Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert phát biểu Tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024. (Nguồn: PVN) |
Nguồn năng lượng quan trọng hàng đầu của thế giới
ĐGNK đang dần trở thành một trong những lĩnh vực năng lượng quan trọng hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phong phú, Việt Nam có thể khai thác ĐGNK để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế năng lượng sạch của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta không nhanh chóng triển khai thì các cơ hội sẽ trôi qua và áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn.
Tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 vừa qua, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp châu Âu gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án ĐGNK đầu tiên”.
Theo ông Jaspaert, thời gian phát triển và xây dựng một trang trại ĐGNK thường mất từ 6-7 năm, trong đó 3-4 năm đầu cho việc hoàn thiện dự án và tài chính, sau đó là ít nhất 3 năm xây dựng. Điều này có nghĩa rằng, nếu muốn đạt mục tiêu 6.000 MW công suất ĐGNK vào năm 2030, các dự án đầu tiên phải được triển khai ngay trong năm 2027.
Để đạt được điều này, Chủ tịch EuroCham đề xuất Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi, thiết lập các cơ chế hỗ trợ rõ ràng và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.
Việc chưa có cơ chế rõ ràng cho các dự án ĐGNK sẽ gây không ít khó khăn cho việc triển khai và thu hút đầu tư. Đây cũng là vấn đề quan trọng được đưa vào Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) lần này. Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cho biết đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo mới, như ĐGNK, có chi phí đầu tư và sản xuất điện cao hơn so với nguồn điện truyền thống. Để đảm bảo khả thi cho các dự án, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang xem xét các chính sách ưu đãi đặc biệt như miễn tiền thuê đất, giảm thuế và ưu đãi về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Dương, chuyên gia tư vấn năng lượng độc lập, cho rằng, ĐGNK không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm của Việt Nam trong việc hướng đến phát triển bền vững và đáp ứng các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính.
"Cần có những dự án tiên phong để rút ra bài học kinh nghiệm, mở đường cho các dự án khác. Để làm được điều này, cần giao cho các tập đoàn Nhà nước có đầy đủ tiềm lực và kinh nghiệm như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) triển khai”, ông Phan Xuân Dương nhấn mạnh.
Là đơn vị tiên phong của PetroVietnam trong lĩnh vực ĐGNK, PTSC đã chứng minh năng lực vượt trội, từ việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đến khả năng chế tạo, lắp đặt, và vận hành các dự án phức tạp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với nguồn lực dồi dào, cơ sở hạ tầng hiện đại và đội ngũ nhân sự chất lượng cao, PTSC được đánh giá là doanh nghiệp hoàn toàn đủ khả năng triển khai dự án ĐGNK thí điểm đầu tiên tại Việt Nam, mở đường cho sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi trong nước.
Là một trong những đơn vị dịch vụ kỹ thuật chủ lực của Petrovietnam, PTSC đang là doanh nghiệp tiên phong và có thể nói là có năng lực hoàn chỉnh nhất trong việc phát triển ĐGNK hiện nay ở nước ta. Trong những năm gần đây, PTSC đã nhanh chóng có những bước tiến đầu tiên vào chuỗi cung ứng dịch vụ ĐGNK toàn cầu, bao gồm nhiều đơn hàng lớn cho các khách hàng quốc tế như sản xuất 33 chân đế trụ tuabin điện gió cho khách hàng Ørsted (Đan Mạch) và 10 trạm biến áp cho các dự án ĐGNK ở châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.
Dự án CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc) có tổng công suất 920 MW, là một trong những dự án ĐGNK lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 19/05/2023, PTSC và Công ty Ørsted Taiwan Ltd (Ørsted) đã ký kết Hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho Dự án. Để giành được hợp đồng quốc tế quan trọng này, PTSC đã vượt qua 6 vòng lựa chọn và phê duyệt khắt khe, chứng minh năng lực cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế.
