TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ 2016: Cuộc chạy đua sức khỏe | |
Mỹ: Ứng cử viên Tổng thống lại tranh cãi về chính sách |
Kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nặng nề nếu như tỷ phú Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và áp đặt những loại thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó là lời khẳng định của Nhà kinh tế học nổi tiếng, từng đoạt giải Nobel Kinh tế - Joseph Stigliz khi trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Bloomberg tại Hong Kong.
Giáo sư Joseph Stigliz trả lời phỏng vấn Bloomberg TV. (Nguồn: Fortune) |
Nếu ông Trump được lựa chọn làm Tổng thống Mỹ và áp đặt các loại thuế mới đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc, điều đó sẽ tác động gì tới kinh tế Mỹ, thưa ông?
Đánh thuế vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ngay lập tức đem đến 2 hậu quả. Thứ nhất, những người lao động lâu nay phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sẽ thấy cuộc sống khó khăn hơn. Ông Trump muốn như vậy là để các công ty sản xuất quay trở về Mỹ, nhưng khả năng đó rất thấp. Mặt khác, Trung Quốc nhất định sẽ trả đũa. Là một thành viên của WTO, Trung Quốc có quyền áp đặt tăng thuế lên những mặt hàng tương tự mà nước này nhập từ Mỹ. Đó là chiến tranh thương mại. Tất nhiên, Trung Quốc sẽ phản công một cách có chọn lọc, khi đó nhiều người sẽ bị mất việc chứ không phải có thêm việc làm như ông Trump kỳ vọng. Tôi nghĩ rằng, trong cuộc chiến này, Mỹ sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn.
Ông Trump có đang phóng đại những lo ngại về hoạt động thương mại với Trung Quốc?
Có thể nói đó là những lo ngại khá ngây thơ và thiếu cơ sở. Người xuất khẩu có lợi khi được hưởng chênh lệch về tỷ giá hối đoái và mức lương thấp hơn ư? Không, Họ sẽ bán hàng của họ vào thị trường Mỹ dựa vào lợi thế so sánh, nước Mỹ đã đánh mất một phần lợi thế so sánh vì không có được một chính sách tốt để sản xuất phát triển. Nhưng Mỹ vẫn có lợi thế so sánh về các ngành công nghệ cao. Chúng ta đang sống trong hệ thống thương mại toàn cầu, vì vậy, không thể chỉ xét về thương mại song phương. Chúng tôi có thể bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhưng chúng tôi lại xuất siêu sang một nước khác.
Với cách xử lý tình huống như vậy, nếu ông Trump là sinh viên, ông ấy sẽ chỉ nhận được điểm F cho môn Nguyên lý kinh tế.
Ông chỉ cho ông Trump điểm F?
Vâng, điểm F. Ông ấy có vẻ chẳng hiểu gì nhiều về kinh tế.
Nếu chiến thắng, ông Trump có thể thực hiện được các cam kết, chẳng hạn việc đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc?
Mọi người đều nói đến việc ông Trump sẽ rất khó khăn để thực hiện các cam kết, bởi các điều luật hiện tại và quá trình dân chủ của nước Mỹ. Chưa từng có một nhân vật nào đi quá xa “lối mòn” đến thế. Nhưng câu trả lời chính xác nhất là chẳng ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra. Tổng thống có nhiều quyền hạn và tầm ảnh hưởng cũng rất lớn.
Ông Donald Trump bị Joseph Stigliz cho điểm F môn nguyên lý kinh tế. (Nguồn: BBC) |
Về kinh tế Trung Quốc, ông có nghĩ rằng họ đang phát triển đúng hướng?
Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc không thể tránh khỏi “hạ cánh cứng”. Họ đã làm được một việc khá ấn tượng, đó là giữ nền kinh tế thăng bằng và tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cách mà họ làm đang tạo nên rủi ro lớn thông qua tăng trưởng tín dụng nóng.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng sẽ họp quyết định chính sách trong tuần này, ông dự đoán thế nào về quyết định của họ?
Chúng ta vừa đạt đến các giới hạn của chính sách tiền tệ. Bởi vậy, các chính sách đó chỉ có thể phát huy tốt đối với các nhóm chưa từng được hưởng lợi từ nới lỏng tín dụng, chẳng hạn, các doanh nghiệp nhỏ. Tôi không nghĩ rằng, Nhật Bản sẽ làm điều gì đó tồi tệ. Nhật Bản chỉ có vấn đề với lực lượng lao động.
Ông nói rằng, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ rơi vào khoảng từ 9-12%, ông giải thích thế nào về quan điểm của mình?
Bạn phải tính cả những người không tự nguyện làm việc bán thời gian. Có những người không có nhu cầu tìm kiếm việc làm, những người đang tìm kiếm một công việc, kể cả những người đang làm công việc của người khuyết tật mà thực tế họ không thuộc đối tượng đó. Tỷ lệ không chính xác lắm, nhưng sẽ rơi vào một điểm nào đó trong khoảng từ 9 đến 12%. Tuy nhiên, hiện chưa có áp lực lạm phát đáng kể, đó là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn còn rất nhiều cơ hội.
Giáo sư Joseph Stigliz (73 tuổi) của Đại học Columbia đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001. Ông từng là Phó chủ tịch và Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Ông Stigliz cũng từng là thành viên và sau đó là Chủ tịch của Hội đồng cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Bill Clinton, từ năm 1995 đến 1997. |
Điều gì đang xảy ra ở Mỹ? Những gì xảy ra trong nền kinh tế số 1 thế giới đang làm cho giới chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư cảm ... |
Trung Quốc trong chính sách của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ Quan hệ Mỹ - Trung được coi là mối quan hệ quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Tổng thống tiếp theo của ... |