📞

Ông Obama không được dân Đức chào đón vì TTIP

15:55 | 25/04/2016
Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đức đều muốn hoàn tất đàm phán TTIP trong năm 2016, tuy nhiên, mọi việc có vẻ không "nhẹ nhàng" như thế.

Ngày 24/4, phát biểu tại Hannover, trong chuyến thăm Đức của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ đều nhấn mạnh quyết tâm hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với một thoả thuận sơ bộ sẽ được thông qua vào cuối năm nay.

Hai nhà lãnh đạo cho biết, các cuộc đàm phán đang đạt được những tiến triển tốt, trong đó các tiêu chuẩn của Đức và châu Âu về quyền lao động và xã hội, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng cũng như vấn đề chăm sóc y tế sẽ được phía Mỹ tôn trọng trong các cuộc đàm phán. Bà Merkel cho rằng, những hoài nghi của dư luận châu Âu về các chủ đề này trong đàm phán TTIP là không có cơ sở.

Người dân Đức xuống đường phản đối TTIP. (Nguồn: Reuters)

Dự kiến, vòng đàm phán thứ 13 về TTIP sẽ diễn ra từ ngày 25-29/4 tại New York (Mỹ), đoàn đàm phán Mỹ và EU sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề điều tiết và tiếp cận thị trường. Trước đó, tại vòng đàm phán thứ 12, hai bên đã đạt được bước tiến quan trọng về sự phối hợp trong quản lý thị trường và cam kết không sử dụng các công cụ pháp lý nhằm ngăn cản bên kia tham gia vào thị trường của nhau.

Tuy nhiên, hiện TTIP còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ nhiều hơn trước, nhất là ở Đức. Người dân nước này lo ngại TTIP có thể làm tổn hại môi trường hơn nữa, cũng như gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo - điều đó sẽ đe dọa sự ổn định của thế giới. Một ngày trước chuyến thăm Đức của ông chủ Nhà Trắng, tại Tp. Hanover, hàng chục ngàn người dân Đức đã xuống đường phản đối TTIP. Theo kết quả cuộc thăm dò do Quỹ Bertelsmann công bố hôm 21/4, chỉ 17% dân Đức ủng hộ TTIP so với con số 55% cách đây 2 năm.

Các cuộc đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7/2013, nhưng sau đó bị trì hoãn do phía châu Âu phản đối quyết liệt một số điều khoản do phía Mỹ đưa ra vì lo sợ trở thành “chư hầu” của Mỹ. Một số chuyên gia châu Âu lo ngại cơ chế này sẽ thách thức các luật, đặc biệt về thực phẩm và môi trường của khu vực…

TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, bao trùm lĩnh vực rộng lớn từ kinh tế, thương mại đến dịch vụ, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng châu Âu và Mỹ, chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu. Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm.

(theo Reuters, Dailymail)