Làm bảo tàng không đơn giản
Theo ông Zhang Zhongpei, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cung điện Quốc gia, “vào cuối những năm 1980, khách tham quan phải trả 1 NDT (Nhân dân tệ) để được vào thăm Bảo tàng. Ở thời điểm đó, đây là số tiền không nhỏ bởi thu nhập mỗi tháng của người dân địa phương chỉ khoảng vài chục NDT. Tuy nhiên, du khách vẫn nườm nượp ghé thăm Bảo tàng, kể cả khi giá vé tham quan nơi này đã tăng gấp 3 lần vào năm 1988.
Tuy nhiên, để khiến Bảo tàng trở thành nơi “nhất thiết phải ghé thăm” tại Trung Quốc như ngày nay thì các cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã trải qua một quá trình hoàn thiện bộ sưu tập mẫu vật hết sức vất vả. Ông Zhang nhớ lại, để có được con số khổng lồ những đồ tạo tác (mẫu vật) hiện nay, Bảo tàng Cố cung đã phải rất khó khăn mới thu thập được do các mẫu vật bị phân tán ở nhiều nơi hoặc bị các cơ quan khác chiếm dụng.
Trong thế kỉ XXI, sự thiếu hoàn chỉnh của đồ tạo tác một vấn đề lớn. Nói về điều này, ông Zheng Xinmiao - Giám đốc Bảo tàng giai đoạn 2002 - 2012, chia sẻ: “Năm 2002, tôi để ý thấy một lỗ nhỏ trên yên ngựa của một vị hoàng đế nên đã hỏi nhân viên về chuyện này. Cậu ta nói rằng, trước đây, một chiếc đồng hồ được gắn ở vị trí đó nhưng nó đã bị tháo ra để gửi đến một bảo tàng đồng hồ”. Qua đó, ông Zheng nhận ra tầm quan trọng của việc tập hợp để lưu giữ bộ sưu tập ở cùng một nơi và công việc này đã được tiến hành vô cùng vất vả.
Năm 2004, ông cùng các nhân viên của mình bắt đầu một quá trình kiên trì sắp xếp các hiện vật một cách hợp lí. Sau 6 năm, hàng nghìn đồ tạo tác đã được phân loại. Ông Zheng cho biết: “Nhiều người trong chúng tôi đã bật khóc khi công việc này hoàn thành”.
Lưu giữ toàn vẹn
Vào năm 2011, một loạt những sự việc đáng buồn đã liên tiếp xảy ra tại Bảo tàng Cố cung khi nhiều đồ tạo tác bị đánh cắp hoặc bị các du khách làm hư hại. Những sự cố này cho thấy sự quản lý của Bảo tàng và ý thức của khách tham quan chưa tốt.
Ông Shan Jixiang, Giám đốc đương nhiệm của Bảo tàng Cố cung cho biết: “Gần đây, chúng tôi đã phát triển một số sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo tàng như đưa thông tin trên mạng điện thoại di động. Nhờ tập trung quảng bá thương hiệu và thực hiện những cải cách. Nhờ đó, Bảo tàng đã thu được hơn 700 triệu NDT lợi nhuận trong năm 2014.
Ông Shan cho biết thêm: “Chúng tôi đã chụp hàng ngàn bức ảnh hiện vật trong Bảo tàng và tiến hành kiểm tra bất cứ khi nào chúng tôi cảm thấy có chuyện gì đó không ổn. Khi đó, các nhân viên sẽ sử dụng các bức ảnh để so sánh với hiện trạng nhằm phát hiện những thay đổi”.
Kể từ khi được bổ nhiệm vào đầu năm 2012 đến nay, ông Shan đã đi mòn hơn 20 đôi giày vải để tuần tra gần 9.000 căn phòng nhằm nắm rõ hiện trạng của Bảo tàng. Khi được hỏi về tương lai của Bảo tàng, từ đầu tiên mà ông Shan nói chính là “sự toàn vẹn”: “Đó chính là chìa khóa giữ cho một bảo tàng tồn tại lâu bền và đảm bảo sự thú vị đối với du khách. Tôi chỉ hi vọng, chúng tôi có thể duy trì sự nguyên vẹn của Bảo tàng thêm 90 năm nữa” – ông nói.
Nhân dịp kỉ niệm 90 năm thành lập, Bảo tàng Cố cung sẽ mở nhiều khu vực tham quan hơn và trưng bày những hiện vật vô giá để phục vụ công chúng. Trong 4 khu vực mới sẽ được mở cửa có lăng tẩm của một Hoàng hậu.Cố Cung - nằm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc - từng là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh của nước này. Viện bảo tàng nằm trong Cố Cung được gọi là Bảo tàng Cố Cung (Cố Cung bác vật viện). Diện tích Tử Cấm Thành là 720.000 m², gồm 800 cung, với 8.886 phòng. UNESCO đã xếp Cố Cung vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới của Trung Quốc vào năm 1987. |
CKT
(theo China Daily)