PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, một định hướng rất quan trọng là năng lực chống dịch Covid-19 của từng địa phương cấp tỉnh. |
Bảo vệ y, bác sĩ bằng chiến lược
Ông nhận định như thế nào về đợt dịch lần thứ 4 này tại Việt Nam?
Có thể nói, đây là đợt dịch với quy mô rộng, đa nguồn, đa chủng virus và có những chủng virus mới nguy hiểm hơn rất nhiều về tính chất lây lan so với các chủng đã được ghi nhận.
Có trường hợp tử vong do Covid-19 còn trẻ (38 tuổi), không có bệnh nền. Đó là bằng chứng về sự nguy hiểm của dịch đợt này.
Trong cuộc chiến với Covid-19, bác sĩ, điều dưỡng là những chiến sĩ trên mặt trận tuyến đầu. Làm thế nào để bảo vệ được đội ngũ cán bộ y tế, thưa ông?
Bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ là bảo vệ bệnh viện. Bệnh viện Phổi Trung ương chúng tôi đã đề xuất mô hình sàng lọc 3 lớp để đảm bảo virus không xâm nhập vào bệnh viện.
Thứ nhất là bảo vệ bệnh nhân, những người có bệnh nền. Thứ hai, bảo vệ bác sĩ và điều dưỡng - những người trên mặt trận chống dịch; đồng thời, phải chủ động, có một kế hoạch cũng như có một đội ngũ đủ mạnh. Thứ ba, lãnh đạo phải chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó khi cần, tránh bị lúng túng.
Hiện nay, trên mạng xã hội lưu hành hình ảnh bác sĩ nằm ở chỗ này, chỗ kia ngủ vì mệt, mất sức. Tôi cho rằng, nếu y, bác sĩ làm việc liên tục trong thời gian dài như vậy thì làm sao có thể chống chọi được. Các bạn ấy suy yếu, rồi mắc Covid-19, đấy thực sự là một điều đáng tiếc.
Dù có bảo hộ đến bao nhiêu đi chăng nữa thì sức khỏe, miễn dịch của cơ thể là hết sức quan trọng. Tôi nghĩ, các nhà lãnh đạo cũng nên nghiên cứu ngay, cần phải có sự hỗ trợ cơ sở vật chất, hậu cần vững mạnh để các bác sĩ, điều dưỡng có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình một cách khả thi.
Chúng ta có nguồn lực từ ngân sách, thậm chí là nguồn lực huy động xã hội đủ để hỗ trợ, cần có một định hướng điều phối tốt, cơ chế rõ ràng, chắc chắn vấn đề này sẽ được giải quyết.
Trong tình trạng khủng hoảng, mất kiểm soát, ca bệnh mới tăng nhanh thì cần phải dùng những biện pháp can thiệp mạnh hơn, đúng lúc, đúng mức thì mới hiệu quả. Khoanh vùng gọn, mở rộng những vùng xung quanh giãn cách, thậm chí giãn cách xã hội đã từng được thực hiện hiệu quả. Phải có những quyết định chính xác, thậm chí mạnh hơn yêu cầu để chặn đứng dịch chứ không phải chạy theo dịch.
Bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ theo tôi nghĩ là phải bảo vệ từ xa, bảo vệ bằng cách kiểm soát dịch ở cộng đồng bằng những chiến lược hiệu quả. Mỗi tỉnh đều phải có đủ năng lực chống dịch ở tư thế chủ động giám sát dịch ở cộng đồng và bảo vệ bệnh viện an toàn ứng phó dịch. Đó phải là một kế hoạch tổng thể chứ không đơn thuần là bảo vệ bác sĩ, điều dưỡng.
"Chìa khóa" thanh toán dịch bệnh là vaccine
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay thì bên cạnh việc tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của vaccine ngừa Covid-19?
Trong lịch sử của chúng ta có những dịch bệnh như bạch hầu, uốn ván, ho gà, đậu mùa, bại liệt… đã được thanh toán nhờ vào vaccine. Covid-19 cũng tương tự như thế, chúng ta càng có vaccine sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Tuy nhiên hiện nay, đối với mỗi người trong cộng đồng, thực hiện 5K nghiêm túc đang là vũ khí hết sức quan trọng. Không có 5K thì chúng ta sẽ vỡ trận ngay lập tức trong khi chờ đợi vaccine được tiêm phổ cập và phát huy tác dụng.
Bằng chứng trên thế giới rất rõ, nước Mỹ đã trải qua giai đoạn rất khó khăn vì dịch bệnh nhưng đến giờ phút này họ đã vượt qua. Việt Nam chúng ta đang cố gắng tiếp cận vaccine càng sớm càng tốt.
Theo ông, chìa khóa để thoát ra khỏi dịch bệnh là gì?
Chìa khóa để thanh toán dịch là phổ cập vaccine, có được miễn dịch cộng đồng. Nhưng sẽ không bao giờ có ngay được. Vậy bước đi hiện nay là khống chế dịch, kiểm soát dịch và chờ cho dịch suy yếu trên phạm vi toàn thế giới vì không thể thanh toán một dịch bệnh trong một quốc gia, chúng ta không thể giữ mãi một vùng trũng mà xung quanh đầy nước được.
Nước ta đã có kinh nghiệm từ 3 lần chiến thắng Covid-19, chiến lược khống chế dịch của chúng ta cũng rất rõ ràng, nói ngắn gọn thì đó là 2 từ “chủ động”, dài hơn là “ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch” để cắt đứt chuỗi lây nhiễm từ người mắc bệnh sang người khác trong cộng đồng.
Để thực hiện được chiến lược đó, sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị từ trên xuống dưới cùng các biện pháp kỹ thuật của ngành y, cộng với sự đồng lòng của toàn thể nhân dân thực hiện 5K đã làm nên chiến thắng vừa qua.
Đến giờ phút này, tôi muốn nhấn mạnh một định hướng rất quan trọng, đó là năng lực chống dịch của từng địa phương cấp tỉnh, thành phố. Mỗi một tỉnh, thành đều phải có năng lực chống dịch thể hiện bằng kế hoạch tổng thể phù hợp với từng địa phương, bao gồm nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, cơ chế điều phối, hậu cần và nhất là năng lực xét nghiệm phát hiện.
Các tỉnh, thành có năng lực chống dịch tốt thì cả nước sẽ chủ động, Trung ương sẽ đưa ra các định hướng phù hợp nhất giải quyết các phát sinh, có những dự trữ quốc gia, có những “quả đấm thép” như các trung tâm xét nghiệm lưu động chẳng hạn, hỗ trợ kỹ thuật, các định hướng chiến lược mới.
Mỗi tỉnh ngay bây giờ phải rà soát năng lực chống dịch, xây dựng kế hoạch bao gồm nhiều kịch bản cụ thể để chủ động khi phải ứng phó với dịch của địa phương mình. Vai trò của các cấp trưởng, như quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, là rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Trong thời gian đó, bằng mọi nguồn lực, chúng ta cần tiếp cận sớm nhất có thể với vaccine, bởi đây là chìa khóa quan trọng nhất để thanh toán dịch bệnh này.
"Thí điểm cách ly F1 tại nhà là hoàn toàn đúng đắn"
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang "mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng" việc cách ly F1 tại nhà. Nhưng theo ý kiến của nhiều người thì việc cách ly F1 tại nhà sẽ có rủi ro cao. Cá nhân ông nghĩ sao?
Tôi hoàn toàn ủng hộ cách thí điểm cách ly F1 tại nhà phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nếu một trường hợp bị phát hiện nhiễm bệnh mà lan rộng, biết bao nhiêu F1, chúng ta làm sao đủ những cơ sở để cách ly tập trung?
Hơn nữa, cách ly tập trung đông quá cũng không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn phòng dịch và rất có thể xảy ra tình trạng lây chéo ở trong khu cách ly, thành ra “lợi bất cập hại”.
Do vậy, có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà với đảm bảo 4 điều kiện.
Thứ nhất, những người được cách ly có đủ kiến thức, thái độ đúng và thực hành chuẩn. Thứ hai, có đủ cơ sở vật chất tại nhà, chẳng hạn có phòng riêng.
Thứ ba, người phục vụ ở trong nhà cho F1 cũng phải hiểu biết, có thái độ nghiêm túc, thực hành chuẩn. Một vấn đề khó là người trong gia đình thường cũng là F2, cũng phải cách ly, vậy cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu phải được tổ chức hỗ trợ mua sắm bởi các tổ Covid-19 cộng đồng, hoặc chính quyền địa phương…
Thứ tư, rất quan trọng là điều kiện về giám sát, đánh giá. Chúng ta có thể áp dụng công nghệ 4.0, lắp đặt camera theo dõi, F1 cách ly tại nhà phải ký cam kết, gia đình cũng phải ký cam kết, nếu làm không chuẩn mà để hậu quả lây lan cộng đồng sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Cần phải có những biện pháp mạnh để tất cả mọi người đều phải tuân thủ, sẽ bị trả giá nếu làm sai vì sức khỏe cộng đồng.
Chủ trương thí điểm cách ly F1 tại nhà có phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại của Việt Nam hay chưa?
Trước đây, chúng ta không làm được việc này vì người dân chưa hiểu, hệ thống quản lý cũng chưa hiểu được Covid-19 là như thế nào, cách ly ra sao, vì vậy mà F1 cách ly tập trung là hoàn toàn đúng đắn.
Bây giờ hoàn toàn khác, mọi người hiểu được, đã có nhiều bằng chứng khoa học cho phép chúng ta hiểu rõ nguyên lý chống Covid-19. Vì vậy, thí điểm cách ly F1 tại nhà là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
*PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về phòng chống bệnh lao (STAG TB).