Ngọn đuốc Olympic Paris 2024 đã được thắp sáng ở tàn tích của Đền Hera 2.600 năm tuổi, bắt đầu hành trình rước đuốc, đánh dấu thời gian đếm ngược đến Thế vận hội năm nay.
Ngày 16/4, ngọn đuốc Olympic Paris 2024 đã chính thức được thắp lên tại tàn tích của Đền Hera 2.600 năm tuổi (nằm trong thị trấn Olympia cổ đại ở Tây Nam Hy Lạp) và bắt đầu cuộc rước đuốc, đánh dấu giai đoạn cuối cùng hướng đến Thế vận hội. Trong ảnh: Các nữ diễn viên trong vai nữ tư tế cổ đại thực hiện nghi lễ thắp sáng ngọn đuốc Olympic ở thị trấn Olympia, nơi Thế vận hội ra đời vào năm 776 TCN. (Nguồn: Reuters)
Ngọn đuốc gợi nhớ đến Thế vận hội cổ đại, ngọn lửa thiêng bùng cháy trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Truyền thống này bắt đầu được thực hiện trở lại vào năm 1936 ở Thế vận hội Berlin. Trong ảnh: Các “nữ tư tế” thực hiện nghi lễ thắp sáng ngọn đuốc Olympic. (Nguồn: Reuters)
Theo Popular Science, lễ rước đuốc luôn bắt đầu với việc thắp lửa ở Khu di tích Olympia (Hy Lạp) - nơi diễn ra các kỳ thế vận hội đầu tiên kể từ thời cổ đại. Nhưng để thắp lửa, người ta không dùng cách thông thường mà sử dụng một gương cầu lõm hội tụ ánh sáng mặt trời để thắp đuốc. (Nguồn: Reuters)
Để dự phòng cho tình huống không đủ ánh nắng trong ngày diễn ra buổi lễ chính thức, một buổi tổng duyệt sẽ được tổ chức trước đó. Một ngọn lửa phụ được thắp lên trong buổi tổng duyệt này và duy trì cho tới sau khi lễ đốt đuốc kết thúc. Năm nay, buổi tổng duyệt lễ rước đuốc Olympic Paris 2024 đã diễn ra vào ngày 15/4. (Nguồn: Reuters)
Trong vai nữ tư tế cao cấp, nữ diễn viên Hy Lạp Mary Mina đã sử dụng gương parabol hứng ánh sáng Mặt Trời để thắp sáng ngọn đuốc Thế vận hội. (Nguồn: Reuters)
Việc giữ cho ngọn lửa luôn cháy sáng trong bất kể địa hình hay thời tiết nào, tốn không ít công sức. Trong suốt 85 năm qua, bằng nhiều phương thức phức tạp và kỳ công, ngọn lửa biểu tượng cho tinh thần thể thao luôn có mặt để đánh dấu sự bắt đầu của một kỳ thế vận hội. Nghi lễ này không chỉ đại diện cho sự bắt đầu và kết thúc của sự kiện thể thao trọng đại nhất thế giới, mà còn tượng trưng cho việc con người nỗ lực gìn giữ một nghi thức truyền thống. (Nguồn: Reuters)
Cây đuốc mà những người tham gia rước đuốc chuyền tay nhau cũng rất đặc biệt. Trải qua nhiều kỳ thế vận hội, thiết kế cây đuốc đã thay đổi nhiều lần nhưng đều có mục đích là không để cho lửa tắt. Bên trong cán đuốc có một bình nhiên liệu, được thay thế thường xuyên để duy trì ngọn lửa luôn cháy sáng và một cơ chế giữ lửa dự phòng trong trường hợp ngọn lửa bị tắt do trời mưa, tuyết rơi. (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, dù cho cây đuốc được thiết kế tinh xảo thế nào, ngọn lửa từng bị tắt nhiều lần trong quá trình những người cầm đuốc chạy tiếp sức. Để khắc phục vấn đề này, ban tổ chức dùng ngọn lửa ấy thắp sáng nhiều lồng đèn chuyên dụng và mang chúng theo cây đuốc chính. (Nguồn: Reuters)
Ngọn đuốc của Olympic Paris 2024 có vẻ ngoài thanh mảnh, gợi nhớ tới những con sóng từ biển Địa Trung Hải hay các đại dương trên thế giới. Ngọn đuốc nặng khoảng 1,5 kg và dài 70 cm, có khả năng chống nước và chịu được sức gió có thể lên tới 60km/h. Có khoảng 6 tấn thép đã được sử dụng để chế tạo khoảng 2.000 ngọn đuốc phục vụ các lễ rước đuốc và hoạt động tiếp thị ở Olympic Paris 2024, Tập đoàn sản xuất thép Arcelormittal có trụ sở ở Luxembourg đảm nhận công việc này. (Nguồn: Reuters)
Sau nghi lễ thắp đuốc truyền thống, nữ diễn viên Mina truyền ngọn lửa cho người cầm đuốc đầu tiên là nhà vô địch chèo thuyền Olympic Stefanos Douskos, đánh dấu việc bắt đầu chặng chạy tiếp sức kéo dài 11 ngày ở Hy Lạp. Khoảng 600 người cầm đuốc sẽ mang ngọn lửa đi qua quãng đường 5.000 km, qua 41 thành phố. (Nguồn: Reuters)
Ngọn lửa sau đó sẽ được trao cho Ban tổ chức Olympic Paris ở Athens vào ngày 26/4 trước khi "tạm dừng chân" một đêm tại Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Hy Lạp và ngày hôm sau sẽ khởi hành đến Pháp trên thuyền buồm Belem. Trong ảnh: Nhà vô địch chèo thuyền Olympic Stefanos Douskos bắt đầu chặng rước đuốc đầu tiên. (Nguồn: Reuters)
Anh tiếp lửa cho người cầm đuốc thứ hai - vận động viên bơi lội người Pháp Laure Manaudou. Ngọn lửa Olympic sẽ đến thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp, vào ngày 8/5. Dự kiến có khoảng 150.000 người sẽ tham dự buổi lễ "đón đuốc" tại Cảng Cũ (Vieux Port) của thành phố này, trước khi chặng chạy tiếp sức ở Pháp bắt đầu. Chặng này sẽ kéo dài 68 ngày và ngọn đuốc thiêng sẽ được thắp sáng tại Lễ khai mạc Olympic Paris vào ngày 26/7. (Nguồn: Reuters)