📞

‘Nóng khủng hoảng’ ở Bắc bán cầu

TRUNG HIẾU 20:00 | 31/07/2022
Cháy rừng, nắng nóng, sóng nhiệt đang hoành hành dữ dội tại nhiều quốc gia khiến nhiều người chết.
Cháy rừng dữ dội tại nhiều nơi ở châu Âu. (Nguồn: CNN)

Nắng nóng khắc nghiệt đã bao vây gần như toàn bộ Bắc bán cầu trong năm nay.

Ngột ngạt trong thời tiết cực đoan

Hiện tại, châu Âu đang sôi sục trong đợt nắng nóng thứ ba của mùa Hè, gây ra những đám cháy rừng tàn khốc và đe dọa hàng triệu người.

Chỉ riêng trong Chủ nhật vừa qua, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã báo cáo hơn 1.000 trường hợp tử vong do nắng nóng.

Tại Pháp, hàng nghìn người chạy trốn khỏi cháy rừng. Theo Sky News, một sân bay của Anh đã tạm ngừng các chuyến bay do đường băng bị nóng chảy, còn một sân bay khác thì đường băng bị vênh lên do nắng nóng.

Xứ Wales ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay. Các nhà khí tượng học Anh dự báo nhiệt độ vẫn tiếp tục cao hơn. Một nghiên cứu trên tạp chí Nature xuất bản trong tháng Bảy cho thấy số lượng các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng nhanh gấp đến bốn lần so với khu vực vĩ độ trung bình ở phía Bắc như Mỹ.

Nhiệt độ ngoài trời tăng vọt lên trên 40°C, cháy rừng hoành hành ở nhiều nơi, đặc biệt là tại miền Nam châu Âu khiến người dân phải sơ tán.

Châu Âu không phải là nơi duy nhất ngột ngạt. Gần như toàn bộ Bắc bán cầu đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong tháng này, từ Trung Quốc đến Bắc Phi đến Mỹ, nơi các dự báo cho thấy nắng nóng khắc nghiệt có thể tiếp tục trong hai tuần nữa.

Đây là đợt mới nhất trong một loạt đợt nắng nóng đồng thời trên khắp hành tinh trong năm nay.

Dự báo, những đợt nóng với mức nhiệt độ tăng cao đến mức khắc nghiệt sẽ diễn ra ở Trung Quốc vào cuối tháng Tám.

Biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng ngày càng nóng và thường xuyên hơn tại hầu hết các khu vực. Điều này đã được Hội đồng các nhà khoa học khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc (IPCC) xác nhận. Khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người đã làm hành tinh ấm lên khoảng 1,2°C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Để tìm hiểu chính xác mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với một đợt nắng nóng cụ thể, từ năm 2004, các nhà khoa học đã thực hiện hơn 400 nghiên cứu về các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng, lũ lụt và hạn hán. Họ tính toán mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với từng hiện tượng.

Các nghiên cứu mô phỏng khí hậu hiện tại và so sánh nó với mô phỏng khí hậu nếu không có phát thải khí nhà kính do con người gây ra.

Nhà khoa học khí hậu Sonia Seneviratne của trường Đại học ETH Zurich (Thụy Sỹ) cho biết: “Trước kia, khi không có sự tác động của con người lên khí hậu, những đợt nóng khắc nghiệt xảy ra cứ 10 năm một lần, nhưng giờ đây chúng xảy ra thường xuyên hơn gấp ba lần”.

Nhiệt độ sẽ chỉ ngừng tăng nếu con người ngừng xả thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển. Từ nay cho đến lúc đó, sóng nhiệt sẽ ngày càng tồi tệ. Nếu không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu, nhiệt độ sẽ leo thang lên mức nguy hiểm hơn.

Theo Thỏa thuận Paris 2015, các quốc gia đã nhất trí cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2°C và tiến tới là 1,5°C. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại sẽ không cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh để đạt được cả hai mục tiêu này.

IPCC cho biết đợt nắng nóng xảy ra mỗi thập kỷ một lần trong thời kỳ tiền công nghiệp sẽ xảy ra 4,1 lần trong một thập kỷ khi nhiệt độ nóng lên thêm 1,5°C, và 5,6 lần ở 2°C.

Nguyên nhân là biến đổi khí hậu và hơn thế nữa

Biến đổi khí hậu làm gia tăng điều kiện khô nóng, khiến đám cháy lan nhanh hơn, cháy lâu hơn và bùng phát dữ dội hơn.

Ở Địa Trung Hải, điều này đã góp phần làm cho mùa cháy rừng bắt đầu sớm và đốt cháy nhiều diện tích hơn. Năm 2021, hơn nửa triệu hecta rừng bị cháy ở Liên minh châu Âu (EU), trở thành mùa cháy rừng tồi tệ thứ hai mà khối EU được ghi nhận sau mùa cháy rừng năm 2017. Các quốc gia như Bồ Đào Nha và Hy Lạp năm nay đã phải nhận trợ giúp khẩn cấp của EU.

Thời tiết nóng hơn lấy đi độ ẩm của thảm thực vật, biến chúng thành nhiên liệu khô, làm cho đám cháy lan rộng.

Nhiệt độ nóng lên của Trái đất đang đẩy cháy rừng đến những khu vực xưa nay hiếm khi bị cháy, và do đó người ta ít chuẩn bị để đối phó hơn.

Bên cạnh biến đổi khí hậu, quản lý rừng và các nguồn gây ra lửa là những yếu tố rất quan trọng. Ở châu Âu, theo số liệu của EU, hơn chín trong số 10 đám cháy xuất phát từ hoạt động của con người, như đốt phá, làm tiệc đồ nướng, hoặc sự cố đường dây điện…

Các quốc gia như Tây Ban Nha, vốn đang phải đối mặt với thách thức thu hẹp dân số ở vùng nông thôn, (khi người dân di chuyển đến các thành phố, để lại một lực lượng lao động nhỏ hơn ở nông thôn), lại gặp thêm vấn đề về lao động để dọn sạch thảm thực vật và tránh để “nhiên liệu” cho cháy rừng bùng phát. Tuy vậy, khủng hoảng khí hậu mới là nguyên nhân chính tạo ra những điều kiện khiến tác động của những đám cháy này trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Các nhà khoa học đều nhất trí rằng, nếu không có sự cắt giảm mạnh đối với khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán sẽ trở nên tồi tệ hơn đáng kể.

Họ cũng gợi ý một số hành động có thể giúp hạn chế hỏa hoạn nghiêm trọng, chẳng hạn như đốt cháy có kiểm soát (bắt chước đám cháy cường độ thấp trong các chu kỳ sinh thái tự nhiên), hoặc tạo ra các khoảng trống trong rừng để ngăn chặn đám cháy lan ra các khu vực rộng lớn.

(tổng hợp)