Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại Hội nghị toàn cầu về phụ nữ ngày 10/3 tại New York. |
Vấn đề sự khác biệt nam tính - nữ tính mà Holst nêu lên dường như ngược với sự khẳng định của nữ tác giả và triết gia hiện sinh Pháp Simone de Beauvoir trong cuốn Giới tính thứ hai (1953): khẳng định là không có một nữ tính muôn thưở, sự khác biệt là do phong tục và luật pháp xã hội tạo ra. Bà phân tích rất sắc sảo, nhưng bà vẫn chưa hiểu thật sâu bản năng làm mẹ.
Không phải phụ nữ nước nào cũng đạt tới nam nữ bình quyền như ở Đan Mạch. Thiết nghĩ, ở giai đoạn nào đó, đấu tranh cho nam nữ bình quyền (féminism) phải gắn nó với nữ tính (féminity) thì hiệu quả mới cao.
Theo thế giới quan phương Đông, cặp từ nam nữ cũng như các cụm từ đối lập mọi sự vật: mặt trăng – mặt trời, ngày – đêm, cha – con... đều thuộc khái niệm âm dương, là nguyên tố gốc của vũ trụ. Âm dương đối lập nhau, nhưng tác động bổ sung cho nhau. Trong dương có âm, trong âm có dương. Nam tính nữ tính cũng vậy. Trong văn học, tác giả nữ viết đậm nữ tính thì mới hấp dẫn.
Xin lấy một thí dụ điển hình: Văn học nữ Nhật Bản vào thời Heian có tới 400 năm Nhật đóng cửa với Trung Quốc để bảo vệ bản sắc dân tộc. Trong thời gian đó, văn hóa cung đình phát triển, nặng về nhàn du, cầm kỳ thi họa thì nhà văn nữ làm bá chủ, văn đàn mang tính nữ. Hầu như không có nhà văn nam nào có tên tuổi. Các nhà văn nữ sử dụng loại chữ viết Kana phổ thông còn các học giả nam thì dùng chữ Kenji (Hán tự) ít người đọc.
Một thí dụ khác về tính nữ làm giàu cho văn học Thụy Điển: Kể từ bà thánh Birgitta (thế kỷ XIV) đến thời hiện đại với nhà văn tên tuổi như Selma Lagerloff là phụ nữ đầu tiên được giải Nobel văn chương. Những chuyện phiêu lưu kỳ lạ của Nils Holgersson là một tác phẩm viết cho thiếu nhi cổ điển. Văn học thiếu nhi rất hợp với nữ tính, cũng là truyền thống của văn học Thụy Điển (với nhiều tác giả nữ). Còn văn học nữ ở Việt Nam thì sao? Văn học nữ Việt Nam không thể tách khỏi cái nền chung của văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam thuộc loại văn hóa gì?
Theo hai nhà nhân học văn hóa Edward Hall và Hofstede, có thể chia các nền văn hóa thế giới thành hai loại theo các tiêu chuẩn: nặng về cá thể hay cộng đồng, mang tính nam hay tính nữ... Văn hóa Việt Nam do ảnh hưởng văn minh lúa nước và Khổng học nên mang tính cộng đồng và nam tính nhiều hơn. Văn học Việt Nam có thể chia làm hai thời kỳ: Thời kỳ đầu kết thúc vào 1858 (trước khi lệ thuộc Pháp) là thời kỳ Trung đại, ảnh hưởng độc tôn Khổng học, sử dụng chữ Hán và chữ Nôm. Phụ nữ không được đi học, đi thi, làm các nhiệm vụ xã hội. Tuy không có một nền văn học nữ nhưng có những phụ nữ tự khẳng định là nhà thơ, hầu như không có nhà văn, để lại những dấu ấn đậm nét trên văn đàn như Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương...
Để tìm hiểu văn học nữ khác nam thế nào, có người nêu ý kiến: Nếu là bà vợ Sophie của L. Tolstoi viết Chiến tranh và hòa bình hoặc Hồ Xuân Hương viết Kiều thì tác phẩm sẽ khác thế nào? Có thể lấy bản chữ Hán của Đặng Trần Côn mà so với bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm sẽ thấy....
Thời kỳ 2 của văn học ta từ thời Pháp thuộc đến nay. Đó là thời kỳ hiện đại, văn học sử dụng chữ quốc ngữ là chính. Từ hiện đại ở phương Tây mang nhiều nghĩa. Ở các nước Đông Á như ta, hiện đại hóa có nghĩa là Tây hóa. Thời kỳ hiện đại hóa về văn học có thể chia làm hai giai đoạn: từ thời thuộc Pháp đến ngày Độc lập tháng 9/1945. Thời Pháp thuộc, chủ nghĩa lãng mạn Pháp vào Việt Nam khiến cho văn chương những năm 30 (thế kỷ XX) xuất hiện dòng Thơ Mới với đặc điểm là cái tôi được đề cao. Có một số nhà thơ nữ theo dòng này, rất hiếm nữ viết văn xuôi. Từ Cách mạng 1945, nữ được giải phóng, được đi bỏ phiếu, tham gia công việc xã hội. Qua hai cuộc kháng chiến đã hình thành một nền văn học nữ có bề dày, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước về mọi mặt. Từ hòa bình, nhất là sau Đổi mới, văn học nữ có nhiều khuynh hướng, nhiều tác phẩm thành công, tiếp tục đấu tranh cho nam nữ bình quyền bằng những tác phẩm giàu nữ tính, vừa hiện đại vừa khai thác được truyền thống dân tộc. Trong tập Thơ nữ Việt Nam, nhà văn nữ Mỹ Lady Borton đã tuyển chọn gần trăm bài thơ nữ từ xưa đến nay để dịch sang tiếng Anh (song ngữ Việt Anh).
Hữu Ngọc