Việc Pfizer và Allergan sáp nhập sẽ tạo nên một đế chế mới trong ngành dược phẩm. (Ảnh: Bindnesset) |
Theo đó, các cổ đông của Pfizer sẽ nắm giữ 56% cổ phần của công ty mới sáp nhập còn của Allergan là 44%. Ông Ian Read, CEO đương nhiệm của Pfizer sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí CEO của công ty mới sau khi sáp nhập. Trụ sở của Pfizer sẽ được chuyển sang Ireland, một động thái được cho là nhằm tránh mức thuế cao tại Mỹ.
Hãng Pfizer vốn nổi tiếng với các sản phẩm như Lipitor (chữa trị thừa cholesterol), Celebrex chống bệnh hư khớp. Trong khi đó, Allergan từng tạo tên tuổi với sản phẩm chống nếp nhăn Botox và Lumigan ngăn ngừa tăng nhãn áp.
Giới quan sát nhận định, thương vụ sáp nhập này sẽ giúp Pfizer hiện thực hóa kế hoạch chuyển trụ sở chính từ Mỹ sang Ireland để hưởng mức thuế suất kinh doanh thấp hơn. Theo đó, vụ sáp nhập sẽ giúp Pfizer giảm mức thuế xuống còn dưới 20%, còn Allergan sẽ được giảm thuế xuống khoảng 15%. Hiện Pfizer đang phải chịu mức thuế 25%, cao nhất trong số những công ty y dược đầu ngành, theo số liệu của Evercore ISI.
Việc Pfizer và Allergan sáp nhập sẽ tạo nên một đế chế mới trong ngành dược phẩm. Năm 2014, doanh thu của Allergan là 13 tỷ USD, còn Pfizer là 50 tỷ USD. Ước tính ban đầu cho thấy doanh số của công ty sau sáp nhập sẽ vào khoảng 60 tỷ USD, tiếp tục bỏ xa hãng dược lớn thứ hai tại Mỹ là Merck&Co có doanh số 40 tỷ USD.
Hãng Pfizer được cho là sẽ hưởng lợi lớn qua thương vụ trên nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của Allergan. Gần đây, doanh số của Pfizer đã giảm tốc do gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Trong khi đó, Allergan lại đang phát triển nhanh chóng nhờ các dòng sản phẩm thẩm mỹ và các loại sản phẩm botox dành cho thẩm mỹ viện. Hãng Allergan dự báo thị trường sản phẩm cho thẩm mỹ có thể tăng gấp đôi lên 10,5 tỷ USD vào năm 2020. Hơn nữa, công ty cũng đang chuẩn bị đưa ra nhiều loại thuốc mới và ước tính doanh số có thể tăng thêm 15 tỷ USD trong vài năm tới.
Ngay sau khi tuyên bố sáp nhập, thương vụ này ngay lập tức gây nhiều tranh cãi. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi những thương vụ như vậy là đi ngược lại lòng yêu nước và khẳng định sẽ kiểm soát những vụ sáp nhập tương tự trong tương lai.
Thượng nghị sỹ Bernie Sanders và ứng cử viên Tổng thống của Đảng cộng hòa Donald Trump cũng phản đối thương vụ này do lo ngại một lượng lớn việc làm tại Mỹ bị cắt giảm sau thỏa thuận M&A khổng lồ này.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, việc các tập đoàn lớn chuyển trụ sở ra nước ngoài để né thuế sẽ gây thất thoát nguồn thu thuế đáng kể của ngân sách. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ chưa có điều luật nào để ngăn chặn tình trạng này.
Vi Vi (tổng hợp)