📞

PGS.TS. Hoàng Minh Sơn: "Làm sao để du học sinh ra đi rồi sẽ... trở về?"

06:04 | 13/09/2016
Nếu du học sinh được tạo môi trường làm việc phù hợp, sáng tạo cùng những đãi ngộ xứng đáng, thì chắc hẳn việc các bạn trẻ ra đi là để trở về chứ không phải đắn đo, trăn trở như hiện nay…

Hàng ngàn học sinh đi du học nhưng tỉ lệ quay về nước làm việc rất thấp. Với xu thế cạnh tranh gay gắt như hiện tại thì tài nguyên nhân lực sẽ trở thành thế mạnh của bất cứ quốc gia nào biết nuôi dưỡng, trọng dụng. Vấn đề được đặt ra là làm sao để tận dụng, phát huy và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao này?

Bàn về vấn đề đó, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đã thể hiện cái nhìn và quan điểm của mình với báo TG & VN.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Lâu nay người ta vẫn đề cập nhiều đến những được - mất của du học sinh khi hoàn thành khóa học của mình trở về nước làm việc. Không ít bạn trẻ lập luận rằng về Việt Nam rất khó để kiếm được một công việc phù hợp với năng lực, trình độ, chuyên ngành họ được đào tạo, hay môi trường trong nước chưa trọng dụng nhân tài. Ông có suy nghĩ gì về quan điểm này?

Tôi đã gặp và nghe về những bạn trẻ như vậy, nhưng cũng biết có rất nhiều bạn có những suy nghĩ khác, tâm tư khác. Phần lớn họ chỉ cho rằng ở nước ngoài thì được phát huy tốt hơn năng lực của mình, có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc và điều kiện sống cũng tốt hơn.

Thực tế, không phải ai du học về cũng là nhân tài. Thị trường việc làm rất rộng, nếu ai đó nói khó kiếm được một công việc phù hợp với năng lực, trình độ và chuyên ngành thì cần xem lại chính năng lực của mình.

Có thể nói, môi trường công bằng, đề cao tính sáng tạo, được nói lên tiếng nói và suy nghĩ của mình là những nguyện vọng của các bạn trẻ. Trong khi đó, những trở ngại như sự thích nghi về văn hóa, môi trường làm việc còn thiếu chuẩn mực có phải là e ngại lớn nhất của các bạn trẻ khi về nước, thưa ông?

Ý đầu là hoàn toàn đúng, ý thứ hai thì không hoàn toàn như vậy. Các bạn đi du học hầu hết đã học hết phổ thông trong nước, quá trình hội nhập trở lại về mặt văn hóa chắc chắn không phải là vấn đề lớn. Các chuyên gia là người nước ngoài sang đây làm việc còn thích nghi được, hà cớ gì các bạn trẻ Việt lại kêu khó? Môi trường làm việc thì cũng tùy từng nơi, có thể mặt bằng chung không được như ở các nước tiên tiến trên thế giới nhưng cũng có nhiều nơi rất tốt. Hơn nữa, người tài thì càng cần phải có năng lực thích nghi, năng lực chấp nhận vượt qua thách thức.

Có ý kiến cho rằng: Nhiều nhà tuyển dụng làm ngơ, không mặn mà với nguồn nhân lực chất lượng cao này vì phải trả mức lương cao. Trong khi đó, các bạn trẻ sau khi được đào tạo bài bản ở nước ngoài lại luôn đòi hỏi một môi trường làm việc, nghiên cứu chuyên nghiệp cùng mức lương thỏa đáng. Vậy theo ông, đó có phải là lý do mà 13 quán quân trong một cuộc thi được đầu tư du học nhưng chỉ có 1 người trở về nước làm việc hay không?

Nguồn nhân lực chất lượng cao phải được đánh giá bằng những gì họ làm được, không phải chỉ bằng những gì họ đã học được. Nhà tuyển dụng bao giờ cũng đặt tính hiệu quả lên hàng đầu.

Du học sinh chỉ là những bông hoa trong vườn!

Anh Cao Văn Long (Bộ Khoa học & Công nghệ)

“Khi đất nước còn nghèo, nó giống như một cơ thể bị bệnh tật, từ đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như mất tài nguyên chất xám.

Theo tôi, các bạn trẻ hãy cố gắng học tập, tiếp thu những điều hay, tiên tiến của nước ngoài rồi đem về xây dựng đất nước. Nhưng để phát triển phải đòi hỏi từ nhiều yếu tố chứ các bạn du học sinh chỉ là những bông hoa trong vườn mà thôi, chưa thể mang tính chất quyết định được.

Vì thế, chúng ta không nên chỉ biết trông chờ vào thế hệ các bạn trẻ du học mang làn gió mới về để phát triển đất nước. Bởi thực tế, du học sinh chưa chắc đã là nhân lực có chất lượng. Trong khi đó, ở các quốc gia lớn có điều kiện làm việc tốt hơn, lương cao hơn, chất lượng cuộc sống cũng cao cấp hơn là động lực để họ ở lại. Tất nhiên, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh mỗi người, chứ còn đã tài năng thì ở đâu cũng sống tốt cả.

Vậy nên tôi nghĩ rằng những cải cách thực chất hơn về giáo dục và thị trường lao động trong nước sẽ thu hút, lôi kéo được họ trở về. Nhìn lại lúc này, người bị sốc mà chúng ta phải quan tâm chính là những con người - "sản phẩm" của đào tạo trong nước chứ không phải là các du học sinh” – Anh Cao Văn Long (Bộ Khoa học & Công nghệ) chia sẻ.

Khi tuyển dụng một người lao động họ cần tính toán giữa chi phí lương và hiệu quả mang lại. Tôi biết một số công ty và trường đại học trong nước sẵn sàng trả lương rất cao, nhưng họ cũng đòi hỏi sự đóng góp tương xứng từ người được tuyển dụng.

Ngược lại, phía người lao động cũng đặt ra yêu cầu giữa khả năng đóng góp với mức lương được hưởng. Khi hai bên chưa gặp nhau thì chứng tỏ thị trường lao động ở ta còn yếu kém, chưa thực sự cởi mở và công bằng.

Nền kinh tế của chúng ta phát triển chậm hơn, nên đó cũng là một thiệt thòi lớn khi phải cạnh tranh cả về lực lượng lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nhưng theo tôi thì lý do mà 13 quán quân trong một cuộc thi được đầu tư du học mà 12 người không quay trở về nằm chính ở phương thức tổ chức cuộc thi. Chúng ta đã quá vui mừng khi nghĩ rằng một nhà tài trợ nào đó thực sự hảo tâm khi đã thưởng cho 35.000 USD để chọn người giỏi đi du học tại đất nước của người ta.

Ông đánh giá như thế nào về mặt bằng chung của sinh viên Việt Nam trước khi du học? Theo dõi sự phát triển trong khoảng 10-15 năm qua, ông thấy trình độ của học sinh Việt Nam có gì khác biệt? Chúng ta có thể kỳ vọng họ như là một thế hệ nguồn nhân lực mới với sức sống mới cho Việt Nam?

Theo quan sát cá nhân, so với mặt bằng chung của sinh viên các nước phát triển thì sinh viên Việt Nam có kiến thức và khả năng tư duy tốt về môn Toán và các môn khoa học tự nhiên, nhưng kiến thức xã hội và kỹ năng thực hành thì kém hơn.

Trong những năm gần đây nhờ có Internet nên sinh viên Việt Nam được tiếp cận dễ dàng hơn với các kiến thức công nghệ mới, trình độ ngoại ngữ cũng khá lên nhiều. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng học sinh, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có năng lực để cạnh tranh bình đẳng với sinh viên các nước phát triển, tạo ra thế hệ nguồn nhân lực mới cho phát triển của đất nước.

Ngoài ngoại ngữ ra thì theo tôi, du học sinh nên trang bị thêm hiểu biết về xã hội, hiểu biết về văn hóa quốc tế, phương pháp làm việc độc lập và chủ động. Bên cạnh đó, còn có kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện là những kiến thức mà du học sinh cần có.

Thường các bạn trẻ rất lo sợ khi về nước, môi trường làm việc có thể không phù hợp khiến cho không ít người vẫn phải nhảy việc, nhận mức lương chưa tương xứng, thậm chí họ lại tính đến chuyện tiếp tục “khăn gói” sang nước ngoài để làm việc. Chúng ta có biện pháp nào, cần hỗ trợ gì ngay từ khi các bạn du học sinh chuẩn bị kết thúc khóa học của mình, để tránh tình trạng họ về tới Việt Nam thì bị sốc? Theo ông, để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao này thì cần có những cải cách gì?

Đây không phải là vấn đề của riêng sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài, mà cũng là vấn đề của sinh viên tốt nghiệp trong nước. Muốn giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, dù tốt nghiệp trong nước hay ngoài nước thì phải có chế độ trả lương tốt và môi trường làm việc tốt.

Muốn có chế độ trả lương tốt và môi trường làm việc tốt thì cơ quan, đơn vị tuyển dụng phải mạnh. Có thể thấy đây không phải chỉ là bài toán riêng của việc thu hút hay sử dụng sinh viên du học về nước, mà là bài toán chung của cải cách nền kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh được cải cách nền kinh tế, tạo ra được môi trường kinh tế phát triển cạnh tranh lành mạnh đồng thời giải quyết tốt được các vấn đề an sinh xã hội thì các đơn vị sử dụng lao động tự biết làm thế nào để thu hút người giỏi về làm việc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo thống kê của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2015 , hiện có hơn 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 – 40.000 USD mỗi năm. Như vậy, người Việt đang chi khoảng 3 tỉ USD mỗi năm để có được nền giáo dục quốc tế.

Báo cáo mới nhất thuộc nghiên cứu “Giá trị của giáo dục” với tên gọi “Những nền tảng cho tương lai” vừa được Ngân hàng HSBC công bố cho thấy, 60% các bậc cha mẹ trong số 6.200 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cho biết họ sẵn sàng vay nợ để con cái của họ được học đại học.

Việt Nam xếp thứ 6 (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Canada) trong số các quốc gia có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất, tính cả hệ thống giáo dục bao gồm cao đẳng – đại học và các cấp đào tạo khác.

(thực hiện)