Triển lãm năm nay dự kiến sẽ đón tiếp 350.000 người tham quan, trong đó có 150.000 khách chuyên nghiệp đến thăm 2.370 gian triển lãm.
Trái ngược với sự phát triển lạc quan của thị trường máy bay cách đây hai năm, cả hai nhà sản xuất khổng lồ Airbus và Boeing đều dự báo xu hướng tăng trưởng chậm của thị trường năm nay.
Theo ông John Leahy, Giám đốc bán hàng của tập đoàn châu Âu, triển lãm năm nay sẽ không mang đến nhiều hợp đồng đặt hàng cho Airbus cũng như cho toàn ngành công nghiệp này. Cần nhắc lại rằng cách đây hai năm, chỉ trong một tuần triển lãm, Airbus đã ký kết được 421 hợp đồng với tổng số vốn kỷ lục lên đến 50 tỷ Euro. Đối thủ Boeing của họ cũng đã “thu hoạch” được 331 hợp đồng với tổng trị giá 44,7 tỷ Euro.
Boeing dự kiến trình làng chiếc Boeing 737 MAX 10 tại triển lãm. (Nguồn: GECAS) |
Theo đà sụt giảm liên tục của giá dầu thế giới, các công ty hàng không ít bị sức ép phải mua các đời máy bay mới tiêu thụ tiết kiệm năng lượng hơn. Tuy vậy, tương lai của ngành hàng không vẫn khá sáng sủa với mức dự báo tăng gấp đôi số lượng máy bay trong vòng 20 năm tới, với con số cụ thể 35.000 máy bay mới có tổng giá trị 4.730 tỷ Euro.
Kể từ cuộc triển lãm Le Bourget 2015, tình hình kinh doanh của các hãng hàng không trên thế giới đã tiến triển tốt, thậm chí đạt nhiều kỷ lục lợi nhuận vào năm 2016, theo nghiên cứu của hãng tư vấn Alix Partners.
Để thu hút thêm nhiều khách, các hãng hàng không lớn trên thế giới đã thành lập các công ty con chuyên khai thác các đường bay giá rẻ.
Lufthansa (Đức) có Eurowings đã đi vào hoạt động từ năm 2014, British Airways (Anh) có Level vừa khánh thành đường bay đầu tiên vào ngày 1/6; Air France-KLM (Pháp) có Boost hiện đang trong quá trình triển khai. Boost được kỳ vọng sẽ giúp cho Air France nâng cao khả năng cạnh tranh trước các đối thủ vùng Vịnh.
Boost có thể được khai thác cho các đường bay hiện đang bị lỗ nặng, như đi Kuala Lumpur (Malaysia) chẳng hạn. Chi phí giảm một phần nhờ vào việc thuê phi hành đoàn với giá thấp. Tuy vậy, dự án hàng không giá rẻ Boost đang gặp khó khăn do còn nhiều bất đồng trong thỏa thuận giữa ban lãnh đạo công ty và giới phi công.
Các công ty hàng không hai bên bờ Đại Tây Dương cũng đã thu về những khoản lợi nhuận khủng. Tại Mỹ, các hãng Delta Airlines và United Airlines, với khả năng tài chính ổn định, đang chú trọng nâng cấp các phi đội máy bay. Delta Airlines vừa đặt hàng 30 chiếc Airbus A321 giữa tháng Năm vừa qua.
Ngược lại, vận may đang "quay lưng" lại với các hãng hàng không vùng Vịnh. Etihad đã phạm phải sai lầm chiến lược khi quyết định đầu tư nhỏ lẻ vào khoảng một chục hãng hàng không. Đối thủ Emirates cũng đã phải chịu thất bại nặng nề trong năm 2016 khi lợi nhuận giảm đến 82,5% so với năm trước đó. Mọi việc chưa dừng lại ở đó, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như ủng hộ cáo buộc của các hãng hàng không Mỹ rằng 3 đối thủ vùng Vịnh (Etihad, Qatar Airways và Emirates) đã nhận hàng tỷ USD trợ cấp.
Cho dù không trông đợi các đơn đặt hàng khủng trong dịp triển lãm Le Bourget 2017, Airbus và Boeing vẫn tìm ra hướng đi mới đầy tiềm năng: dịch vụ phục vụ các hãng hàng không bao gồm bảo trì. Đây là một thị trường khổng lồ với doanh thu được ước tính lên đến 100 tỷ USD/năm.
Là "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất máy bay nhưng Airbus chỉ là “chú lùn” trên thị trường dịch vụ này và phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh - những tập đoàn công nghệ hàng không vũ trụ lớn như Safran và Thales. Airbus đang triển khai nhiều dự án đầy tham vọng nhằm nâng cao thị phần cho dù hiện mới chỉ thu được doanh số nhỏ bé khoảng 3 tỷ Euro.