Nữ Tổng thống Dilma Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva |
"Bà đầm thép" của Brazil
Những người biết Dilma Rousseff đều nhận xét bà là người cứng rắn, mạnh mẽ thực tế và kiên quyết. Bà từng nổi giận trong một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình chỉ vì chiếc đồng hồ điện tử bị hỏng. Chính vì vậy, bà được ví là "Bà đầm thép" của Brazil.
Khi thắng cử, bà nói: "Tôi muốn những ông bố bà mẹ có con gái có thể nhìn thẳng vào mắt con và nói rằng: Đúng, phụ nữ có thể". Và cuộc đời của bà chứng minh điều đó.
Là con gái của một người nhập cư gốc Bulgaria và một giáo viên ở Belo Horizonte, bà từng tham gia phong trào cách mạng chống chế độ độc tài quân sự và bị bắt giam trong 3 năm. Ra tù, bà lấy bằng Cử nhân Kinh tế và tích cực đấu tranh đòi ân xá cho những người bị ngược đãi và trục xuất, sau đó cùng tham gia thành lập Đảng Lao động Dân chủ. Bà từng được bổ nhiệm làm Lãnh đạo Sở Tài chính Thành phố Porto Alegre, sau đó là Bộ trưởng Năng lượng và Thông tin của bang Rio Grande do Sul.
Tuy không có được sức hấp dẫn và khả năng đàm phán tốt như cựu Tổng thống Lula, nhưng bà được cho là một phụ nữ sắc sảo, am hiểu hệ thống nhà nước, có khả năng phân tích logic và chiến lược. Bà Rousseff từng đứng đầu ban lãnh đạo công ty dầu lửa Petrobras của Brazil và gây ấn tượng với đồng nghiệp cùng giới lãnh đạo kinh doanh như một doanh nhân thực dụng với năng lực quản lý xuất sắc. Chính bà đã chịu trách nhiệm soạn thảo nhiều khung pháp lý cho việc khai thác các giàn khoan dầu ngoài khơi đất nước.
Cựu Tổng thống Lula da Silva từng nói rằng: "Nếu Dilma không có tài, nếu bà có vấn đề, tôi sẽ không đề cử bà". Trước khi rời nhiệm sở, ông Lula công bố "Chương trình thúc đẩy tăng trưởng" (PAC) lần hai, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, nhà ở, giao thông… để duy trì đà phát triển kinh tế từ nhiều năm qua và xây dựng một xã hội tương lai thịnh vượng hơn. Phe đối lập cho đây là chiêu đánh bóng hình ảnh cho bà Dilma. Thế nhưng, trên thực tế bà đã được coi là kiến trúc sư của PAC lần một trị giá gần 100 tỷ euro được thực hiện từ đầu nhiệm kỳ 2 của ông Lula (2007).
"Người mẹ của Dân tộc"
Không phải ngẫu nhiên mà ông Lula gọi bà Dilma là "Người mẹ của Dân tộc". Những nhiệm vụ mà bà đảm nhận, những chương trình hành động mà bà thực hiện đều đem đến mục đích cuối cùng là cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Trong thời kỳ làm việc tại chính quyền bang Rio Grande do Sul, bà Dilma là kiến trúc sư của chương trình công cộng khẩn cấp với kết quả xây dựng gần 1.000km đường điện, các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và phong điện. Ngoài ra, bà còn huy động các ngành công, tư vào nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng mà không ảnh hưởng đến công việc sản xuất và cuộc sống người dân.
Sau khi được Tổng thống Lula bổ nhiệm làm Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng, bà đã tiến hành tái sắp xếp sâu rộng lại ngành điện của đất nước. Chương trình "Ánh sáng cho tất cả" đã mang dòng điện đến cho hơn 11 triệu người Brazil sống tại các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố lớn. Trong lĩnh vực môi trường, tỷ lệ tàn phá Amazon giảm 75% trong 6 năm qua, cùng với việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo.
Từ khi làm Chánh văn phòng Nội các, bà và Tổng thống Lula làm thành bộ đôi đem lại những sự phát triển bước ngoặt của Brazil. Bà đóng vai trò quyết định trong việc biến Brazil thành một đất nước phát triển song song với việc phân phối lại thu nhập và đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội. Qua cách tiếp cận này, hơn 14 triệu người Brazil có việc làm chính thức, 24 triệu người khác hoàn toàn thoát khỏi nghèo đói, 31 triệu người vươn lên tầng lớp trung lưu.
Bà còn phát động các chương trình chiến lược như "Nhà của tôi, cuộc sống của tôi" - chương trình nhà ở lớn nhất được thực hiện trong lịch sử và dự kiến sẽ xây thêm 1 triệu ngôi nhà mới.
Với danh sách thành tích đó, có cơ sở để tin rằng bà sẽ là người tiếp nối thành công con đường sáng mà ông Lula đã vạch ra.
Thoát khỏi bóng của người khổng lồ
Những gì Dilma được kế thừa cũng chính là thách thức của bà. Tốc độ tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Brazil đã tăng gấp ba, lên khoảng 30 tỷ USD/năm kể từ khi ông Lula nắm quyền năm 2003 và nhiều người tin rằng khi Rio de Janeiro tổ chức Olympics 2016, Brazil sẽ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.
Thiếu kỹ năng thuyết phục, lại mang hình ảnh hơi khắc khổ và không có khả năng kết nối với báo chí, bà Dilma sẽ gặp khó khăn khi phải chứng minh mình có khả năng chèo lái quốc gia khổng lồ Nam Mỹ này đi tới tương lai, mặc dù liên minh cầm quyền hiện chiếm đa số ở cả Thượng và Hạ viện. Bà sẽ phải chứng minh mình là một nhà đàm phán khéo léo trong nước và là nhà trung gian không thể thiếu ở nước ngoài.
Liệu bà có thể vươn lên trở thành "Angela Merkel của Mỹ Latinh"? Thủ tướng Đức Merkel từng đi lên từ sự hậu thuẫn của người tiền nhiệm Helmut Kohl, nhưng đã vượt lên trên các đối thủ trở thành thủ lĩnh đảng không có đối thủ và có được hai nhiệm kỳ Thủ tướng tại một siêu cường kinh tế toàn cầu. Không giống như ông Kohl, ông Lula đã cho biết sẽ không "nghỉ ngơi". "Đối với tôi, ngừng làm chính trị cũng giống như ngừng ăn hay ngừng thở", ông viết trong một bài báo. Trừ khi bà Dilma chỉ muốn làm một nhiệm kỳ, bà vẫn có thể học hỏi từ bà Merkel. Bà phải dẫn dắt Brazil một cách có hiệu quả với tư cách một cường quốc đang lên trong một thế giới ngày càng phức tạp. Làm thế không chỉ có lợi cho Brazil, mà còn có thể bảo đảm sự ổn định lớn hơn ở châu Mỹ và trên trường quốc tế.
Nói thường dễ hơn làm. Những đề xuất chính sách của bà nếu hợp lý sẽ có tác động lớn hơn những lời nói hoa mỹ hay những bức ảnh đẹp đẽ. Bà phải chứng tỏ mình có cá tính riêng, cách đi riêng trên đường hướng mà người tiền nhiệm đã chọn.
Minh Khôi
Bà Dilma Rousseff: