Sinh năm 1979, tên thật là Võ Thị Kim Cương, chị Út sang Hawaii (Mỹ) định cư từ năm 2005. Năm 2010, chị về thăm gia đình chồng ở Nepal và đã thuyết phục chồng ở lại đây lập nghiệp chỉ sau 3 tháng khám phá và cảm nhận mảnh đất này.
Tình người níu giữ
Luôn phải oằn mình chống chọi với thiên tai, Nepal là một trong những quốc gia kém phát triển với mức GDP bình quân đầu người hàng năm vào loại thấp trên thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nepal lên tới 40%. Những điều này hẳn sẽ làm nản lòng không ít người muốn gắn bó với Nepal. Thế nhưng, đất nước này lại níu chân chị Út, khiến chị bỏ Hawaii, nơi chị và chồng có thể tiếp tục đi học, đi làm và hứa hẹn có một tương lai tươi sáng hơn.
Nhiều người quen biết chị và chính tôi cũng có cùng một câu hỏi “vì sao”? Không chút đắn đo, chị trả lời: “Đó là vì con người Nepal”. Chị chia sẻ người Nepal sống hạnh phúc dù họ rất nghèo. Họ thật thà, không tham lam. Sáu năm kinh doanh hàng ăn ở thủ đô, sống giữa những con người thiếu thốn trăm bề song chị chưa từng mất vật gì đáng giá.
Chị Võ Thị Kim Cương. |
Chị Út nhớ lại, ngay sau trận động đất năm ngoái, chị đã mua một xe hàng toàn đèn chiếu sáng đem tới những trường học mất điện. Xe hàng ấy trị giá khoảng 5.000 USD. Mua xong, người bán hàng bảo chị gọi một bác xe kéo chở hàng về nhà giúp chị. Bác xe kéo và chị không hề quen biết, hai người trao đổi số điện thoại và địa chỉ. Ba mươi phút sau, người đàn ông trạc 50 tuổi với khuôn mặt khắc khổ đã chuyển đầy đủ số bóng đèn đến nhà chị. Hay lần đi phát hàng cứu trợ sau động đất ở Sindapachowk cũng để lại cho chị Út nhiều ấn tượng khó quên. Người dân không chen lấn mà xếp hàng tuần tự. Trong hàng trăm người đến nhận hàng cứu trợ, có một cụ bà đem cho chị ly trà sữa Nepal và cái bánh quy, nắm chặt tay chị cám ơn và khóc nức nở. Cụ đã mất hết nhà cửa và của cải sau cơn giận giữ của “mẹ thiên nhiên”.
Hạnh phúc đối với người Nepal không phải là được dạo bước trong các trung tâm thương mại sang trọng, cũng không phải là ngồi trên tàu điện ngầm hay xe buýt xịn đi lại hàng ngày. Những điều tưởng giản đơn ở bất kỳ quốc gia đang phát triển hay phát triển nào lại là điều xa xỉ đối với hầu hết người dân Nepal. Hạnh phúc với họ là được cười đùa trên những chiếc xe lam cũ kỹ. Chị Út cảm nhận chưa chắc những người đi những chiếc xe BMW hạng sang có được nụ cười tươi tắn và rạng ngời ấy. Với chị, người phụ nữ trải qua gần 40 tuổi xuân ở nhiều mảnh đất giàu nghèo khác nhau, người Nepal đã dạy chị quá nhiều điều - cả giá trị nhân văn và giá trị cuộc sống.
Chị cảm nhận rõ nét sự gắn kết của người dân Nepal với người dân Việt Nam cũng như người dân các nước khác. Bất kỳ ai đặt chân lên mảnh đất Phật Nepal đều cảm nhận được tình cảm mà người dân Nepal dành cho mình. Họ có thể mời khách về nhà, giới thiệu với họ hàng và cho ở lại đến khi nào khách muốn đi. Với họ, đó là lòng mến khách và niềm tự hào. Trong thế giới hội nhập và du lịch trở thành một nền công nghiệp, không phải nơi đâu cũng có những tấm lòng như ở Nepal.
Họ là những con người tuyệt vời. Bởi vậy, ai đi làm từ thiện khi qua Nepal, đều muốn giúp đỡ họ, không riêng gì chị Út. “Cháo lòng do Út nấu. Ai ăn thì alo ha!”, những dòng tin nhắn như vậy xuất hiện hàng ngày trên facebook cá nhân của chị. Những bát cháo lòng của người đầu bếp Việt giàu lòng nhân ái này đã làm ấm bụng biết bao người Việt xa quê và những người dân Nepal đang phải lăn lộn kiếm ăn từng ngày.
“Pho 99 luôn ở đó và chị luôn ở đó”
Nhiều người ví quán Pho 99 (Phở 99 - PV) tại Kathmandu của chị như một “sứ quán” Việt Nam tại Nepal. Nghe vậy, chị chỉ cười rồi trần tình: “Sau động đất, tất cả nhà hàng, khách sạn, siêu thị đều đóng cửa. Chỉ có Pho 99 Kathmandu của chị vẫn mở cửa cho người dân tá túc nên mọi người đùa vậy thôi. Chứ chị đâu làm gì được như Đại sứ quán mình tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal! Mọi người coi Pho 99 Kathmandu là Ngôi Nhà Chung ở Nepal, điều đó khiến chị hạnh phúc vô cùng!". Với người phụ nữ quê Long An ấy, Pho 99 luôn là mái nhà chung của tất cả người Việt khi tới Nepal, không chỉ là trong lúc hoạn nạn mà cả khi có việc cần sự giúp đỡ của nhau. “Pho 99 luôn ở đó và chị luôn ở đó để sẵn sàng giúp đỡ với tất cả những gì có thể”, chị Út cười.
Quán Phở 99 (Pho 99), mái nhà chung của người Việt Nam khi tới Nepal. |
Chị Út muốn làm rất nhiều điều cho cả hai đất nước, hai quê hương. Nhưng chị chia sẻ hiện tại chỉ có thể làm theo khả năng của mình. Chị hy vọng đem ẩm thực Việt Nam đến với người Việt ở Nepal và người dân Nepal. Chị rất tự hào vì giờ đây người Nepal đã biết về Việt Nam và ẩm thực Việt, điều tưởng chừng như không thể làm được cách đây 5 năm, khi chị cùng chồng quyết định định cư ở Nepal. Khởi nghiệp trên mảnh đất ấy, ban đầu chị cảm thấy vô cùng tuyệt vọng bởi mọi thứ quá khó khăn, cúp điện 12 tiếng/ngày, không người Nepal nào biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới hay dùng nước mắm làm gì. Chị đã khóc rất nhiều nhưng rồi cái khổ cũng vơi dần, giờ đây, thay vào đó là niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào. Tôi nhận thấy ở người phụ nữ ấy một sự mạnh mẽ, không gì là không thể làm, chỉ cần có thời gian và tâm huyết.
“Trong tương lai gần, chị có dự định quay lại Việt Nam hay định cư ở một quốc gia nào?”, tôi băn khoăn. Chị trả lời: “Ở Nepal, chị được là chính mình!”, được nến trải những hạnh phúc giản dị, cùng người dân Nepal bước qua những khó khăn. Ở Hawaii rất có thể chị khó có được cảm giác đó.