📞

Ông Kurt Campbell: Mỹ dịch chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại sang Đông Nam Á

Việt Hà 07:30 | 08/07/2021
Ông Kurt Campbell, quan chức điều phối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã có bài phát biểu quan trọng về chính sách Đông Nam Á của Washington.
Ông Kurt Campbell, quan chức điều phối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Trong bài nói chuyện tại Hiệp hội châu Á, quan chức điều phối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell bày tỏ sự “kinh ngạc” trước sự quyết tâm của Trung Quốc nhằm chiếm vị trí dẫn dắt trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Mỹ khẳng định sẽ tăng cường can dự vào Đông Nam Á để kiềm chế xu hướng này.

Củng cố sợi dây kết nối với Đông Nam Á

Theo ông Campbell, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao với Đông Nam Á, bởi Mỹ coi sự can dự này là chìa khóa cho thành công của chính sách tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Campbell nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng, để có chiến lược hiệu quả ở châu Á và cách tiếp cận hiệu quả ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ cần phải làm nhiều hơn ở Đông Nam Á”.

Tuy vậy, kế hoạch của Mỹ tại Đông Nam Á đã chịu tác động tiêu cực khi Đối thoại Shangri-La 2021 bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19. Sự kiện này có thể có sự tham gia của các quan chức quốc phòng, giới chức ngoại giao và nhà sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới.

Việc các hội nghị thượng đỉnh trong khu vực được tổ chức trực tuyến là nhân tố khác ảnh hưởng đến kế hoạch. Tuy vậy, qua việc trao tặng vaccine và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Mỹ đang tìm cách can dự vào khu vực một cách bền vững.

“Mỹ đang thực hiện kế hoạch này thông qua chương trình vaccine cũng như hợp tác với nhóm Bộ tứ. Chúng tôi sẽ can dự sâu để đảm bảo cung cấp vaccine trong năm 2022 cho khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Chúng tôi cho rằng, đây là điều quan trong nhất mà chúng tôi có thể đóng góp trong tương lai gần”, ông Campbell khẳng định.

Sáng kiến B3W và đối trọng với Trung Quốc

Về vấn đề cơ sở hạ tầng, ông Campbell nói: “Mỹ đang xem xét cẩn trọng cách áp dụng các yếu tố của Sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) được đưa ra ở châu Âu vào tháng trước”.

B3W là sáng kiến cơ sở hạ tầng được Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo nhóm G7 đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh tại Cornwall, Anh hồi tháng 6.

Dự án này bao gồm thúc đẩy những thỏa thuận tài chính mới về cơ sở hạ tầng tại Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC).

Nhà ngoại giao 64 tuổi nói: “Khi Tổng thống Biden chào đón các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ cuối năm nay, bạn sẽ thấy một số cam kết mà tôi cho rằng sẽ thú vị, dứt khoát, không chỉ hướng đến việc tiếp tục chính sách 'ngoại giao vaccine' mà còn cả về cơ sở hạ tầng”.

Về “mối đe dọa Trung Quốc”, ông Campbell cho hay: “Tôi ngạc nhiên vì những điều tôi đã đọc, đã thấy, đã trải qua và có những trải nghiệm ngoại giao. Nhưng có điều này là không thể phủ nhận: Trung Quốc đang muốn có vai trò dẫn dắt trên trường quốc tế, không thiện cảm với Mỹ và muốn định hình lại cách châu Á vận hành".

Để đối phó với thách thức này, theo ông Campbell, chính quyền của Tổng thống Biden đã đưa châu Á thành khu vực được chú trọng hàng đầu.

Quan chức cấp cao Nhà Trắng trên khẳng định: “Cộng đồng quốc tế có thể thấy sự dịch chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại một cách rõ ràng từ Trung Đông sang châu Á. Mỹ vẫn quan tâm đến những thách thức thực sự từ một số khu vực như Afghanistan, nhưng Washington cũng sẽ chú trọng hơn đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Vì vậy, Mỹ cần đưa ra một chiến lược mang lại cho Trung Quốc cơ hội, nhưng cũng cần có phản ứng nếu Bắc Kinh có những bước đi "đối nghịch với việc duy trì hòa bình và ổn định".

Khi được hỏi về thời gian của cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và khả năng sự kiện này sẽ diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 10, ông Campbell trả lời: “Tôi kỳ vọng hai nước sẽ có cam kết nào đó trước khi quá muộn”.

(theo Nikkei Asia)