Ba nhà khoa học là chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2021. (Nguồn: Twitter) |
Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel Vật lý 2021 cho ba nhà khoa học Syukuro Manabe, Klaus Hasselmann và Giorgio Parisi “vì những đóng góp đột phá vào sự hiểu biết của giới khoa học về các hệ thống vật lý phức tạp".
Hai nhà khoa học Syukuro Manabe - sinh ngày 21/9/1931 ở Nhật Bản, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Princeton, Princeton, bang New Jersey, Mỹ - và Klaus Hasselmann - sinh ngày 25/10/1931 tại Đức, hiện làm việc tại Viện Khí tượng Max Planck, Hamburg, Đức - "chia nhau" nửa giải thưởng Nobel Vật lý 2021 “cho việc lập mô hình vật lý về khí hậu Trái đất, định lượng sự thay đổi và dự đoán chính xác về sự nóng lên toàn cầu".
Trong khi đó, nhà khoa học Giorgio Parisi - sinh ngày 4/8/1948 tại Italy, hiện đang công tác tại Đại học Sapienza của Rome, Italy - được trao một nửa giải thưởng Nobel Vật lý 2021 “vì đã khám phá ra sự tương hỗ giữa sự hỗn loạn và biến động trong các hệ thống vật lý từ quy mô nguyên tử đến hành tinh”.
Năm 2020, giải Nobel Vật lý thuộc về 3 nhà khoa học Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn và giúp giải mã những bí ẩn quan trọng trong vũ trụ, cụ thể là các nghiên cứu về hố đen và vật thể siêu nặng vô hình ở tâm dải ngân hà.
Trước đó, ngày 4/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2021 thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác".
Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Y sinh, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức.
Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel.
Alfred Nobel là nhà khoa học, nhà phát minh đại tài, chủ nhân của 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, ông đã đạt tới đỉnh cao của vinh quang và giàu có.
Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc gây kinh ngạc và khó hiểu cho mọi người khi ông chỉ dành một phần nhỏ gia tài của mình cho bạn bè và người thân để “khỏi tạo nên những kẻ lười biếng”.
Còn hầu hết toàn bộ tài sản ông đã được đem bán thành tiền mặt, tương đương với 70 triệu Krona Thụy Điển lúc đó, để gửi ngân hàng. Số tiền lãi hàng năm sẽ trích ra, chia làm 5 giải thưởng tặng “cho những người có đóng góp lớn nhất cho nhân loại” trên các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y sinh, Văn học và Hòa bình.
Trong các giải thưởng Nobel thì Giải Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển quyết định; Giải Y sinh do Ủy ban Nobel của Viện Karolinska quyết định; Giải Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.
Theo thông lệ hằng năm, các giải thưởng Nobel sẽ bắt đầu được xướng tên từ ngày 4/10, mở màn với giải Nobel Y học, và kết thúc vào ngày 11/10 với giải Nobel Kinh tế.