Trong cuộc sống ngày nay, nhịp sống nhanh, áp lực công việc và những va chạm trong gia đình và xã hội khiến nhiều người rơi vào trạng thái luôn căng thẳng, lo âu. Bên cạnh những phương pháp tập luyện để kiểm soát cảm xúc, chế độ dinh dưỡng là một kênh quan trọng để giúp ổn định tâm lý và bổ sung năng lượng…
Bảo đảm nguồn năng lượng ổn định
Chất bột đường là nguồn năng lượng quan trọng cho mọi hoạt động của cơ thể, nhất là các tế bào não. Việc bỏ bữa gây thiếu đường có thể gây ra một số triệu chứng hạ đường huyết ở một số người nhạy cảm như mệt mỏi, lo sợ, căng thẳng. Ngược lại, việc ăn nhiều thực phẩm tinh lọc, hay ăn ngọt, uống nhiều nước ngọt có thể làm tăng vọt đường huyết tạo được cảm giác thoải mái nhất thời do não là tổ chức nhạy cảm nhất với chất đường. Tuy nhiên, cảm giác này cũng chóng biến mất khi đường huyết hạ xuống.
Những dao động tâm lý xảy ra thường xuyên dễ gây tình trạng “nghiện” chất ngọt, làm rối loạn hoạt động nội tiết, gia tăng những stress oxy hoá và ảnh hưởng xấu đến hành vi và tâm lý của con người. Do đó, để bảo đảm một nguồn năng lượng kéo dài và ổn định, khẩu phần hợp lý cần khoảng từ 65% đến 75% năng lượng từ ngũ cốc.
Nguồn chất đạm dễ chuyển hóa cần thiết
Một nghiên cứu ở Nhật cho thấy, những người bệnh thận phải ăn giảm chất đạm trong khẩu phần hàng ngày dễ xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, căng thẳng. Hoạt động của tế bào não cần nhiều loại protein thiết yếu khác nhau, đặc biệt là tryptophan. Khi vào cơ thể, tryptophan sẽ được chuyển hoá thành serotonin có tác dụng làm tăng cảm giác hưng phấn, lạc quan.
Tryptophan có nhiều trong cá, thịt bò, thịt lợn, gà, gà tây, trứng, các loại đậu như đậu nành, đậu xanh. Tuy nhiên, chỉ nên dùng một ít thịt bò, thịt lợn đã gạn bỏ mỡ, các loại đạm động vật dễ chuyển hoá từ cá, các loại thịt trắng hoặc đạm thực vật từ các loại đậu. Nhu cầu trung bình lượng đạm cho một người khoảng từ 70-90g/ngày.
Những sinh tố, chất khoáng làm dịu thần kinh
Có nhiều sinh tố và chất khoáng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một tâm lý thoải mái cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc thiếu một vài loại sinh tố, nhất là nhóm sinh tố B sẽ làm rối loạn hoạt động của não. Trong những điều kiện stress, nhu cầu những loại vi chất này gia tăng nhiều so với bình thường.
Một nghiên cứu về ảnh hưởng của sinh tố B1 được báo cáo tại Hội thảo về Dinh Dưỡng và Hành vi ở Đại học Meninsota cho thấy, những người có khẩu phần bị giới hạn B1 nhiều nhất là những người có tâm lý suy sụp nhiều nhất và kéo dài nhất. Sau đó, chỉ trong vài ngày được cung cấp đầy đủ lượng B1, tình trạng hành vi và tâm lý, kể cả sự ngon miệng của tất cả mọi người đã được cải thiện nhanh chóng.
Sự thiếu hụt một số chất khoáng quan trọng như magnesium và calcium cũng dễ gây ra những triệu chứng căng thẳng, lo sợ hoặc suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, nhiều thí nghiệm khoa học cho biết những đối tượng trải qua stress đều có biểu hiện sụt giảm nghiêm trọng lượng các chất kẽm, sắt... Các khoáng chất này có nhiều trong đồ hải sản và sữa chua.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc chống stress, bao gồm nhân sâm và sinh tố như B1, B6, C hoặc khoáng chất như Magnesium, Calcium. Những viên sinh tố này có thể dùng tạm thời trong khi chúng ta quá mệt mỏi, căng thẳng vì công việc. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyên không nên dùng những chế phẩm này thường xuyên hoặc dài ngày vì có thể gây ra phản ứng phụ có hại cho các hoạt động chức năng khác của cơ thể.
Lương y VÕ HÀ