Sau ba năm gần như “mất tích”, bạn trở về nước, cho biết đã học xong chương trình đại học và bắt đầu học chương trình thạc sĩ ngành Khoa học máy tính, chuyên về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford. Lý do lựa chọn này là gì?
Bìa cuốn sách mới "Giấc mơ Mỹ: Đường đến Stanford" |
Tôi đến với ngành này một cách khá tự nhiên. Khi mới sang Stanford, tôi đã định sẽ học một ngành xã hội nào đó. Nhưng vì ở Silicon Valley, tôi nghĩ mình nên thử học một lớp khoa học máy tính. Lý do đầu tiên là Giáo sư dạy lớp này vô cùng tuyệt vời. Khi Quora (trang web về dịch vụ hỏi đáp, sử dụng phổ biến trong cộng đồng mạng) có câu hỏi “Ai là giáo sư tuyệt vời nhất thế giới”, tôi đã viết về ông và câu trả lời nhận được hơn 25 nghìn lượt bình chọn. Thực sự, ông đã truyền cho tôi đam mê bộ môn này. Khi được nhận làm trợ giảng, tôi lại càng thích thú với môn học này hơn. Tôi đã học thử nhiều lớp khác nhau và thấy mình hợp với chuyên ngành trí tuệ nhân tạo nhất.
Lý do thứ hai là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo còn rất mới với nhiều câu hỏi hóc búa. Tôi nghĩ, có quá nhiều vấn đề trên thế giới mà chúng ta có thể giải quyết bằng các kỹ thuật trong ngành trí tuệ nhân tạo. Chúng ta có thể chế tạo các robot thay thế con người đảm nhận những công việc nguy hiểm như trong hầm mỏ hay thám hiểm đáy biển sâu. Máy tính có thể lái xe tốt hơn người, đánh bại kỳ thủ cờ vây xếp thứ hai trên thế giới, nhận diện vật thể trong ảnh như người vậy. Tôi tin rằng trí tuệ nhân tạo đang góp phần làm thay đổi thế giới và bản thân tôi muốn trở thành một phần của bước tiến lịch sử đó.
Được biết, bạn còn khởi xướng một lớp học về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Đại học Stanford?
Tôi sẽ dạy lớp "Tensorflow for Deep Learning Research". Tensorflow là một thư viện do Google lập ra vào tháng 11 năm ngoái. Lĩnh vực này còn khá mới và rất hiệu quả nên nhu cầu học khá cao. Lớp của tôi dạy cách dùng Tensorflow cho những dự án nghiên cứu về "deep learning" - một khía cạnh của trí tuệ nhân tạo.
Hiện khoá học đã được nhà trường chấp nhận và sẽ được triển khai từ tháng 1/2017. Tôi khá hồi hộp (mặc dù làm trợ giảng đã lâu) vì đây là lần đầu tiên tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về một khoá học từ lên giáo trình, thiết kế lớp đến chấm bài.
Cô gái Huyền Chíp thích phiêu lưu. |
Huyền vừa ra mắt cuốn sách "Giấc mơ Mỹ: Đường đến Stanford" tại Việt Nam. Thông điệp bạn muốn truyền tải là gì? Bạn có hy vọng nó sẽ nổi tiếng như “Xách ba lô lên và đi”?
“Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford” không phải là một cuốn cẩm nang du học với những gợi ý đi đâu, ăn gì, hay làm sao để nhận học bổng. Nó cũng không phải là một cuốn sách về bản thân tôi.
Ở trường, mỗi khi gặp ai đó thú vị hay nghe được mẩu đối thoại giúp tôi học được điều gì, tôi thường ghi chép lại. Cuốn sách tổng hợp câu chuyện của những con người “hay ho” mà tôi gặp ở Stanford năm đầu tiên. Tôi muốn chia sẻ với mọi người bởi ở Việt Nam, chúng ta hay nhắc đến giấc mơ du học nhưng phần lớn chỉ nhắc đến chuyện bảng xếp hạng, học phí, chuyên ngành mà ít nói tới cuộc sống trong môi trường đại học của Mỹ thật sự như thế nào. Hy vọng qua cuốn sách này, mọi người hiểu thêm về môi trường Mỹ để cân nhắc du học có phù hợp với mình không, và nếu thấy phù hợp thì có thêm động lực để theo đuổi.
Một người giàu ý tưởng như bạn chắc không chỉ có cuốn sách này?
