📞

Nước Pháp vẫn bế tắc

13:00 | 02/06/2016
Kế hoạch của Chính phủ Pháp nhằm cải cách luật lao động vô hình trung khiến quốc gia này rơi vào mớ bòng bong của những cuộc biểu tình.

Từ ngày 26-28/5, mỗi ngày có khoảng 150.000 người tràn xuống đường phố nước Pháp để phản đối chính phủ. Ước tính có khoảng 200 cuộc biểu tình diễn ra trên cả nước. Hậu quả từ việc đình công là hoạt động của các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện hạt nhân bị gián đoạn, giao thông đường bộ, đường sắt và đường không cũng chịu ảnh hưởng, hàng chục trường học phải đóng cửa, thậm chí nhiều tờ báo lớn tại Pháp không được in ấn phát hành.

Tình cảnh trên khiến Pháp lâm vào thế khó, nhất là khi chỉ còn không đầy 2 tuần nữa, nước này sẽ đón hàng triệu du khách tới tham quan nước Pháp và theo dõi vòng chung kết Euro 2016. Sức ép ngày càng tăng khi chính phủ phải chạy đua với thời gian để tìm cách chấm dứt tranh cãi và xoa dịu tình hình.

Những người biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động tại Le Havre, Đông Bắc nước Pháp, hôm 26/5. (Nguồn: Getty)

Những dự luật cải cách đẩy nước Pháp vào cảnh đình công hỗn loạn trong tuần qua có mục tiêu đơn giản hóa và nới lỏng các quy định của pháp luật liên quan đến lao động, chủ yếu là tạo điều kiện để các công ty tư nhân có thêm thời gian tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng, thỏa thuận tiền lương, thời gian làm việc… thay vì bị giới hạn trong những quy trình thủ tục chung.

Chính quyền của Thủ tướng Manuel Valls tin tưởng các dự luật trên - được cho là nhằm đưa mô hình lao động của Pháp xích lại gần các mô hình đang  được áp dụng rộng rãi ở Anh và Đức - sẽ giúp hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 10% trong thời gian dài, xốc lại nền kinh tế trì trệ của Pháp.

Giữa những năm 1990, nước Pháp cũng từng rơi vào thời kỳ bất ổn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khi Thủ tướng lúc đó là ông Alain Juppe nhất quyết không thay đổi dự luật cải cách hưu trí. Tuy nhiên sau đó, ông Juppe đã dần phải nhượng bộ khi công đoàn tổ chức đình công và biểu tình trong nhiều tuần. Năm 1996, Thủ tướng Juppe phải từ chức sau khi các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông này giảm xuống dưới 25%.

Tuy nhiên, kế hoạch của Chính phủ Pháp được đưa ra một cách gượng ép khi không có sự chấp thuận từ Hạ viện và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) vốn theo đường lối cứng rắn. Tổ chức này xem các cải cách là động thái nhằm giảm bớt sức mạnh của liên đoàn lao động, trong khi giới sinh viên và những người phản kháng khác từ cánh tả xem cải cách là hành động nâng đỡ cho các doanh nghiệp theo cách khó có thể chấp nhận. Dù vậy, ngày 30/5, Tổng thống Pháp Francois Holland tuyên bố Chính phủ sẽ không nới lỏng và thay đổi các nguyên tắc trong dự luật gây tranh cãi.

Trong những ngày tới, hoạt động sản xuất và dịch vụ trên toàn nước Pháp dự báo vẫn chững lại đáng kể. Các tổ chức công đoàn vẫn đang kêu gọi tiếp tục biểu tình, lên kế hoạch đình công ngay tại ga tàu điện ngầm Paris từ ngày 10/6 – thời điểm diễn ra trận đấu đầu tiên trong khuôn khổ Euro.

Báo The Guardian nhận định, thay vì tiếp tục theo đuổi các chính sách không hợp lòng dân, Chính phủ Pháp cần tìm một cách gỡ rối hiệu quả như tạo thêm việc làm hay thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Pháp có thể học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia châu Âu khác như Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, vốn có nhiều điểm tương đồng trong quy định về lao động với Pháp.