Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tại lễ ký kết ở Istanbul ngày 22/7 với sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres (ngồi bên trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: Reuters) |
Nga 22/7, Nga và Ukraine đã ký kết các thỏa thuận liên quan đến việc khởi động lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sau một thời gian dài bị đình trệ. Tuy nhiên, ngay sau đó, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công vào cảng Odessa khiến thế giới đặt dấu hỏi lớn về tương lai của thỏa thuận.
Ukraine và Nga là một trong những quốc gia sản xuất ngũ cốc, dầu ăn và phân bón hàng đầu thế giới. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khiến giá của các mặt hàng trên tăng đột biến và gây ra thiếu hụt thực phẩm trên toàn cầu.
Trước cuộc xung đột, giá lương thực toàn cầu vốn đã cao do đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine và tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow làm tình trạng trên trầm trọng hơn.
Hai nhà báo Kareem Fahim in Istanbul và Ellen Francis đã phân tích trên tờ Washington Post về nội dung và đánh giá những trở ngại đối với thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
"Cực kỳ quan trọng với thế giới"
Thỏa thuận được ký hôm 22/7 có nhiều biên bản song song được Nga và Ukraine ký độc lập với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thỏa thuận này được coi là thành tựu ngoại giao của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò trung gian trong bối cảnh nạn đói gia tăng, đặc biệt ở khu vực Trung Đông và châu Phi.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/7 cho biết, thỏa thuận này sẽ đảm bảo việc xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine ca ngợi các thỏa thuận, nói rằng việc nối lại xuất khẩu "là cực kỳ quan trọng đối với Ukraine và thế giới".
Ông Shashwat Saraf, Giám đốc các vấn đề khẩn cấp khu vực Đông Phi của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, cho biết việc dỡ bỏ phong tỏa các cảng của Ukraine sẽ “giúp giảm bớt nạn đói cực độ mà hơn 18 triệu người ở Đông Phi đang phải đối mặt”.
Cụ thể trong thỏa thuận, một biên bản được ký đảm bảo tuyến đường an toàn cho các tàu chở ngũ cốc và nông sản từ các cảng Odessa, Chernomorsk và Yuzhny của Ukraine. Hành trình của các tàu chở ngũ cốc của Ukraine từ các cảng này sẽ được giám sát từ một trung tâm điều phối ở Istanbul, dưới sự giám sát của Liên hợp quốc cùng với đại diện của Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng thời, các đơn vị thanh tra được thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ kiểm tra hàng hóa trái phép và những người trên tàu của các chuyến hàng đi và đến từ các cảng Ukraine.
Tuy nhiên, Ukraine đã lên tiếng lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng các hành lang ở Biển Đen để tiến hành các cuộc tấn công vào các cảng. Thỏa thuận ngũ cốc cấm các bên phát động “bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào tàu buôn và các tàu dân sự khác và các cơ sở cảng” gắn liền với các biên bản này.
Cuộc tấn công của Nga vào Odessa hôm 23/7 nhằm vào cơ sở hạ tầng cảng chứ không phải hầm chứa ngũ cốc, quân đội Ukraine cho biết.
Thỏa thuận này không bao gồm việc rà phá bom mìn diện rộng trên Biển Đen. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, các tàu quét mìn từ một quốc gia khác sẽ được cử đến để quét các tuyến đường vận chuyển.
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc này sẽ có hiệu lực trong 120 ngày và có thể được gia hạn.
Bên cạnh đó, một thỏa thuận khác được cho là sẽ giúp Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón dễ dàng hơn. Những sản phẩm này không phải chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Nông dân thu hoạch ngũ cốc ở Odessa, Ukraine ngày 22/6. (Nguồn: Reuters) |
Mang tới nhiều hy vọng nhưng sẽ còn gặp khó
Các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine và Nga sẽ được cứu trợ khỏi nạn đói.
Người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Steve Taravella nhấn mạnh rằng vì thỏa thuận này cũng bao gồm phân bón, nên nó có thể giúp nông dân trên khắp thế giới cần nguồn cung phân bón của Nga giữ mùa gieo trồng đúng kế hoạch.
Theo ông David Laborde, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi trong thỏa thuận bởi nước này là trung tâm chế biến chính của ngũ cốc và hạt có dầu từ Ukraine và Nga.
Tuy nhiên, việc thỏa thuận được thực hiện nhanh chóng và thành công như thế nào lại phụ thuộc vào cam kết của các bên.
Trong khi đó, Ukraine và các đồng minh phương Tây tỏ vẻ nghi ngờ về tương lai của thỏa thuận sau khi Moscow sử dụng các tên lửa hành trình Kalibr nhằm vào hạ tầng quân sự của Kiev ở cảng Odessa.
Mặt khác, trung tâm điều phối ở Istanbul nhằm đảm bảo tàu bè qua lại an toàn vẫn chưa được thành lập và việc thực hiện các phần khác của thỏa thuận có thể sẽ mất nhiều tuần để thực hiện.
Những vụ tấn công vào các thành phố cảng hoặc các khu vực lân cận khiến cho các công ty vận tải biển khó đảm bảo việc cung cấp tàu đi qua Biển Đen làm suy yếu sự sẵn sàng của các công ty vận tải biển trong việc đưa tàu qua Biển Đen. Đồng thời, phí bảo hiểm dành cho các tàu đi trên tuyến đường này cũng tăng vọt kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu.
Bà Bindiya Vakil, giám đốc điều hành của Resilinc, một công ty quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, cho biết thỏa thuận là "tin tốt lành", nhưng sẽ mất thời gian để các chuỗi cung ứng từ Ukraine được khôi phục.
Tuy vậy, bà Vakil phân tích, ngay cả khi hoạt động xuất khẩu được nối lại, giao tranh vẫn tiếp tục làm tê liệt ngành nông nghiệp của Ukraine. Các cuộc pháo kích và tên lửa đã phá hủy các cánh đồng và làm hư hại các hầm chứa ngũ cốc và các tuyến đường vận chuyển trên khắp đất nước.
“Lệnh ngừng bắn là lựa chọn tốt nhất”, bà Vakil kết luận.