Cảnh trong vở Thượng Thiên Thánh Mẫu. (Ảnh: K.T) |
Anh đã có tới 45 kịch bản tuồng, chèo, cải lương, kịch nói được các nhà hát, đơn vị nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn, trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao.
Mới đây, anh được trao giải thưởng dành cho các tác phẩm có đề tài phòng, chống Covid-19 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và cùng một lúc nhận 3 giải thưởng trong cuộc thi "Bình chọn các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19".
Tác giả "đắt giá" của sân khấu truyền thống
Vở ca kịch xiếc “Thượng Thiên Thánh Mẫu” do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Theo kế hoạch, vở diễn sẽ được biểu diễn phục vụ công chúng vào các ngày 6, 7, 8 Tết Nhâm Dần (tức ngày 6, 7, 8/2/2022) tại Rạp Xiếc Trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội.
Ít ai biết, kịch bản vở ca kịch xiếc này do cặp vợ chồng nghệ sỹ là soạn giả Lê Thế Song và vợ là nghệ sỹ Xuân Hồng cùng nhau “song kiếm hợp bích” để xây dựng nên. Nói về quá trình sáng tác kịch bản “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, tác giả Lê Thế Song cho biết, anh và vợ - nghệ sỹ Xuân Hồng phối hợp, người viết, người đưa ra những ý tưởng.
“Vợ tôi là người có nhiều ý tưởng và cô ấy đưa ra được nhiều ý tưởng rất quý, rồi cả hai chúng tôi cùng bồi đắp cho tác phẩm đó hoàn thiện hơn. Trước đây, Xuân Hồng học về cải lương, nên việc bố trí để đưa các làn điệu vào vở cũng hợp lý hơn tôi. Vợ chồng tôi cùng ngồi với nhau sáng tạo ra đề cương khung kịch bản, chia lớp và cảnh xong chúng tôi mới làm chi tiết. Nhiều lúc thuận vợ thuận chồng, nhưng cũng có lúc ‘biển động dữ dội’ do chưa đồng quan điểm”, soạn giả Lê Thế Song vui vẻ nói.
Không chỉ với vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, mà cặp vợ chồng nghệ sỹ Lê Thế Song - Xuân Hồng còn đồng hành cùng nhau trong nhiều sự kiện, thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật và cho ra mắt nhiều tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn. Trong đó, có nhiều bài hát dân ca thuộc các thể loại chèo, cải lương… do Lê Thế Song soạn lời đã do vợ anh - nghệ sĩ Xuân Hồng biểu diễn và lan tỏa rộng rãi đến công chúng.
Chia sẻ lý do hai vợ chồng luôn đồng hành cùng nhau trong các sự kiện và cùng thực hiện nhiều tác phẩm, soạn giả Lê Thế Song kể, anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê châu thổ sông Hồng, tỉnh Hà Nam. Làng Ngò quê anh có một chiếu chèo nổi tiếng. Hà Nam có câu "Rượu Bèo chèo Ngò" là nói về chiếu chèo này.
Từ nhỏ lớn lên trên chiếu chèo này, những tích cũ, những trò diễn dân gian đã thấm đẫm và nuôi dưỡng tâm hồn anh từ thủa thơ bé. Sau này khi trưởng thành, anh tham gia nhiều việc, trong đó có sáng tác các bài hát cho các đội chèo.
Vợ anh - nghệ sĩ Xuân Hồng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ là diễn viên cải lương, bố là là nhà viết kịch sân khấu nổi tiếng Hoàng Luyện, người đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Gắn bó với nghệ thuật từ nhỏ, sau này lớn lên, Xuân Hồng theo học nghệ thuật cải lương tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sau này, hai vợ chồng cùng học và bảo vệ thạc sỹ nghệ thuật chuyên ngành biên kịch và cùng nhau tham gia hoạt động nghệ thuật.
Tác giả Lê Thế Song cho biết, nhiều năm nay anh vẫn luôn kết hợp với bà xã là nghệ sĩ Xuân Hồng đi làm cho nhiều dự án nghệ thuật ở nhiều địa phương, từ Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Hòa Bình, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên… Những chuyến đi ấy đã giúp anh có thêm vốn sống, thêm hiểu biết về văn hóa của các vùng đất, dần dần những vốn văn hóa ấy tích lũy, thêm chất liệu để anh sáng tác.
