Nợ công của Mỹ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 2/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo về tình hình tài chính, trong đó có vấn đề nợ công - nguồn cơn gây căng thẳng ở Washington. Cụ thể, tổng nợ của chính phủ liên bang vượt mức 34 nghìn tỷ USD. Với số nợ này, mỗi công dân phải "gánh" khoảng 100.000 USD và mỗi hộ gia đình gần 260.000 USD.
Bà Maya MacGuineas - Chủ tịch Ủy ban về Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB - một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận) gọi con số kỷ lục nói trên là “một ‘thành tích’ thực sự đáng buồn”.
Bà nói: “Mặc dù mức nợ của chúng ta là nguy hiểm cho cả nền kinh tế và an ninh quốc gia, nhưng nước Mỹ không thể ngừng vay mượn”.
Điều đáng lo ngại nữa là nợ quốc gia đang tăng trong thời điểm nền kinh tế tương đối mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Đây được coi là thời điểm tốt để kiềm chế thâm hụt liên bang.
Tháng 6/2023, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng, nợ công sẽ lên mức kỷ lục, tương đương 181% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ vào năm 2053.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, nợ chính phủ của Trung Quốc tính đến hết năm ngoái vào khoảng 14 nghìn tỷ USD, chưa bằng một nửa nợ công của Mỹ. Xét về tỉ lệ phần trăm so với GDP, nợ công của Mỹ lên tới hơn 123%, trong khi con số này ở Trung Quốc chỉ là 83%.
"Nợ công của Mỹ tương đương với tổng nợ của 5 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp và Italy", các chuyên gia đánh giá.
Khoản nợ quốc gia Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây. Đảng Cộng hòa cho rằng, các chương trình chi tiêu liên bang do chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ là quá đắt đỏ. Trong khi đó, Đảng Dân chủ cho rằng, việc cắt giảm thuế do Đảng Cộng hòa hậu thuẫn vào năm 2017 đã làm giảm doanh thu.
Các gói cứu trợ Covid-19 cũng góp phần làm gia tăng khoản nợ. Chính phủ đã vay mượn rất nhiều dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden để ổn định nền kinh tế và hỗ trợ phục hồi. Nhưng sự phục hồi đi kèm với lạm phát gia tăng đã đẩy lãi suất lên cao và khiến chính phủ phải trả chi phí tốn kém hơn để trả nợ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Michael Kikukawa cho biết, số tiền nợ tăng lên “được thúc đẩy chủ yếu bởi các khoản tặng quà lặp đi lặp lại của Đảng Cộng hòa nghiêng về các tập đoàn lớn và những người giàu có”, dẫn đến việc cắt giảm an sinh xã hội, gây tổn hại cho người dân nước Mỹ.
Theo hãng thông tấn ABC, mức nợ quốc gia hiện dường như không phải là gánh nặng đối với nền kinh tế Mỹ bởi các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng cho chính phủ liên bang vay tiền. Các khoản cho vay cho phép Washington tiếp tục chi tiêu cho các hoạt động mà không cần phải tăng thuế.
Dù vậy, hãng tin AP nhận định, con đường nợ nần trong những thập niên tới có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và các chương trình lớn của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đơn cử như ảnh hưởng tới an sinh xã hội và Medicare - vốn đã trở thành động lực nổi bật nhất trong dự báo chi tiêu chính phủ.
Những quốc gia chủ nợ của Mỹ - như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia châu Âu – cũng đã cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ.
Michael Peterson, Giám đốc điều hành của Peterson Foundation nhận định: “Trong tương lai, nợ sẽ tiếp tục tăng vọt khi Kho bạc Mỹ dự kiến sẽ vay thêm gần 1 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3. Việc tăng thêm hàng nghìn tỷ USD nợ nần từ năm này qua năm khác sẽ là một dấu hiệu 'cảnh báo đỏ' với bất kỳ nhà hoạch định chính sách nào quan tâm đến tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới".
Hiện tại, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều kêu gọi giảm nợ. Tuy nhiên, hai Đảng chưa đưa ra phương pháp thích hợp để thực hiện việc đó.
Ví dụ, chính quyền ông Biden và đảng Dân chủ đang thúc đẩy tăng thuế đối với người giàu và các tập đoàn để giảm thâm hụt ngân sách, bên cạnh việc tài trợ cho chương trình nghị sự trong nước của mình.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã kêu gọi cắt giảm lớn các chương trình phi quốc phòng của chính phủ và bãi bỏ các khoản tín dụng và chi tiêu thuế năng lượng sạch được thông qua trong Đạo luật Giảm lạm phát.