Dù Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn vì Covid-19, nhưng “bong bóng” Olympic Tokyo dường như vẫn đứng vững. (Nguồn: Getty) |
Olympic Tokyo 2020 thật sự là một sự kiện thể thao kỳ lạ khi phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Vốn được lên kế hoạch tổ chức vào năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên phải lùi lại một năm.
Trước khi chính thức được khai mạc vào ngày 23/7 vừa qua, đông đảo người dân Nhật Bản đã phản đối việc tổ chức sự kiện này khi đất nước mặt trời mọc đang phải trải qua làn sóng thứ năm của đại dịch Covid-19, do biến thể Delta gây ra. Trong khi đó, các chuyên gia y tế đã bày tỏ không ít lo ngại về việc Olympic Tokyo sẽ trở thành một sự kiện “siêu lây nhiễm”, khi hội tụ hơn 11.000 vận động viên trên khắp thế giới tới thủ đô của Nhật Bản.
Ngày 21/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra cảnh báo rằng: “Tới khi ngọn đuốc Olympic tắt vào ngày 8/8, sẽ có thêm 100.000 người thiệt mạng do dịch Covid-19. Đại dịch là một ‘bài kiểm tra’, và thế giới đang ‘trượt’. Bất kỳ cá nhân nào nghĩ dịch bệnh đã qua đi, thì họ đang sống trong ‘một thiên đường dành cho kẻ ngốc’”.
“Bong bóng” chưa vỡ
Những ngày qua, Nhật Bản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Riêng tại Tokyo, thành phố đăng cai Olympic, hằng ngày đều ghi nhận vài nghìn ca mắc Covid-19 mới. Tính từ ngày 30/7-3/8, Nhật Bản đã liên tục ghi nhận hơn 10.000 ca/ngày. Trong khi đó, tính đến ngày 30/7, mới chỉ có 28,3% trong tổng số 126 triệu dân ở Nhật Bản đã tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết sự gia tăng đột biến số ca bệnh gần đây ở Tokyo và trên toàn quốc phần lớn là do biến thể Delta. Ông Suga cũng kêu gọi người dân nên cảnh giác và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm, đồng thời, người dân cũng nên xem thế vận hội trên tivi ở nhà thay vì tụ tập theo nhóm.
Dù Tokyo đang trải qua những ngày tháng lo sợ vì Covid-19, nhưng “bong bóng” phòng dịch bên trong làng Tokyo vẫn chưa thể bị chọc thủng. Ban tổ chức Olympic đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa các đoàn thể thao cũng như giữa các đoàn thể thao và người dân bản địa.
Các biện pháp cơ bản bao gồm: không cho phép khán giả tham dự các sự kiện, hạn chế các đoàn thể thao tiếp xúc với nhau, xét nghiệm hằng ngày để sớm phát hiện các ca nhiễm và có phương án ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng rãi…
Trước đó, ngày 15/7, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach khẳng định, 85% vận động viên và quan chức tham gia Thế vận hội Tokyo 2020, gần 100% nhân viên cũng như quan chức của IOC, khoảng 70-80% trong số phóng viên, nhà báo, những người đại diện cho các hãng truyền thông quốc tế đến Nhật Bản đưa tin về sự kiện này đã được tiêm vaccine hoặc miễn dịch với Covid-19.
Nhưng còn đó lo ngại
Ngay cả khi Olympic khó có thể trở thành một sự kiện “siêu lây nhiễm”, nhưng không có nghĩa là điều đó không thể xảy ra.
Dù đã rất cố gắng ngăn chặn, Olympic Tokyo vẫn ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 khá lẻ tẻ. Ngày 29/7, Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo báo cáo thêm 24 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, liên quan đến các môn thi đấu. Đây là con số hằng ngày cao nhất kể từ khi Thế vận hội diễn ra, nâng tổng số tích lũy lên 193 ca nhiễm Covid-19 từ đầu tháng Bảy đến nay.
Người phát ngôn của Ủy ban Olympic quốc tế Mark Adams nhấn mạnh rằng, khó có khả năng các trận đấu trở thành nguồn lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, Giám đốc y tế và khoa học của ban tổ chức Olympic, Richard Budgett cho biết, các trận thi đấu được chuẩn bị để đối phó với các trường hợp lây nhiễm ở nơi đang diễn ra Thế vận hội và sẽ không tạo ra gánh nặng cho các bệnh viện địa phương.
Ngoài ra, Olympic có thể trở thành chất xúc tác gián tiếp khiến tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản tiếp tục trầm trọng hơn. Bất chấp lệnh cấm khán giả, nhiều người tại Tokyo giờ đây còn tìm cách xem trực tiếp các môn thi đấu, như hàng trăm người chen nhau trên một cây cầu gần địa điểm tổ chức môn biểu diễn xe đạp tự do.
Dù vậy, với những thành công trước mắt trong khâu tổ chức và phòng ngừa dịch, Tokyo Olympic 2020 đã trở thành một món ăn tinh thần cần thiết, nhất là đối với người dân châu Á trong bầu không khí ảm đạm vì Covid-19.