📞

Ổn định thị trường hàng hóa, tập trung tiếp sức cho TP. Hồ Chí Minh

Hoàng Tùng 10:49 | 27/08/2021
Trong lúc nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang nỗ lực vượt qua khó khăn trong những ngày thực hiện siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì nhiều địa phương, đơn vị khác trên cả nước cũng tập trung hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh cho TP. Hồ Chí Minh chống chọi lại dịch Covid-19.
105 tấn nông sản Sơn La sẽ có mặt tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 28/8. (Nguồn: TTXVN)

Với sự góp sức từ các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương kết nối với Sở Công Thương tỉnh Sơn La, 105 tấn nông sản Sơn La đã xuất phát từ Ga Hà Nội rạng sáng ngày 26/8 và dự kiến sẽ có mặt ở TP. Hồ Chí Minh vào ngày 28/8.

Theo Bộ Công Thương, nông sản, hàng hóa Sơn La được tập kết về Hà Nội đêm 25/8 sau đó vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh gồm: gạo, mì tôm, bột canh, dầu ăn, nước mắm, mì chính, hạt nêm, bún miến, bí xanh, bí đỏ, đu đủ, su su, khoai tây, măng khô và lạc.

Đồng hành cùng Sơn La trong chuyến hàng này là các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ vận chuyển miễn phí còn có Công ty Vận tải và Thương mại đường sắt Ratraco và Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post).

Cũng trong sáng 26/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đưa vào sử dụng hệ thống cấp oxy dòng cao, hệ thống cung cấp không khí và hệ thống hút chân không cho gần 400 giường của khu 5 tầng và khu nhiễm A, D phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tổng giá trị thực hiện toàn bộ các hệ thống này khoảng 8,5 tỷ đồng. Đây là đóng góp ý nghĩa và kịp thời của Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công Thương và các đơn vị tài trợ, đã chung sức cùng ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Liên quan tới những lúng túng trong việc thực hiện combo “đi chợ hộ”, trong những ngày qua, tiếp thu phản ánh của người dân ở một số địa bàn dân cư tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng liên ngành đã và đang phối hợp cùng nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh để gỡ rối cho người dân. Theo đó, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhà bán lẻ, doanh nghiệp khẩn trương điều chỉnh combo "đi chợ hộ" phù hợp nhu cầu người dân và đảm bảo cả về chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Trước diễn biến thực tế của thị trường, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh trên địa bàn nghiên cứu, thiết kế, cũng như tăng thêm số lượng combo "đi chợ hộ". Combo "đi chợ hộ" cần đảm bảo vừa đáp ứng đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, vừa phù hợp với mức thu nhập của nhiều thành phần trong xã hội để người dân dễ dàng lựa chọn.

Tại các địa phương miền Bắc và miền Trung, theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, trong ngày 25/8, tình hình thị trường, lưu thông hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.

Thống kê cho thấy Hà Nội có 27 chợ, 5 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa, giảm 3 chợ và 2 cửa hàng tiện ích so với ngày 24/8 nhưng hàng hoá đảm bảo nguồn cung và không tăng giá.

Các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn thành phố tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân.

Trong khi đó, tại TP. Đà Nẵng, ngày 25/8, Tổ công tác đặc biệt ghi nhận có hiện tượng quá tải trong việc cung ứng hàng hóa do nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm bị giảm trong khi nhu cầu đặt hàng tăng cao.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương Đà Nẵng đã đề xuất UBND thành phố thống nhất cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa 100% số người làm việc, cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ được hoạt động.

Bên cạnh đó, tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn; phối hợp đề xuất cho phép lò giết mổ Đà Sơn hoạt động trở lại; kết nối, phối hợp với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động.

(theo TTXVN)