Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố kế hoạch tổ chức hội nghị "Những người bạn" về các vấn đề AI tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng OECD tại Paris, ngày 2/5. (Nguồn: Kyodo) |
Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản tìm cách thiết lập một khuôn khổ toàn cầu mới nhằm thảo luận các quy tắc quốc tế về việc sử dụng công nghệ AI sao cho phù hợp.
Ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang tìm cách kiểm soát việc khai thác các công cụ AI tạo sinh vốn trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn đối mặt với rủi ro lan truyền thông tin sai lệch đe dọa sự ổn định chính trị.
Thúc đẩy các sáng kiến
Tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Thủ đô Paris của Pháp hồi đầu tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố kế hoạch tổ chức hội nghị "Những người bạn" về các vấn đề AI – một khuôn khổ đối thoại mới về quản lý công nghệ AI. Thông qua khuôn khổ mới này, Nhật Bản kêu gọi các nước nhất trí hợp tác để tìm cách ngăn chặn những rủi ro mà công nghệ này có thể gây ra, nhằm bảo đảm đạt được mục đích chung là tận dụng những cơ hội mà AI đem lại một cách an toàn và đáng tin cậy. Đây có thể được coi là ví dụ mới nhất về chính sách ngoại giao AI của Nhật Bản.
Trở lại năm 2016, với tư cách là Chủ tịch của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Ise-Shima, chính phủ Nhật Bản đã đề xuất các quy tắc cơ bản cho nghiên cứu và phát triển AI tại cuộc họp của các bộ trưởng G7 phụ trách công nghệ thông tin và truyền thông.
Năm ngoái, khi Nhật Bản một lần nữa là quốc gia chủ nhà G7, chính phủ ông Kishida đã đưa ra sáng kiến mang tên “Quy trình AI Hiroshima” tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5/2023.
5 tháng sau đó, vào tháng 10/2023, các nước G7 đã nhất trí các nguyên tắc hướng dẫn và một Bộ quy tắc ứng xử cho những nhà phát triển hệ thống tiên tiến nhằm ngăn chặn việc lạm dụng AI và các vi phạm quyền riêng tư liên quan đến lĩnh vực này, bao gồm cả việc sử dụng ChatGPT.
Thủ tướng Kishida, với tư cách là đại diện nước Chủ tịch G7, đã đăng trên X (trước đây là Twitter) rằng Nhật Bản sẽ “tiếp tục làm việc để xây dựng quy tắc quốc tế về AI có tính sáng tạo”. Vào tháng 12/2023, dựa trên “Quy trình AI Hiroshima”, G7 đã công bố bộ quy tắc quốc tế toàn diện đầu tiên về AI tiên tiến.
Ở trong nước, Hội đồng chiến lược AI của chính phủ Nhật Bản chịu trách nhiệm về việc sử dụng và các biện pháp quản lý AI, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan. Hội đồng chiến lược AI đã họp tám lần dưới sự điều hành của Văn phòng Nội các kể từ ngày 11/5/2023.
Tháng 12/2023, chính phủ Nhật Bản trình bày dự thảo hướng dẫn sử dụng AI dành cho các doanh nghiệp liên quan, bao gồm các quy định phù hợp với quy tắc hướng dẫn quốc tế của G7. Ngày 14/2/2024, Viện An toàn AI Nhật Bản được thành lập, thúc đẩy nghiên cứu về các phương pháp đánh giá độ an toàn AI cùng với các bộ, cơ quan trong và ngoài nước.
Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến “Quy trình AI Hiroshima” tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Đề cao hợp tác để quản lý công nghệ AI
Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Kishida đề cập công nghệ AI. Trong đó khẳng định cam kết tăng cường vai trò chung của Mỹ và Nhật Bản với tư cách là những nhà lãnh đạo toàn cầu trong phát triển, bảo vệ các công nghệ quan trọng và mới nổi thế hệ tiếp theo như AI. Ngoài ra, ông Biden và ông Kishida cũng tuyên bố hai nước cam kết thúc đẩy “Quy trình AI Hiroshima”, tăng cường hợp tác giữa các Viện An toàn AI của mỗi quốc gia.
Hợp tác song phương Nhật-Mỹ về công nghệ AI có ý nghĩa chiến lược đối với khoản đầu tư của Trung Quốc vào AI, cũng như các quy định toàn diện đầu tiên về AI trên thế giới được Liên minh châu Âu (EU) thông qua vào tháng 3/2024.
Tại cuộc họp cấp bộ trưởng của OECD, Thủ tướng Kishida phát biểu về AI tạo sinh với 5 điểm chính. Một là, xác nhận khái niệm cơ bản và tầm quan trọng của công nghệ AI mà cộng đồng quốc tế đang quan tâm. Hai là, đề xuất thiết lập một khuôn khổ quốc tế để quản lý công nghệ AI với sự hợp tác của các nước OECD. Ba là, chỉ ra rằng công nghệ AI có lợi cho toàn thể nhân loại trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu. Bốn là, cộng đồng quốc tế cần hợp tác để giải quyết các khía cạnh tiêu cực của AI, chẳng hạn như thông tin sai lệch và các vấn đề nhân quyền. Năm là, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tính hiệu quả của “hồ sơ người khởi tạo” (OP) như một trong những giải pháp giảm thiểu rủi ro của công nghệ AI.
Đồng thời, chính quyền ông Kishida cũng tìm cách xây dựng các quy định pháp lý riêng của Nhật Bản dành cho các doanh nghiệp AI. Việc phát triển và sử dụng các công cụ AI được quy định bởi các luật hiện hành của Nhật Bản, như Luật bản quyền, Luật bảo vệ thông tin cá nhân, Luật ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, Luật chống độc quyền, Luật thúc đẩy an ninh kinh tế và Luật luật sư. Đặc biệt, Hiệp hội biên tập và xuất bản báo chí Nhật Bản đã yêu cầu các biện pháp nghiêm ngặt và việc giới thiệu OP như một “công nghệ kỹ thuật số xác định rõ ràng người gửi thông tin” đã được cân nhắc như một biện pháp hiệu quả chống lại các vấn đề liên quan đến AI.
Thế giới đang tìm cách kiểm soát việc khai thác các công cụ AI tạo sinh đang phát triển nhanh chóng. (Nguồn: Getty) |
Phòng ngừa những rủi ro an ninh
Trong số các vấn đề do AI đặt ra, các rủi ro an ninh quốc gia cần được thảo luận và giải quyết tỉ mỉ trong khuôn khổ các quy định pháp luật ở cả trong nước và quốc tế.
Tại Nhật Bản, Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền đã xem xét các khía cạnh an ninh quốc gia của công nghệ AI trong “Sách trắng AI” được soạn thảo và công bố vào tháng 4/2023. Cụ thể, sách trắng lưu ý “rủi ro khi sử dụng AI cho mục đích quân sự, rủi ro về các cuộc tấn công mạng, rủi ro rò rỉ dữ liệu và công nghệ ra nước ngoài, rủi ro thông tin sai lệch đe dọa an ninh quốc gia thông qua thao túng thông tin, rủi ro các sản phẩm AI có khả năng gián điệp lọt vào thị trường trong nước…”.
LDP cân nhắc kỹ lưỡng các quy định pháp lý về công nghệ AI, đồng thời hỗ trợ tích cực cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ AI. Với tư cách là chủ tịch LDP, Thủ tướng Kishida đã có bài giảng về AI sáng tạo tại Đại học Tokyo vào tháng 8/2023.
Đáng chú ý, đảng LDP đang tận dụng công nghệ này trong các chiến dịch vận động. Tấm áp phích mới với khẩu hiệu “Phục hồi kinh tế: Mang lại kết quả hữu hình” đã được làm ra bởi AI sáng tạo và được đảng LDP phát triển. “Sách trắng AI” năm 2024 của đảng này lập luận rằng chính phủ Nhật Bản nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới công nghệ AI như một chiến lược AI quốc gia mới.
Mặc dù vậy, hiện Nhật Bản vẫn chưa có quy định pháp lý toàn diện về công nghệ AI. Không giống như Anh và EU, Nhật Bản cho phép sử dụng các tác phẩm có bản quyền của AI cho mục đích thương mại, bao gồm cả việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền hoặc thu lại bất hợp pháp. Hiện Nhật Bản không có hình phạt nào đối với việc truyền bá thông tin sai lệch hoặc tin tức giả mạo do các công cụ AI tạo ra. Vì lý do này, Nhật Bản được mệnh danh là “thiên đường sao chép” cho người dùng AI. Trước tình hình này, LDP đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản tạo khung pháp lý cho các quy định về AI sáng tạo trong năm tài chính 2024.
Mặt khác, điều quan trọng đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế là phải kiểm soát và cấm phát triển các hệ thống vũ khí tự động gây chết người (LAWS), vốn có khả năng gây ra “ngày tận thế AI”. Để đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu về các quy định và đổi mới AI, cũng như các quy định toàn cầu về LAWS, chính quyền ông Kishida dự kiến xây dựng khung pháp lý riêng cho các quy định về AI trước tiên.
Ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ chiến lược, Nhật Bản cần hợp tác không chỉ với Mỹ, EU mà còn với Trung Quốc để quản lý AI, cũng như tạo ra khuôn khổ ràng buộc về mặt pháp lý để điều chỉnh việc phát triển LAWS nhằm chuẩn bị đối phó với những nguy cơ từ công nghệ trong tương lai không xa.