Hiện tại, tôi có hai điều quan tâm là viết sách và làm nghiên cứu. Tôi muốn tập trung viết nhiều hơn bằng tiếng Anh vì ở Việt Nam còn ít tác giả viết bằng tiếng Anh. Tôi vừa hoàn thành cuốn sách giới thiệu văn hoá Việt Nam "How not to get your ass kicked in Vietnam: The native's guide" , dự định sẽ ra mắt vào năm 2017. Về mặt nghiên cứu, trước mắt, tôi muốn học lên tiến sĩ.
Từng đi vòng quanh thế giới và trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau, Huyền có thể chia sẻ với các bạn trẻ Việt một số kinh nghiệm để hòa nhập tốt?
Gần đây, một bạn sinh viên Việt Nam mới vào trường chia sẻ với tôi bạn ấy thấy khó hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ. Lý do là từ nhỏ, bạn đã được gia đình dạy là con gái phải giữ mình, chuyện quan hệ trước hôn nhân là không tốt. Thực ra, chuyện đó khá bình thường ở Mỹ. Tôi bảo với bạn ấy là mình phải tôn trọng quyết định của người khác, dù họ có những giá trị khác mình.
Tôi nghĩ, để hoà nhập, trước hết phải có cách suy nghĩ cởi mở, tôn trọng những luồng tư tưởng khác nhau. Chúng ta có thể quan sát cái gì hay thì học, dở thì thôi, nhưng nhất định không được phép đánh giá người khác. Đại học là một môi trường rất dễ kết bạn. Ở Mỹ, trường đại học nào cũng có nhiều câu lạc bộ chuyên về những sở thích, kỹ năng khác nhau. Chúng ta có thể tham gia các câu lạc bộ để gặp gỡ, kết bạn với những người có chung sở thích, đam mê.
Tôi hay chơi với bạn học cùng lớp, vừa có thêm bạn, vừa có người học cùng. Giống như ở Việt Nam, một khi đã đi làm, tính chất các mối quan hệ sẽ không được thoải mái như thời sinh viên. Tôi thấy mình nên tranh thủ hoà nhập, kết bạn để xây dựng những mối quan hệ lâu dài.
Theo bạn, sinh viên Việt Nam ở Mỹ có những thế mạnh gì?
Ở Stanford, mặt bằng chung, sinh viên Việt Nam chăm chỉ hơn sinh viên bản địa rất nhiều. Theo tôi, mọi người đều ý thức mình là người nước ngoài, thua kém sinh viên bản địa từ vật chất đến ngôn ngữ, nên đều quyết tâm học tập.
Nước Mỹ chưa hẳn là điểm dừng chân đối với một cô gái thích “xê dịch” như bạn?
Cách đây 6 năm, tôi không nghĩ mình sẽ đi vòng quanh thế giới. Cách đây 3 năm, tôi cũng không nghĩ mình sẽ du học ở Mỹ. Vậy nên, hiện tại, tôi không biết mình sẽ ở đâu trong 5 hay 10 năm tới...
Liệu có phải là Việt Nam? Huyền có dự định gì tại quê hương?
Tôi thấy ở Việt Nam còn nhiều điều bất cập. Đó cũng là một lợi thế vì như vậy tôi có rất nhiều điều để làm. Lần này về, tôi hy vọng có thể gặp gỡ những người đang làm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, vì tôi nghĩ ngành này ở nước ta còn khoảng cách khá xa với Mỹ.
Tôi cũng muốn đóng góp vào ngành giáo dục, ngành xuất bản và ngành công nghệ. Tôi không nghĩ cứ ở nước ngoài là chảy máu chất xám, bởi mình không cứ phải ở Việt Nam mới đóng góp cho đất nước được. Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đang làm giáo sư ở Đại học Chicago và vẫn có những đóng góp rất tích cực cho nền giáo dục nước nhà đấy thôi.
Cảm ơn bạn!
Nguyễn Thị Khánh Huyền sinh tại Nam Định. Cô là cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Huyền từng làm Online Marketing cho Youth Asia - công ty tổ chức hội nghị YES 2009 quy tụ 500 bạn trẻ đến từ 10 nước Đông Nam Á. Sau chuyến du lịch qua 25 quốc gia với vỏn vẹn 700 USD, cô đã viết và phát hành cuốn sách "Xách ba lô lên và đi" vào năm 2012. Trong 2 năm đi "phượt" khắp thế giới, cô đã học cách chế biến nhiều món ăn, chèo thuyền, leo núi và tham gia đóng phim, viết báo... |