Đến nay, dự án CHW2204 đã trải qua 9 triệu giờ an toàn, là minh chứng cho năng lực, kinh nghiệm của PTSC có khả năng đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất trong ngành công nghiệp ĐGNK. PTSC hiện đã sẵn sàng bàn giao lô 4 chân đế đầu tiên cho khách hàng; đây cũng là là bằng chứng sống động chứng minh khả năng làm chủ chuỗi cung ứng ĐGNK của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Trong khi đó, Dự án ĐGNK Baltica nằm ở phía Nam biển Baltic, do Công ty cung cấp điện lớn nhất Ba Lan PGE và Nhà đầu tư hàng đầu về ĐGNK Ørsted hợp tác phát triển và vận hành, là một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới. Năm 2023, Liên danh nhà thầu Semco Maritime và PTSC M&C - công ty thành viên của PTSC, đã tham gia đấu thầu và thắng thầu dự án thành phần các trạm biến áp Baltica 2 với tổng công suất 1,5 GW. Sau 18 tháng triển khai công tác thiết kế, mua sắm, đến nay dự án đã chuyển sang giai đoạn thi công, dự kiến kéo dài đến nửa cuối năm 2026. Toàn bộ các hạng mục sẽ được thi công tại Cảng hạ lưu PTSC, thành phố Vũng Tàu.
Để thực hiện các dự án trên, PTSC đã phải thay đổi từ quy trình sản xuất đơn chiếc sang quy trình sản xuất hàng loạt, đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cũng như nguồn nhân lực. Với dự án 33 chân đế trụ điện gió, PTSC đã tăng số lượng lao động tại bãi chế tạo từ 7.000 lên 12.000-13.000 người vào cuối năm nay.
Lãnh đạo PTSC cũng nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp hoàn toàn tự tin vào khả năng kết hợp với các doanh nghiệp khác trong nước để xây dựng chuỗi cung ứng nội địa cho ngành công nghiệp ĐGNK. Với công nghệ turbine hiện tại có công suất khoảng 14 MW/turbine, một dự án ĐGNK có công suất khoảng 1 GW sẽ cần đến hơn 70 chân đế, mỗi chân đế nặng từ 2.500 - 3.000 tấn. Việc xây dựng chuỗi cung ứng và kết nối các doanh nghiệp để thực hiện các khâu chế tạo là rất quan trọng.
Trong một nỗ lực khác, PTSC không chỉ tham gia cung ứng dịch vụ mà còn đang tích cực tìm kiếm cơ hội trở thành nhà đầu tư và phát triển dự án. Một dự án nổi bật trong kế hoạch của PTSC là hợp tác với Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore triển khai dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi sang Singapore. PTSC cũng là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép triển khai đầy đủ các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển phục vụ triển khai dự án. Vào cuối tháng 8/2024 vừa qua, PTSC và SCU đã tổ chức lễ trao thầu gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất cho Dự án này. Đây không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam mà còn góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường an ninh năng lượng khu vực.
Cần thí điểm sớm nhất có thể
Tại cuộc họp Chính phủ về việc thí điểm phát triển ĐGNK, Bộ Công Thương đã nêu một số khó khăn, vướng mắc chính trong phát triển ĐGNK liên quan đến quy hoạch; chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); triển khai đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng; quy định pháp luật về biển; xác định tài nguyên gió là tài sản công.
Bên cạnh đó là các vấn đề về an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia; giá điện; tín dụng; tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thiết bị, thi công xây dựng, an toàn cháy nổ... Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, Bộ đang làm việc với PetroVietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai thí điểm 2 dự án ĐGNK.
Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Quy hoạch không gian biển quốc gia đã được phê duyệt. Vướng mắc đối với việc giao khu vực biển để điều tra, đo đạc, khảo sát sẽ được tháo gỡ khi sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện giao biển cho 1 dự án ĐGNK để xuất khẩu sang Singapore, khoảng 10 dự án điện gió trên biển ở vùng 6 hải lý. Bộ Công Thương có thể tham khảo các quy định, thủ tục hành chính để vận dụng cho dự án ĐGNK. Lãnh đạo EVN, PetroVietnam cho biết, đã triển khai các bước chuẩn bị để có thể triển khai dự án thí điểm phát triển dự án ĐGNK.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ Đề án thí điểm phát triển ĐGNK đã được đặt ra từ lâu, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đề án phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ... trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án. Đây là căn cứ đề xuất phương án thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở “luật nào, chính sách nào, thẩm quyền của ai”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Việc triển khai thí điểm phát triển ĐGNK là quá trình vừa làm, vừa hoàn thiện nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm”.
Phó Thủ tướng dành thời gian phân tích, chỉ ra hướng xử lý một số khó khăn, vướng mắc cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành. Đơn cử như vướng mắc về lựa chọn địa điểm triển khai dự án ĐGNK không nằm ở luật mà ở khâu tổ chức thực hiện cần sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải (liên quan đến tuyến đường biển quốc tế), Bộ Quốc phòng (nếu là khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh). Tương tự, Bộ Công Thương cần rà soát kỹ vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư, xuất khẩu điện, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài... thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tháo gỡ.
