Thành Lộc thành danh với hàng loạt vai diễn chính kịch như anh lính Vorodin trong Đêm hoạ mi, Chu Xung trong Lôi Vũ, Ba Thư trong Đối mặt, ông Tư trong Dạ cổ hoài lang...với vẻ ngoài thường già hơn tuổi và những câu nói như rút từ tâm can.
- Có bao giờ anh cảm thấy mình trở nên vĩ đại vì đã vào những vai diễn lớn, nói những điều mà trong đời thường anh không nói, làm những điều mà trong cuộc sống thực tế anh không làm?
- Chính xác thì tôi thấy mình nói được những điều vĩ đại của những nhân vật vĩ đại, bản thân họ hơn mình mấy cái đầu, còn tôi chỉ là người chuyển tải và cố gắng làm sao để người xem cảm nhận được thông điệp của họ.
Nhưng đối với khán giả nhí, anh thật sự là một nhân vật vĩ đại khi dành hẳn một chương trình Ngày xửa ngày xưa cho sân khấu Idecaf với những vai trời ơi đất hỡi như Thần Nhẫn trong Aladin và đủ thứ thần, Chó ghẻ trong Cậu bé rừng xanh, Cú mèo trong Nữ thần Ly Kim Chi, Ốc mượn hồn trong Sơn tinh Thuỷ tinh... Anh làm điều đó chỉ vì muốn cho bọn trẻ một thế giới để sống đúng với tuổi thơ của chúng. Bọn trẻ thì chưa bao giờ viết bài khen ngợi anh như người lớn đã làm nhưng chúng luôn hò hét mỗi khi anh xuất hiện trên sân khấu, nhờ có anh, những câu chuyện cổ tích không còn trở thành giáo điều nặng nề nữa...
Tuy nhiên, khi làm một cuộc thống kê nhỏ, thật ngạc nhiên nhận ra Thành Lộc có khá nhiều vai diễn trong diện mạo phụ nữ hoặc có khuynh hướng nữ tính, đó là Cậu Đồng trong vở kịch cùng tên, là Cám trong Tấm Cám, là Thuý mama trong Công chúa Chích Choè, con quỷ dưới lốt cô gái trong Hạnh phúc từ trên trời rơi xuống...và gần đây là vai cô gái điếm trong Hợp đồng mãnh thú.
Dù là vai nghiêm trang hay hài hước, anh vẫn cho thấy một sự quan sát và thể hiện tinh tế đáng kinh ngạc trong hình thể cũng như tính cách mà không cần quá lệ thuộc vào công tác hoá trang. Đã có lúc anh bị dư luận tấn công vì những vai diễn này nhưng cho đến nay cả khán giả lần giới hoạt động sân khấu đều thừa nhận rằng khó có diễn viên nào vượt qua anh trong loại vai đặc biệt này.
"Tôi thích các nhân vật đặc biệt - Thành Lộc bộc bạch - chúng thu hút tôi, khi xem xét chúng tôi không phân định đó là nam hay là nữ mà là chúng đem lại cho tôi cảm xúc gì. Tính chất phi giới tính của nhân vật làm chúng trở nên phong phú hơn. Tuy nhiên, tôi đã ngán loại vai này rồi..."
- Vậy tại sao anh lại tham gia "Hợp đồng mãnh thú"?
- Tôi thích vai diễn này, đó thật ra là một người đàn ông giả gái để làm cái nghề mà anh ta cho rằng tồi tệ nhất trên đời, nhưng rồi người đàn ông giả gái này gặp những người đàn ông đã dùng anh ta để mưu cầu việc riêng với những cách còn tồi tệ hơn anh ta nữa. Một vai thật sự có sức nặng. Thoạt đầu tôi không nhận vai này, phần vì sợ lặp lại chính mình phần vì không phải ai cũng có thể chia sẻ quan điểm làm nghề của mình.
