Toàn cảnh Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/CP và 83/CP về kinh doanh xăng dầu", ngày 14/2 tại Hà Nội. (Nguồn: VnEconomy) |
Nhiều băn khoăn của doanh nghiệp và góc nhìn của cơ quan quản lý về vấn điều hành và kinh doanh xăng dầu đã được đưa ra tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/CP và Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu", ngày 14/2. Sự kiện do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức.
Áp dụng mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm trưởng Ban pháp chế VCCI - nhận định, xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia. Điều hành giá xăng dầu là khó khăn.
Giá cao có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngược lại nếu giá sát với chi phí, thấp hơn thì sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh.
Khẳng định cần sửa đổi dự thảo phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, dù vậy, ông Tuấn cho rằng, việc áp dụng mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế. Lấy dẫn chứng vụ việc vừa qua cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm trước tình trạng cây xăng đóng cửa, ông Tuấn nhìn nhận đây là giải pháp tình thế.
"Tôi nghe doanh nghiệp kể rằng vài chục năm qua chưa bao giờ có chuyện lỗ vẫn phải bán, bỏ tiền nhà ra để duy trì bán hàng. Đó là khó khăn của doanh nghiệp", ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn nêu quan điểm, thể chế cần phải tạo động lực cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh. Do đó, việc xây dựng nghị định cần đáp ứng nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp.
Còn ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc sửa Nghị định cần đảm bảo sát thực tiễn, diễn biến thị trường, quản lý nhà nước hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, quan trọng, ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, một trong những cân đối lớn. Do đó, quản lý kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo tính cạnh tranh nhưng bàn tay quản lý đến đâu để hài hòa các mục tiêu trên là cần thiết.
Bối cảnh năm 2022 với diễn biến thị trường khác biệt, biến động chính trị tác động đến thị trường năng lượng, gồm cả giá cả và nguồn cung, gây đứt gãy cục bộ, ảnh hưởng cung cầu, giá cả với tần suất lớn… đặt ra thách thức trong kinh doanh bài toán quản trị cực khó, cũng như ứng xử, quản trị chính sách đảm bảo tính điều hành linh hoạt.
Việc xây dựng dự thảo là cơ hội để tư duy, nhìn nhận lại cách thức điều hành mặt hàng xăng dầu, công cụ quản lý của Nhà nước, quan hệ cung cầu, cạnh tranh, Nhà nước nên can thiệp đến đâu hay để thị trường tự quyết định. Mục tiêu là để thị trường đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cầu xăng dầu, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh và cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Kinh doanh xăng dầu phải theo cơ chế thị trường
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Cung khuyến nghị, cần phải nhanh chóng để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
“Giá xăng dầu thế giới biến động theo giờ, và hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước cũng đều đã phản ánh tất cả những biến động của thị trường thế giới. Hãy cho doanh nghiệp tự kinh doanh, đừng quy định thời gian điều chỉnh, đừng quy định khoảng cách mở cây xăng, đừng bắt trích quỹ bình ổn giá… Với những trường hợp vùng sâu vùng xa, khó khăn, nên trợ giá trực tiếp cho họ”, ông Cung đề xuất.
Về phương hướng sửa đổi Nghị định, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu ra phương án là giữ nguyên quy định như hiện hành nhưng sẽ rà soát các chi phí phát sinh; cũng như phương án doanh nghiệp tự quyết định và công bố giá bán lẻ, các bộ, ngành sẽ giám sát. Thời gian công bố giá được nêu ra phương án là giữ nguyên quy định là 10 ngày hoặc rút ngắn kỳ điều hành còn 7 ngày.
Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra các phương án trong sửa đổi quy định về chiết khấu tối thiểu, việc cho phép đại lý bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân đầu mối, việc giao một đầu mối quản lý với xăng dầu, vấn đề quỹ bình ổn, phân giao tổng nguồn tối thiểu và dự trữ lưu thông bắt buộc…
Cần tiếp thu rộng rãi ý kiến doanh nghiệp
Tại Hội thảo, 32 doanh nghiệp phân phối xăng dầu cùng kiến nghị, Bộ Công Thương không nên vội vàng sửa đổi, bổ sung hai Nghị định trên mà nên tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu một cách rộng rãi (gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các hệ thống bán lẻ) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Theo các doanh nghiệp, trước mắt, thực hiện các quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu, đảm bảo ổn định kế hoach sản xuất kinh doanh. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Đồng thời nghiên cứu, học kinh nghiệm điều hành kinh doanh xăng dầu của các nước, nhất là các nước có điều kiện tương tự Việt Nam để Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ cho sản xuất, đời sống, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo các doanh nghiệp này, trước mắt, thực hiện các quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu, đảm bảo ổn định kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong đó, giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu “Được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo Hợp đồng mua bán xăng dầu” (Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021).
Đồng thời, giữ nguyên quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ như Thứ 7- Chủ nhật – ngày Lễ - Tết (theo Điểm c, khoản 1, Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014).