Chuyên đề do TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày.
Tham dự buổi nói chuyện có Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý; Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; toàn thể cấp ủy các đảng ủy, chi ủy trong Đảng bộ Bộ; đại diện Công đoàn, Đoàn thanh niên các đơn vị trong Bộ.
TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn giả chính tại buổi nói chuyện chuyên đề. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nội dung của buổi nói chuyện tập trung vào ba vấn đền lớn, bao gồm: Những đặc trưng cơ bản của cuộc CMCN 4, một số tác động của cuộc cách mạng này đến kinh tế - xã hội của Việt Nam và hàm ý chính sách.
Về đặc điểm của cuộc Cách mạng, TS. Nguyễn Thắng nhấn mạnh, CMCN 4 bắt đầu từ năm 2000, tập trung vào số hóa, kết hợp hệ thống thực và hệ thống ảo khiến ranh giới giữa ngành dịch vụ với nông nghiệp và công nghiệp bị thu hẹp. Cuộc cách mạng có quy mô và tốc độ phát triển chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực tương tác thúc đẩy lẫn nhau như công nghệ thông tin, công nghệ nano.
Theo ông Thắng, CMCN 4 tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại trên các lĩnh vực tiêu cùng, sản xuất và giá cả. Cuộc cách mạng cũng đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới. Cụ thể, các nền kinh tế thâm dụng công nghệ sẽ được hưởng lợi như Mỹ, các nước Đông Bắc Á; những quốc gia dựa vào khai thác dầu mỏ và tài nguyên bị ảnh hưởng mạnh và các quốc gia cạnh tranh dựa trên lợi thế chi phí nhân công rẻ chịu những tác động tiêu cực. Cùng với đó, CMCN 4 cũng ảnh hưởng tới môi trường và tạo ra bất bình đẳng xã hội.
Toàn cảnh buổi nói chuyện chuyên đề. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ông Nguyễn Thắng chia sẻ, trước CMCN 4, Việt Nam phát triển nhờ vào lợi thế về địa kinh tế (điểm kết nối của Đông Bắc Á với Đông Nam Á) và nguồn lực lao động tương đối trẻ, dồi dào. Thêm nữa, trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu chuyển dịch từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Từ đó, Việt Nam tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu lắp ráp, trở thành một công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, CMCN 4 có thể sẽ làm thay đổi những điều trên, do CMCN 4 làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ, cũng như lợi thế địa kinh tế do CMCN 4 đưa ngành công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển để gần với thị trường tiêu thụ và các trung tâm nghiên cứu và triển khai. Trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, CMCN 4 sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt trong trung đến dài hạn.
“Nếu đi đúng hướng và bắt đúng nhịp, CMCN 4 tạo ra cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển nhưng nếu ngược lại, Việt Nam sẽ bị tụt lại xa hơn”, TS. Thắng nói. Theo ông Nguyễn Thắng, Việt Nam cần thực hiện một chương trình nghị sự kép. Theo đó, Việt Nam tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây, nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến CMCN 4.