Không chỉ có chèo, tuồng, cải lương, vợ chồng anh còn tìm hiểu nhiều về hát Then, dân ca các tỉnh… Thâm nhập thực tế càng nhiều, vốn sống, vốn văn hoá về các vùng đất càng dày hơn, càng say viết hơn.
Năm 2011, Lê Thế Song bước vào con đường chuyên nghiệp sau khi học lớp Biên kịch kịch hát dân tộc. Đến nay, sau 10 năm tốt nghiệp, lớp Biên kịch ấy chỉ còn có vợ chồng anh là người theo nghề.
“Cả 2 vợ chồng tôi đều say viết. May mắn là chúng tôi có nhiều kịch bản được nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở Trung ương và địa phương chọn dàn dựng, được giải thưởng tại nhiều liên hoan, cuộc thi, được khán giả đón nhận nên chúng tôi động viên nhau càng phải cố gắng hơn nữa”, soạn giả Lê Thế Song chia sẻ.
Hiện nay, Lê Thế Song là một trong những tác giả có số lượng kịch bản được các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương đặt hàng và dàn dựng nhiều.
Đến nay, anh đã có khoảng 45 kịch bản được gần 20 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và các nhà hát trong cả nước dàn dựng. Trong đó, nhiều tác phẩm tham gia các cuộc thi và giành giải cao như: 2 Huy chương Vàng với vở cải lương “Râu bể kiếp tằm” và “Kiếp tằm” tại Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc, 1 giải quốc tế tại Festival nghệ thuật châu Á với vở tuồng “Dưới bóng đa huyền thoại”, Giải đặc biệt của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam về đề tài cách mạng với vở chèo “Giai điệu Tổ quốc”.
Trong Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2019 tại Bắc Giang, tác giả Lê Thế Song có tới 6 vở được các nhà hát dàn dựng và mang đi dự thi và có 4 vở đoạt Huy chương Bạc…
Năm 2021 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tác giả Lê Thế Song cũng có 4 tác phẩm được dựng gồm: Vở “Nguyễn Văn Cừ: Tuổi trẻ chí lớn” về cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ của Nhà hát chèo Quân đội; Vở “Cây gậy thần” (kịch bản văn học của cố tác giả Hoàng Luyện) của Nhà hát chèo Thái Bình; chuyển thể vở “Người mẹ Hà Thành” của Nhà hát chèo Hà Nội và vở cải lương xiếc “Thượng thiên Thánh Mẫu” của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Hơn 40 tác phẩm về phòng chống Covid-19
Không chỉ viết kịch bản sân khấu, Lê Thế Song còn tham gia viết nhiều ca khúc về đề tài phòng, chống dịch Covid-19. Trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, anh đã viết khoảng 40 bài hát thuộc các thể loại dân ca như chèo, cải lương, quan họ có chủ đề về phòng, chống Covid-19. Các tác phẩm của anh đều có nội dung ca ngợi các lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu và kêu gọi sự đoàn kết, tương thân tương ái, vững niềm tin vào Đảng và Chính phủ trong công tác chống dịch…
Tác giả Lê Thế Song chia sẻ, là một người viết cho sân khấu, anh không thể đứng ngoài cuộc với những vấn đề lớn lao của đất nước, của dân tộc, đặc biệt là không thể đứng ngoài những biến cố xảy ra với người dân như đại dịch Covid-19. Hầu như lúc nào, trong suy nghĩ, trong trái tim anh cũng luôn đáu đáu những ca từ để viết lên những bài ca về đề tài phòng, chống đại dịch Covid-19.
Tin liên quan |
Kinh nghiệm ngoại giao văn hoá của Mỹ và bài học đối với Việt Nam |
Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, khi đọc các tin tức về dịch bệnh, về sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, rồi những câu chuyện đau thương xảy do dịch bệnh, trong đó có nhiều người là bạn bè, người quen khiến anh xúc động. Ban đầu, anh chỉ định làm MV để động viên, chia sẻ và khích lệ những người đang ở tuyến đầu chống dịch như y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an, dân phòng… đồng thời cổ động người dân ý thức hơn trong phòng chống dịch.
