📞

Ông Obama đã cứu nền kinh tế Mỹ như thế nào?

16:51 | 12/01/2017
Thường rất khó để đánh giá kết quả cải cách kinh tế sau một đời Tổng thống Mỹ, riêng Obama thì khác, bởi nhiệm kỳ của ông bắt đầu khi nền kinh tế Mỹ đang trong cuộc đại suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1930.

Nước Mỹ từng bên bờ vực suy thoái

Hai nhiệm kỳ (8 năm) của vị Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama chuẩn bị kết thúc. Thành tựu mà Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama để lại cho nước Mỹ là một nền kinh tế khỏe mạnh, đang trên đà phục hồi và tăng trưởng, trái ngược hẳn với khi ông chính thức bước chân vào Nhà Trắng – nền kinh tế suy giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt vì giới doanh nghiệp sa thải hàng loạt nhân công. Cơn cuồng phong “nhiều trong một: khủng hoảng bất động sản, tín dụng địa ốc, tài chính ngân hàng và sự sụp đổ của ngành tài chính” hoành hành.

Việc đánh giá kết quả kinh tế sau một đời Tổng thống thường rất khó bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn quá phức tạp. Chưa kể, các sáng kiến chính sách thường không tác động quá mạnh đến nền kinh tế để dễ dàng tính toán được. Tuy nhiên, câu chuyện 8 năm lèo lái con thuyền kinh tế Mỹ vượt khủng hoảng của Tổng thống Obama lại được người ta nhắc đến nhiều. Bởi, ngày 20/1/2009 khi ông Obama nhậm chức, cũng là lúc nền kinh tế Mỹ đang tròng trành giữa cuộc đại suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1930.

Đúng như khẩu hiệu lúc tranh cử, ông Obama đã hành động “làm thay đổi bộ mặt của nước Mỹ và thế giới”. (Nguồn: FT)

Báo cáo kinh tế mới nhất của Chính phủ Mỹ đã phân tích những thành tựu mà Tổng thống Obama đã đạt được. Bắt đầu bằng bối cảnh nền kinh tế Mỹ rơi tự do vào đầu năm 2009, báo cáo viết: “Nhiều người đã quên rằng nước Mỹ từng chạm gần đến điểm suy thoái sâu như thế nào. Thậm chí, một vài số liệu kinh tế vĩ mô cho thấy, năm đầu tiên của cuộc Đại suy thoái 2007, nền kinh tế Mỹ còn suy giảm nhiều hơn so với thời điểm bắt đầu cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 – 1930".

Lẽ ra, trách nhiệm vực dậy nền kinh tế thuộc về chính quyền lâm thời lúc đó là ông George W. Bush, Cục dự trữ liên bang (Fed) và Quốc hội. Tuy nhiên, phần lớn các nghị sĩ đảng Cộng hòa của Tổng thống đương nhiệm lúc đó đã kịch liệt phản đối các biện pháp tài chính, tài khóa, tiền tệ, có thể đưa ra để đối phó với khủng hoảng.

Nhưng ở thời điểm ứng cử viên Tổng thống gốc Phi Obama bắt đầu được chú ý trong các chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ vào đầu năm 2008, cũng là thời điểm sàn chứng khoán New York hứng chịu hậu quả từ vụ “chìm xuồng” lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính, ngân hàng Mỹ: Ngân hàng đầu tư và chứng khoán lớn thứ tư của nước này tuyên bố phá sản với khoản nợ 613 tỷ USD.

Trước đó không lâu, bong bóng trên thị trường chứng khoán, bất động sản đã “thổi” các loại cổ phiếu trở thành những món tài sản tốt để đầu tư, nhưng sau đó, thị trường đã nhanh chóng chạm mức đáy. 8 triệu lao động Mỹ đã mất việc làm, 7 triệu người bị tịch biên nhà ở, thị trường bất động sản đóng băng. Khi ông Obama chính thức nhậm chức, mỗi tháng, nước Mỹ mất khoảng 800.000 việc làm.