Là đơn vị tiên phong của PetroVietnam trong lĩnh vực ĐGNK, PTSC đã chứng minh năng lực vượt trội, từ việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đến khả năng chế tạo, lắp đặt và vận hành các dự án phức tạp đạt tiêu chuẩn quốc tế. (Nguồn: PVN) |
Nghiên cứu “Xác định không gian các khu vực điện gió ngoài khơi vùng biển Việt Nam bằng công nghệ GIS” của Viện khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2, EVN (Nguyễn Thị Thanh Nguyệt - Dư Văn Toán) cho thấy, chúng ta đủ cơ sở, khả năng xây dựng các trang trại điện gió trên biển, tạo thành đường biên giới vững chắc, đồng thời đáp ứng đủ 12 tiêu chí về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường.
Nghiên cứu trên được thực hiện bằng công nghệ GIS kết hợp với phương pháp Fuzzy Logic cho từng tiêu chí về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường với mục tiêu thành lập bản đồ các khu vực có khả năng xây dựng các trang trại điện gió tại vùng biển Việt Nam nhằm giúp chính quyền và các nhà đầu tư khoanh vùng, tiết kiệm thời gian tìm kiếm vị trí đầu tư trong giai đoạn đầu của dự án cũng như góp phần phục vụ cho việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Phương pháp này được áp dụng tại khu vực vùng biển Việt Nam tính từ bờ khoảng 200 km - đây là khu vực có mức độ tập trung tốc độ gió và mật độ năng lượng gió trung bình ở độ cao 100 m khá cao.
Yếu tố quan trọng nhất cần xem xét khi xây dựng các trang trại điện gió là tốc độ gió tại khu vực. Dựa vào sự tương đồng về tốc độ gió tối ưu của nhiều nghiên cứu và công nghệ tuabin gió hiện nay cũng như dữ liệu vận tốc gió trong phạm vi khu vực nghiên cứu (dao động trong khoảng 3,60 - 11,03 m/s), nhóm nghiên cứu xác định những khu vực có vận tốc gió dưới 3 m/s sẽ không có khả năng xây dựng các trang trại điện gió, trong khi đó, những khu vực hoàn toàn có khả năng xây dựng sẽ có giá trị vận tốc gió lớn hơn hoặc bằng 8 m/s.
Trong tổng hơn 600.000 km2 diện tích khu vực nghiên cứu, khu vực tiềm năng có khả năng xây dựng chiếm hơn 21,62%, tương đương 130,229.97 km2. Trong đó, diện tích khu vực tiềm năng xây dựng điện gió gần bờ (khu vực có độ sâu nước dưới 20 m) gần 14.330 km2 ứng với 11,00% trong tổng diện tích khu vực tiềm năng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau. Diện tích tiềm năng còn lại là điện gió ngoài khơi chiếm 89% (gần 116.000 km2).
Có thể thấy rằng, ĐGNK không chỉ giải bài toán về năng lượng mà sẽ là một trong những động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là đảm bảo an ninh, khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam. Chính vì vậy, triển khai ĐGNK càng sớm, nhanh thì càng có lợi cho đất nước.
| Khối dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng mới của PetroVietnam Ngày 14/11, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc đánh giá tình hình ... |
| PetroVietnam vượt gió ngược nuôi dưỡng mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp năng lượng hàng đầu Những kết quả năm 2023 sẽ là cơ sở để PetroVietnam tiếp tục phấn đấu, nuôi dưỡng mục tiêu xây dựng và phát triển trở ... |
| PetroVietnam và các đối tác ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn Ngày 28/3, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cùng các đối tác tổ chức Lễ ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi ... |
| Đoàn công tác PetroVietnam thăm hỏi, hỗ trợ người dân Sơn La và Điện Biên khắc phục hậu quả mưa lũ Đồng cảm và chia sẻ với những mất mát, tổn thất của tỉnh Sơn La và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, đoàn công tác ... |
| PetroVietnam mở đường thúc đẩy phát triển các dự án điện khí LNG trong Quy hoạch điện VIII Sự kiện PetroVietnam và các đơn vị thành viên ký PPA dự án Nhơn Trạch 3&4 và biên bản ghi nhớ cung cấp LNG cho ... |