MV "Bắc Ninh, Bắc Giang niềm tin chiến thắng", anh kết hợp giữa quan họ và cải lương, được Nghệ sỹ Nhân dân Tự Long ca với nghệ sỹ Xuân Hồng - vợ anh. Tác phẩm này ra đời đúng lúc Bắc Giang dịch đang bùng phát nên đã có tới 3 triệu lượt xem, 14.000 lượt chia sẻ.
Thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh căng thẳng chống dịch, anh cũng viết 3 tác phẩm. Dịch lan tới Long An anh viết 2 bài tặng cho Long An. Dịch lan ra Hà Nam, anh sáng tác và sản xuất luôn MV về sự "chia lửa" với Hà Nam của các địa phương bạn.
Khi dịch bệnh ở miền Nam phức tạp, các đơn vị ngoài Bắc vào chi viện, nhìn hình ảnh những đoàn xe Nam tiến, anh rất xúc động, nên đã viết tác phẩm "Mệnh lệnh từ trái tim". Tác phẩm này sau đó đoạt 2 giải trong cuộc thi Bình chọn các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, gồm 1 giải bình chọn nhiều nhất và 1 giải Nhì của Ban Giám khảo. Tác phẩm Chèo "Tình anh người chiến sỹ" của anh đoạt giải Ba trong cuộc thi này cũng từng đạt giải A ở cuộc thi sáng tác đề tài phòng chống Covid-19 của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam… Theo tác giả Lê Thế Song, đây là sự động viên rất lớn đối với 2 vợ chồng anh, là động lực để anh tiếp tục sáng tác và cho ra đời những tác phẩm âm nhạc có giá trị.
Nói về kế hoạch sáng tác trong năm 2022, tác giả Lê Thế Song cho biết, anh đang ấp ủ để viết kịch bản cho Nhà hát Chèo Nam Định - vở diễn về về cố Tổng Bí thư Trường Chinh, một vở của Nhà hát Chèo Bắc Giang về huyền tích chùa Am Vãi, danh thắng nổi tiếng phía Tây Yên Tử. Đoàn Cải lương Long An cũng đặt hàng một vở về sự tích gạo Nàng Thơm. Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh đặt một vở về Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng - con trai của Đức Thánh Trần và một tác phẩm kịch múa về đề tài hiện đại.
Trước mắt, anh đang có một vở diễn chuẩn bị khởi công mang tên “Ngàn năm Diên Hựu tích” - vở truyền thuyết về Chùa Một Cột, về đạo Phật và câu chuyện vua Lý dùng đạo Phật để trị vì đất nước. Anh còn dự định sẽ viết một vở về Chùa Bà Đanh - danh thắng quê anh trong năm 2022 này.
Trả lời câu hỏi vì sao lại gắn bó với kịch hát dân tộc? Tác giả Lê Thế Song cho biết, nghệ thuật truyền thống là hồn cốt của dân tộc, nhưng hiện nay, sân khấu truyền thống có rất ít người làm và có phần mai một.
Chính vì vậy, anh luôn cố gắng và nỗ lực sáng tác với mong muốn “kéo” thêm được nhiều người quay lại với di sản truyền thống của dân tộc, với sân khấu kịch truyền thống và ngày càng có nhiều công chúng đón nhận nghệ thuật truyền thống, bởi đây chính là hồn cốt, là bản sắc văn hóa rất đáng tự hào của người Việt Nam.
“Hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi, cuộc sống bình thường trở lại để chúng tôi đi được nhiều hơn, viết được nhiều hơn, có nhiều tác phẩm của chúng tôi đến được với công chúng. Việc tập trung sáng tác và kết nối các nghệ sĩ làm nghệ thuật cũng là cách mà chúng tôi đóng góp phần nhỏ bé của mình với cộng đồng, xã hội”, tác giả Lê Thế Song chia sẻ.
| Quảng Ninh nỗ lực gỡ nút thắt thông quan tại cửa khẩu với Trung Quốc, giảm thiệt hại cho người dân Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài để tránh ùn tắc hàng ... |
| GS. Nguyễn Thanh Liêm: Đã đến lúc nên xem Covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác Đề cập đến tình hình dịch tại nước ta, GS. Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) nêu quan điểm, không ... |