Những nỗ lực của Chính quyền Obama

Đúng như khẩu hiệu lúc tranh cử, ông Obama đã hành động “làm thay đổi bộ mặt của nước Mỹ và thế giới”, đưa nền kinh tế dần trở về quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, dù khá chật vật để lấy lại đà tăng trưởng dưới 3%/năm - tỷ lệ tăng trưởng cao nhất so với tất cả các nước phát triển, đây vẫn là điểm mà chính phủ của ông bị chỉ trích nhiều nhất. Bởi vì, so với mức tăng trưởng trung bình trên 3%/năm trước suy thoái, mức tăng trưởng như hiện nay vẫn bị coi là chậm chạp.

Đại suy thoái đã tác động quá mạnh vào nền kinh tế Mỹ. Để vượt qua khó khăn bủa vây, Tổng thống Obama đã thông qua kế hoạch kích cầu gần 800 tỷ USD, tăng ngân sách liên bang và bơm khoản tiền đó vào các hoạt động kinh tế, giảm thuế để kích thích doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên, thuyết phục Fed áp dụng các biện pháp can thiệp bất thường để hỗ trợ kinh tế, nới lỏng chính sách tiền tệ…

Chứng khoán Mỹ sau đó đã chứng kiến xu hướng đi lên trong gần 8 năm qua. Chỉ số S&P 500 đến nay tăng hơn 200%. Ông Barack Obama đã trở thành một trong những vị Tổng thống hỗ trợ tốt nhất cho thị trường chứng khoán Mỹ.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump từng vận động tranh cử bằng lời hứa ông sẽ khiến ngành sản xuất Mỹ tuyệt vời trở lại. Nhưng thực ra, dưới thời ông Obama, ngành sản xuất Mỹ đã bùng nổ. Ngành này đang ở mức cao mới khi công nghiệp ô tô phục hồi. Sự bùng nổ công nghiệp dầu đá phiến đã giúp Mỹ có cuộc cách mạng năng lượng.

Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 200% sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. (Nguồn: Getty Images)

Cuối nhiệm kỳ của ông Obama, nền kinh tế đã có sự thay đổi đáng kể. Các doanh nghiệp đang tuyển dụng trở lại. Hơn 15 triệu công việc làm đến tay người dân. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhanh hơn mong đợi từ mức kỷ lục 11% năm 2010 xuống mức 4,7% như hiện nay, thể hiện một nền kinh tế đang có “sức khỏe” tốt.

Không chỉ quan tâm đến khôi phục nền kinh tế, với ý tưởng người nghèo nhất cũng được Chính phủ chăm sóc khi đau ốm, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Obamacare có hiệu lực cách đây 2 năm, đã đưa khoảng 20 triệu trẻ vị thành niên và 3 triệu trẻ em vào chương trình bảo hiểm. Dù vẫn còn tranh cãi và chưa đến được nhiều với người dân, nhưng Đạo luật của Tổng thống Obama đã cố gắng đưa nước Mỹ đến gần hơn với bảo hiểm y tế toàn dân.

Tuy nhiên, nợ công bị cho là điểm trừ về tài chính mà ông Obama đã để lại cho người kế nhiệm. Vì đã dành rất nhiều tiền để kích thích nền kinh tế trong và sau cuộc Đại suy thoái, tổng số nợ của Mỹ hiện đã hơn 19.000 tỷ USD, tăng từ khoảng 10.000 tỷ USD khi ông Obama nhậm chức. Như vậy, dù Tổng thống Obama đã giảm được thâm hụt ngân sách hàng năm trong suốt nhiệm kỳ, nước Mỹ vẫn đang chi nhiều hơn thu. Theo số liệu của các chuyên gia, tỷ lệ nợ trên GDP của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã tăng mạnh từ 50% lên 77%.

Một thất bại nữa là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, năm 2009, 1% những người giàu nhất nắm giữ 16,7% tổng sản phẩm của nước Mỹ, đến nay tỷ lệ này lên tới 18,4%.

(theo FT, AFP)