Nhưng đạo diễn Vũ Minh nói rằng vở kịch sẽ đổ nếu vai diễn này không phải do tôi đảm nhiệm, có nhiều người cho rằng vai diễn này dường như Lê Hoàng viết riêng cho tôi, bản thân tôi cũng nhận thấy đó là sự thật là một kịch bản hay, một vai đầy thách thức, vậy tại sao mình lại từ chối nó?
Hiện giờ vở này đang rất hot ở TP.HCM, và chưa có lời phàn nàn chê trách nào từ báo chí về vai diễn này. Có thể khán giả chưa nhận thấy đó là một vai diễn đặc biệt của tôi nhưng với riêng mình tôi lại thấy đây là vai diễn để đời của mình. Một bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của tôi.
- Đã từng thành công với nhiều vai nữ hẳn anh quan tâm đến họ không chỉ trên sân khấu mà cả ngoài đời, anh nghĩ gì khi hiện nay khái niệm nữ quyền được nhắc đến khá nhiều?
- Đơn giản thôi, khi phụ nữ còn gặp nhiều bất công thì người ta còn đòi hỏi phải có nữ quyền cho họ nếu họ đã được đối xử công bằng thì đâu còn gì để nói nữa. Giống như khi đặt ra năm dành cho người già hay năm cho trẻ em, tức là những đối tượng này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Có thể nhận ra một Thành Lộc nhạy cảm với các vấn đề xã hội khi tham gia vào các vở như Dạ cổ hoài lang, Bí mật vườn Lệ Chi, Hợp đồng mãnh thú...mặc dù anh không thích ấn định nó bằng cụm từ trách nhiệm công dân, phục vụ cộng đồng. Xen giữa câu chuyện, đôi lần anh phải dừng lại để hắng giọng, có lẽ sân khấu không chỉ lấy đi của anh những cơn đau họng như đã từng buộc anh phải vào viện vì bị chấn thương lưng trong lúc diễn...
"Sân khấu cho tôi nhiều điều và nó lấy đi sức khoẻ cũng như hạnh phúc riêng tư của tôi. Đôi khi cũng cảm thấy buồn nhưng tôi không hề nuối tiếc về điều đó."
Có một khoảng lặng trong câu nói của anh, anh không tiếc hay anh đã chấp nhận đánh đổi điều gì đó cho bản thân? Phải chăng vì thế mà đôi khi nhìn thấy anh trên sàn diễn có cảm giác anh đang sống cho chính mình hơn là công chúng...
"Dĩ nhiên công chúng là kết quả của hoạt động nghệ thuật, còn nói về mặt công việc, tôi phải làm công việc của mình với những nguyên tắc riêng do mình đặt ra. Tôi phải thấy thích nhân vật của mình trước đã, nguyên tắc của tôi là chỉ nhận vai khi kịch bản và nhân vật thuyết phục được tôi. Tôi chưa bao giờ ép mình phải nhận những vai mà tôi không có cảm xúc. Tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc vì có năng khiếu để làm sân khấu, tôi chỉ bỏ ra chút sức nhưng học hỏi được bao điều tuyệt diệu, sân khấu giúp tôi khám phá chính mình và tiếp cận với thế giới xung quanh".
Chỉ cần nói đến sân khấu là anh lại trở nên linh hoạt, không gì có thể cản trở anh trút hết sức lực trên sàn diễn, không thể hoài nghi anh về tình yêu sân khấu. Trong thế giới Phiêu linh Lộc, dường như anh bất chấp cả những cơn đau khàn giọng, những điều tiếng phê phán nhận xét khen chê để dồn hết nội lực mình vào từng bước đi, từng cái rùng mình, từng ánh mắt chuyển động trên sân khấu.
Kết thúc buổi trò chuyện với Thành Lộc cũng khó như khi bắt đầu và mọi câu chuyện đều có thể tiếp tục với nhiều khúc quanh thú vị. Và cùng bởi vì với Thành Lộc, những vai diễn thách thức mới chắc chắn sẽ không ngừng quyến rũ anh ở phía trước và người xem có quyền chờ đợi anh nhiều hơn những gì đã thấy...
Theo Phụ nữ và Thể thao