📞

Nỗi khổ của người phụ nữ Nhật

09:16 | 09/03/2019
Sống ở đất nước "vạn người mê" nhưng nhiều người phụ nữ Nhật thậm chí còn không muốn kết hôn và sinh con bởi hạnh phúc gia đình sẽ ngăn cản họ chạm tới đỉnh cao của ước vọng.

“Womenomics”

Nhật Bản đứng sau các nước phát triển lớn khác rất xa về mặt bình đẳng giới, khi chỉ xếp thứ 114 trên tổng số 144 quốc gia trong báo cáo về bất bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Mặc dù vậy, các chính sách của Nhật Bản với mục tiêu mang lại nhiều việc làm cho phụ nữ Nhật Bản cũng đang mang lại kết quả, đặc biệt là chính sách cho phép phụ nữ có trình độ đại học vẫn có thể tiếp tục làm việc trong thời gian nuôi con nhỏ.

Năm 2017, tỷ lệ phụ nữ nuôi con nhỏ có việc làm ổn định đã tăng lên gần 50%, từ mức dưới 30% vào đầu những năm 2000. Đây chính là thành công của chính sách “Womenomics” của do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng vào năm 2013.

Womenomics đang "cứu" những người phụ nữ Nhật. (Nguồn: Eastasia Forum)

Nhiều phụ nữ Nhật biết chính xác vì sao sự nghiệp riêng sẽ chấm dứt ngay trước khi chưa bắt đầu, bởi họ khó lòng vừa đi làm, theo đuổi đam mê, vừa phải một tay quán xuyến việc nhà, chăm con, nội trợ... Theo CNN, ước tính khoảng 3 triệu phụ nữ Nhật Bản hiện không đi làm mặc dù họ có khao khát theo đuổi sự nghiệp riêng.

Đầu tư vào "Womenomics", Nhật Bản đã xây dựng nhiều cơ sở giữ trẻ hơn để tạo điều kiện cho phụ nữ quay trở lại thị trường lao động. Chính phủ Nhật cũng đã thông qua nhiều dự luật chăm sóc trẻ em vào năm 2012 trên cơ sở phối hợp các cơ sở chăm sóc trẻ em và nhà trẻ công. Nhiều nhà trẻ được khuyến kích mở cửa toàn thời gian và có các chính sách trợ cấp phù hợp. Hiện nay, số lượng cơ sở chăm sóc trẻ em tại các trung tâm đô thị tăng nhanh hơn bao giờ hết. Năm ngoái, Nhật Bản công bố kế hoạch mở các trung tâm giữ trẻ cho khoảng 320.000 trẻ em vào cuối năm 2022.

Rõ ràng, đây là một chính sách tạo động lực lớn để phụ nữ Nhật Bản tự tin tới công sở. Một nhân viên với hợp đồng lao động dài hạn chắc chắn sẽ được hưởng mức lương và đãi ngộ lớn hơn so với những nhân viên “thời vụ”.

“Womenomics” hướng tới khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản song không ảnh hưởng tới tỷ lệ sinh.  Nội hàm của “Womenomics” là hướng tới thay đổi văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ em để người lao động Nhật Bản có được một sự cân bằng tốt hơn trong cuộc sống. Phụ nữ Nhật có con dưới ba tuổi chỉ phải làm việc 6 tiếng/ngày làm việc. Chính sách này đầu tiên được áp dụng tại các doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên và tiến tới sẽ áp dụng cho tất cả các mô hình công sở tại Nhật. Bước đầu, “Womenomics” đã khá thành công khi tỷ lệ phụ nữ sinh con tăng 30% ở các doanh nghiệp áp dụng.

Chặng đường còn dài phía trước

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã có những bước đi rõ ràng nhằm phá vỡ những tục lệ về giới, vai trò của hai giới trong một gia đình và trong công sở nhưng để loại bỏ những quan điểm đã ăn sâu trong lòng xã hội Nhật này còn là cả một chặng đường dài.

Đàn ông Nhật Bản sau khi tốt nghiệp đại học và có một vị trí tương đối trong doanh nghiệp vẫn chưa thực sự có ý thức chia sẻ công việc nhà và trách nhiệm chăm sóc con cái với phụ nữ. Nhiều phụ nữ Nhật lưỡng lự sinh con thứ hai bởi luôn cảm nhận được sự vất vả trong công việc gia đình nếu như không có sự chung tay của người chồng.

Phụ nữ Nhật đang được Chính phủ tạo điều kiện để tham gia tích cực vào thị trường lao động. (Nguồn: AP)

Năm 2016, Chính phủ đã thông qua một dự luật bắt buộc các công ty với số lượng hơn 300 nhân viên phải công khai số liệu liên quan tới nhân sự, tuyển dụng, đồng thời các công ty phải có kế hoạch hành động nhằm cải thiện tình trạng của lao động nữ. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn chưa thực hiện một cách quyết liệt và cung cấp những thông tin sai lệch.

Trước đây, Chính phủ Nhật Bản mong muốn tăng tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí quản lý trong chính phủ và khu vực tư nhân lên khoảng 30% vào năm 2020. Mục tiêu này sau đó đã được điều chỉnh một cách khiêm tốn hơn ở khoảng 10%.

Nhưng ngay ở con số 10% cũng khó có thể đạt được, tỷ lệ này vẫn chỉ ở mức 6,3% trong năm 2018. Số lượng nam và nữ trong doanh nghiệp vẫn còn là một khoảng cách lớn. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là tính không liên tục trong lao động của phụ nữ Nhật Bản. Các hợp đồng lao động ngắn hạn dẫn đến phụ nữ không thể có mức lương cao và không thể thăng tiến. 

Tới đây, Nhật Bản sẽ áp dụng chính sách “một công việc, một mức lương”-“same work, same pay”. Theo đó, lao động Nhật Bản được trả lương như nhau với cùng một công việc bất chấp là hợp đồng ngắn hay dài hạn. Chính sách này được thực hiện từ tháng 4/2020 đối với các công ty lớn và từ tháng 4/2021 đối với các công ty nhỏ.

Năm 2017, việc tính lương hưu đối với lao động bán thời gian đã khuyến khích một số lượng lớn phụ nữ Nhật Bản tham gia vào thị trường lao động và có mức thu nhập cao hơn. Những thay đổi về chính sách đang tạo ra những hiệu ứng tốt trong thị trường lao động xứ sở mặt trời mọc. Nhiều phụ nữ đã không còn chọn cách bỏ việc để nuôi con. “Womenomics” đang được triển khai và sẽ dần định hình tương lai tươi sáng hơn cho những người phụ nữ ở đất nước này.

(theo Eastasia Forum)