hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao.