PGS. TS. Trần Thành Nam. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN với Báo Thế giới & Việt Nam về Gen Z - nhân tố mới trên thị trường lao động.
Gen Z và nỗi lo "hết hạn sử dụng"
Ông nhận định thế nào về thế hệ Gen Z – nhân tố mới trên thị trường lao động?
Gen Z là thế hệ trẻ năng động, tự tin, giỏi áp dụng công nghệ, thành thạo ngoại ngữ. Đó là những người có chủ kiến, tự tin thể hiện cá tính, phong cách sống. Các bạn có tư duy về tài chính tốt, có tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp, luôn muốn tiên phong dẫn dắt, đón đầu cập nhật xu hướng mới.
So với thế hệ trước như Gen X hay Gen Y, thì Gen Z được xem là thế hệ có nhiều áp lực, gặp nhiều vấn đề căng thẳng, lo âu trầm cảm và tổn thương sức khỏe tâm thần. Gen Z ngày càng phải đối diện với áp lực công việc, khối lượng kiến thức, học tập, bài vở cao hơn, phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, các em phải đối mặt với một tương lai nghề nghiệp bất định khi có sự cạnh tranh ngày càng lớn của công nghệ tự động hóa và trí thông minh nhân tạo.
Đây cũng là thế hệ có tỷ lệ mắc các chứng bệnh tâm lý như FOMO (chứng sợ bị bỏ lỡ), FOLO (chứng sợ bị ngắt kết nối mạng) ngày càng cao. Tỷ lệ những người trẻ trở nên mất cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo, nghiện mạng, nghiện video game, nghiện văn hóa phẩm đồi trụy cũng cao nhất khi so sánh với thế hệ X hay Y.
Thế hệ Gen Z sinh ra vốn là công dân số, thành thạo và quá lệ thuộc vào thiết bị công nghệ và Internet, dẫn đến nhận thức về các tình huống xã hội và hành vi ứng xử, kỹ năng mềm ngày càng yếu kém hơn. Ngay cả những kỹ năng cơ bản nhất như giao tiếp bằng lời hoặc bằng văn bản một cách chuẩn mực, kỹ năng thuyết trình hay thuyết phục của Gen Z cũng được nhận xét là yếu kém hơn những thế hệ trước.
Dù các mối quan hệ của thế hệ trẻ ngày càng mở rộng và mang tính toàn cầu, nhưng Gen Z lại được đánh giá là thế hệ cô đơn nhất. Ngoại ngữ giỏi, kết nối với bạn bè trên toàn cầu đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều tấm gương siêu thành tích để các em so sánh và tự tạo áp lực bản thân. Vì vậy, dù biết rất nhiều bạn bè trên mạng xã hội nhưng các bạn lại thường không cảm thấy ai có thể tin tưởng, không ai là tri kỷ và chẳng ai có thể hiểu mình.
Họ đang phải đối diện với những nguy cơ nào, theo ông?
Gen Z đang sống trong một thế giới quá tải thông tin, khi tri thức của nhân loại sản sinh ra hằng ngày vượt quá khả năng tiếp nhận của con người. Từ đó, dẫn đến việc các bạn có tâm trạng hoang mang về học cái gì, học như thế nào để không "hết hạn sử dụng" trước khi “hết tuổi lao động”.
Là công dân số nhưng Gen Z cũng lo lắng nhiều về nguy cơ những tiến bộ công nghệ sẽ khiến vai trò của các em sẽ trở nên thừa thãi, rằng những kỹ năng mà Gen Z được học, được đào tạo bởi trường đại học sẽ sớm lỗi thời khi công nghệ phát triển quá nhanh. Thậm chí, khiến các bạn trẻ dù tốt nghiệp ra trường với bằng xuất sắc cũng không thể học được các kỹ năng mới cập nhật và không kịp thích ứng với sự biến đổi cực kỳ nhanh chóng của công nghệ và yêu cầu của thị trường lao động.
Gen Z được xem là một thế hệ tốc độ nhất nhưng cũng là thế hệ mất tập trung nhất. Bởi các bạn phải tiếp xúc với quá nhiều video nội dung ngắn trên mạng xã hội. Người ta ước tính rằng, thế hệ trẻ ngày nay chỉ tập trung được khoảng tám giây để xem một thông tin… giảm khoảng bốn giây so thời điểm 10 năm trước.
Tỷ lệ trẻ trong xã hội có triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý trong cộng đồng đang tăng ở mức 11% và có xu hướng tăng lên trong những năm tới. Việc ưu tiên tốc độ phản ứng cũng dẫn đến hệ lụy là năng lực tư duy phản biện, năng lực thấu cảm bị giảm xuống. Chính vì vậy, giới trẻ hiện nay dễ bị thao túng tâm lý bởi tin giả, tin sai sự thật, dễ bị mất kiểm soát bởi những hiểu lầm, dễ chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực thành hành vi bạo lực mạng do thiếu đi sự thấu cảm với nhau trên môi trường số.
Dưới những áp lực của bối cảnh và môi trường sống, nhiều bạn trẻ cảm thấy quá tải và kiệt sức. Nếu không được hỗ trợ và bảo vệ đúng cách, các em có thể trở thành một thế hệ hoang mang nhìn đời với một thế giới quan và nhân sinh quan tiêu cực. Nói cách khác, đó là một thế hệ "chết đuối" trong bể thông tin của xã hội số nhưng vẫn "chết đói" về mặt tri thức, một thế hệ nằm dài vì thiếu động lực, thiếu ý chí và không có khát vọng vươn lên. Như vậy, dẫu trước mặt có "cá – tri thức" và có cả "cần câu – phương pháp" nhưng các bạn sinh viên cũng không còn có động lực để bắt lấy "cá" (chiếm lĩnh tri thức) nữa.
Là công dân số nhưng Gen Z cũng lo lắng nhiều về nguy cơ những tiến bộ công nghệ sẽ khiến vai trò của các em sẽ trở nên thừa thãi. (Nguồn: ĐĐK) |
Thích ứng với sự đào thải của thị trường lao động
Là người tiếp xúc với nhiều bạn thuộc thế hệ trẻ, ông nhận thấy Gen Z cần phải làm gì để không bị lỗi thời trước sự biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động?
Cùng với sự phát triển đáng kinh ngạc của trí thông minh nhân tạo, thế giới nghề nghiệp của Gen Z ngày càng trở nên bất định, lo lắng và hoang mang là một điều tất yếu. Vì thế, Gen Z cần phải đặt mục tiêu học tập và phát triển bản thân một cách toàn diện, trở thành một cá nhân tự tin (về cả tri thức lẫn kỹ năng hội nhập), một công dân biết tự định hướng (năng lực tư duy phản biện và có chính kiến trước những thực trạng xã hội), một người có trách nhiệm (hành xử theo những giá trị tốt đẹp) và có tinh thần cống hiến (sẵn sàng tham gia những hoạt động tình nguyện chung tay vì cộng đồng).
Để không bị lỗi thời trước sự biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, cá nhân Gen Z cần rèn luyện những năng lực thế mạnh của con người như các năng lực tư duy bậc cao, năng lực cảm xúc xã hội và năng lực làm chủ công nghệ để bản thân trở thành “con người hạng nhất” chứ không chỉ học để thành thạo những kỹ năng thể chất lặp đi lặp lại hay năng lực tư duy bậc thấp, lựa chọn đúng sai để trở thành “robot hạng hai”.
Cùng với sự cập nhật nhanh chóng của công nghệ, Gen Z cần tự đánh giá lại năng lực công nghệ của mình sau mỗi 2-3 năm để biết mình đang ở đâu và cần cập nhật thêm những cái gì để làm tốt ở vị trí hiện tại. Hãy bỏ tư duy chỉ cần tấm bằng đại học đã được cấp 10 năm trước đây là đủ để làm việc mà phải xác định học tập suốt đời, sẵn sàng nói “tôi không biết” để cầu thị, cập nhật kiến thức từ những đồng nghiệp của mình.
Thế mạnh của Gen Z thế nào dưới góc nhìn của ông?
Gen Z được xem là thế hệ sáng tạo nhất, thực tế nhất và tốc độ nhất. Họ khát khao quyền tự chủ và độc lập, đặc biệt trong con đường phát triển sự nghiệp của mình. Hơn 70% thanh niên thế hệ Z không muốn người lớn phải thất vọng về mình. Họ muốn làm việc trong một môi trường minh bạch, linh hoạt và tôn trọng tự do cá nhân. Họ có xu hướng bảo vệ những gì họ tin là đúng, muốn tạo ra sự khác biệt, khẳng định bản thân và gây sự chú ý bằng cách tạo ra các trend.
Tinh thần khởi nghiệp đã ăn vào máu của nhiều bạn trẻ thế hệ Gen Z. Đó cũng là thế hệ mong muốn thể hiện bản thân và đóng góp điều gì đó tích cực cho sự phát triển chung của thế giới. Kết quả nhiều khảo sát cho thấy, có đến 50% các bạn trẻ thế hệ này được hỏi tuyên bố đang ấp ủ những kế hoạch “làm thay đổi thế giới”.
Với những đặc điểm như vậy, nếu được gieo khát vọng, truyền cảm hứng và dẫn dắt đúng cách, thế hệ Z sẽ là những tác nhân tạo ra những thay đổi tích cực và thần kỳ cho cuộc sống.
Gen Z cũng đang phải đối mặt với tình trạng đào thải, sa thải diễn ra khốc liệt trên thị trường lao động. Vậy các bạn trẻ cần điều chỉnh gì để thích ứng cũng như trang bị những kỹ năng cụ thể nào trước cơ hội mới?
Để thích ứng với tình trạng đào thải, sa thải đang diễn ra khốc liệt trên thị trường lao động, những công dân trẻ cần trang bị 4 chữ C để thành công trong cuộc sống và công việc (đây là tiếp cận theo quan điểm La bàn học tập của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD). Đó là Tư duy phản biện, Sáng tạo, Giao tiếp và Hợp tác (Critical thinking, Creativity, Communication, and Collaboration).
Để không bị sớm "hết hạn sử dụng", các bạn trẻ cũng phải trang bị các năng lực công dân của thế kỷ XXI. Một là, năng lực công dân toàn cầu (sử dụng thành thạo ngôn ngữ và ngoại ngữ để làm việc). Hai là, năng lực số (sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật số để nâng cao chất lượng làm việc). Ba là, năng lực thích ứng (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, tự tạo động lực và quản lý bản thân, kỹ năng lắng nghe thấu cảm và chăm sóc sức khỏe tâm thần, kỹ năng viết ấn tượng, kỹ năng giao tiếp thuyết phục và kỹ năng phát triển bản thân). Bốn là, năng lực đổi mới sáng tạo (tư duy thiết kế, tư duy phản biện).
Để thành công trong một thế giới bất định, tập đoàn McKinsey (chuyên tư vấn quản trị và tư vấn chiến lược cho các tập toàn, chính phủ và tổ chức đa quốc gia) cho rằng, những người trẻ phải có rèn tinh thần kỷ luật (khả năng tự lãnh đạo); năng lực của cái đầu (tư duy não bộ); năng lực của trái tim (khả năng giao tiếp thuyết phục) và năng lực của đôi bàn tay (năng lực số để tăng hiệu quả làm việc). Cần tối thiểu có những kỹ năng như vậy để các bạn trẻ rèn luyện bản thân trong hành trình phát triển nhân cách và sự nghiệp của mình.
Xin cảm ơn ông!